1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

lundi 7 mai 2007

XỨNG DANH DÒNG MÁU NỮ KIỆT



XỨNG DANH DÒNG MÁU NỮ KIỆT
Phạm Hồng Sơn



Các biên tập viên của chương trình “Vì an ninh Tổ quốc” của đài truyền hình Việt nam vừa qua đã hé lộ cho công chúng biết những hình ảnh và một vài phát biểu đầu tiên của Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy kể từ khi 02 người bị bắt. Bỏ qua tất cả những lời bình có tính chất lăng mạ, xuyên tạc, bôi nhọ thường thấy, cái đọng lại lớn nhất sau khi xem những hình ảnh và nghe những lời nói của 02 nhân vật chính trên đây là sự điềm tĩnh, tự tại, hoàn toàn thoải mái của Luật sư Lê Thị Công Nhân trong bộ quần áo sọc (quần áo của người đã có án !?) và tinh thần quyết liệt, đôi mắt bức xúc căm hờn, sự phản kháng mạnh mẽ của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy lúc bị bắt giữ. 02 phụ nữ trí thức, 02 gia cảnh khác nhau và 02 thế hệ khác nhau, nhưng đang cùng trên 01 con đường Yêu nước một cách phi cộng sản. Dĩ nhiên trong thể chế độc đảng hiện thời, tinh thần yêu nước phi cộng sản của họ không thể tránh được sự đối mặt với những đe dọa, hiểm nguy đến từ phía quyền lực độc tài. Sự tù đày hiện nay của họ chính là hiện thực hóa rõ nhất của những đe dọa, hiểm nguy đó. Mặc dù, cái hiện thực tàn bạo đã được 02 phụ nữ tiên liệu trước với một nhận thức rất thực tế của sự cam go trên con đường mà họ đã chọn, trước khi bị bắt không lâu cả hai đều đã có những bộc lộ thể hiện rõ nhận thức đó “Đối với tôi, đi tù chưa phải là điều xấu nhất” – Luật sư Lê Thị Công Nhân phát biểu trên một diễn đàn mở trên Internet, còn Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã tự đặt sau tên mình một danh xưng “tù nhân dự khuyết cho Nguyễn Vũ Bình” trong một bài thơ chia sẻ và động viên gia đình nhà báo Nguyễn Vũ Bình, song, những hình ảnh đó vẫn gây trong tôi một cảm giác hân hoan, thán phục lớn hơn dự kiến. Những ai đã từng trải qua tù đày của cộng sản đều có thể hiểu được những ác nghiệt, căng thẳng về tinh thần khi mới bị bắt, bị cách ly đột ngột và bị khủng bố tinh thần. Để vượt qua những khó khăn đó là điều không hề dễ dàng.

Một thiếu nữ tuổi đôi mươi bị bất ngờ lôi khỏi cái không khí gia đình đầm ấm và bị ném vào căn buồng nhỏ lạnh mà ngay cả bức tường hay chiếc bóng đèn cũng không thể tin cậy mà không chỉ giữ vững được ý chí mà còn giữ được phong cách điềm tĩnh, tự tại, kiểm soát được ngôn từ chính xác và hiệu quả để khẳng định lý tưởng của mình ngay lúc đối diện với nhân viên công lực trong chốn gông cùm của bạo quyền, thì quả thực, đó không chỉ là một khả năng mạnh mẽ về ý chí của cá nhân, mà nó đã thể hiện cho một khát vọng về một lý tưởng lớn tới mức mà sự hy sinh nếu có sẽ là một niềm vui hãnh diện đã được dâng hiến.

Một người mẹ nhỏ yếu đang lâm bệnh bị vũ lực áp đảo giật ra khỏi cái tổ ấm nhỏ nhoi với 02 đứa con bé bỏng mà không rầu rĩ, không nhỏ lệ, mà còn phản đối quyết liệt, hét lên sự phẫn nộ về đảng độc quyền giữa vòng vây của bạo quyền ngay giây phút bị kéo giật khỏi những giọt máu yêu thương của mình thì sự bức xúc, căm hờn với bạo quyền của cá nhân phụ nữ đó không chỉ có cội rễ từ cá nhân mà hẳn đã có nguyên nhân sâu thẳm từ một nhận thức sâu sắc về những gốc rễ bất công, phi lý của xã hội.

Con đường trước mắt trong lao tù của Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy chắc sẽ không phải là ngắn, họ sẽ còn phải đối mặt với nhiều gian nguy, những thủ đoạn “tinh tế” hoặc phi “tinh tế” của bạo quyền và để có thể đóng góp tốt hơn nữa trên con đường tranh đấu, hai chị chắc sẽ còn cần phải bộc lộ thêm nhiều phẩm chất, nhưng cái khí phách mà luật sư Lê Thị Công Nhân, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã thể hiện, người viết tin rằng, không chỉ giúp 02 người vượt qua được những khó khăn ác nghiệt trong chốn lao tù mà nó sẽ là một sung lực âm thầm lan toả và thúc giục lương tri con người cùng cất cao tiếng nói phẫn nộ đối với những bất công, giả dối đã trở nên thường trực trong xã hội.

Khí phách của phụ nữ Việt nam luôn thể hiện sự quật cường trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước từ mấy ngàn năm nay, từ mẹ Âu cơ một mình đưa các con đi khai phá mở đường, tới những Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân,… Khí phách quật cường không chấp nhận ách nô lệ của các Nữ tiên liệt chắc chắn đã là nguồn động lực, là sự cổ vũ lớn lao cho các giai đoạn lịch sử đấu tranh chống lại các chế độ áp bức, bất công tại Việt nam, và hôm nay, trong thế hệ tiếp nối đó hẳn đã có thêm hai cái tên phụ nữ Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy.

Xin ghi lại nơi đây những vần thơ của dân lành truyền tụng, ghi lại oai danh và tiết tháo của nữ tướng Bùi Thị Xuân:

Vận nước đang xoay chuyển,
Quần thoa cũng vẫy vùng

………

Khảng khái khi lâm nạn
Kiên trinh lúc khốn cùng
Ngàn thu gương nữ kiệt
Gương sáng hãy soi chung [1]

Những vần thơ này xin được gửi tới tất cả các mẹ, các chị đã và đang âm thầm hay công khai chia sẻ, tham gia vào cuộc đấu tranh cho một Việt nam không còn bất kỳ một chủ nghĩa hay một cá nhân nào được xưng tụng là vô địch, là tư tưởng chỉ đường, ngoại trừ sự Tự do cho Trí tuệ.

Phạm Hồng Sơn
07/05/2007


[1] Theo Từ điển nhân vật lịch sử Viêt nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Văn hóa 1997

Aucun commentaire: