1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 23 mai 2007

Chúng Ta Phải Có Tiếng Nói

Thứ Tư, ngày 23 tháng 5 năm 2007
Chúng Ta Phải Có Tiếng Nói

--------------------------------------------------------------------------------
• TS Nguyễn Đình Thắng
Thượng Viện tranh luận về cải tổ di trú. Nghị sĩ Edward Kennedy thuộc đảng Dân chủ (phải) và Robert Byrd (trái)

Vừa rồi các thượng nghị sĩ gạo cội của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đạt thoả thuận với Tòa Bạch Ốc về chính sách cải tổ tòan diện trong chương trình di dân. Chính sách này, nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng Việt và chúng ta bắt buộc phải lên tiếng, phải nhập cuộc để tự bảo vệ quyền lợi.

Những điểm chính được thoả thuận bao gồm việc hợp thức hoá tình trạng di dân của 12 triệu người không giấy tờ và cắt giảm các diện thân nhân đòan tụ để dành chỗ cho những di dân có tay nghề hay tài sản. Các diện bảo lãnh cho anh, chị, em và con cái trên tuổi vị thành niên sẽ bị loại bỏ. Bảo lãnh cho cha, mẹ sẽ bị hạn chế và do đó dòng chờ đã dài sẽ dài hơn.

Đây là một bước ngoặt lớn trong chính sách di dân mà từ trước đến giờ vốn đặt nặng giá trị của gia đình đoàn tụ. Các lực lượng chống di dân xem đây là một bước tiến đáng kể nhằm chấm dứt tình trạng “di dân dây truyền”, nghĩa là người trong gia tộc nối gót nhau nhập cảnh theo đường bảo lãnh thân nhân. Tuy nhiên họ vẫn không hài lòng vì cho rằng chính sách thoả thuận sẽ “ân xá” cho các thành phần di dân bất hợp pháp.

Ngược lại các cộng đồng di dân chống lại việc xoá bỏ hay hạn chế diện bảo lãnh thân nhân, lập luận rằng làm như thế là khuyến khích di dân bất hợp pháp—vì tình cảm gia đình nhiều người sẽ bất chấp luật lệ và tìm cách nhập cảnh lậu vào Hoa Kỳ. Nhiều vị dân biểu ở Hạ Viện đồng ý với quan điểm này.

Một thế trận đang hình thành giữa hai đối cực.

Thực ra, cuộc tranh cãi về chính sách di dân đã nhen nhúm chỉ vài tháng sau ngày Tổng Thống Bush nhậm chức lần thứ nhất và bị chìm đi một thời gian sau biến cố 9/11. Trong hai năm trở lại đây mức tranh luận và đối đầu ngày càng gia tăng, dẫn đến sự tương nhượng kể trên giữa một số thượng nghị sĩ chủ chốt và Tổng Thống Bush.

Trong suốt thời gian thời tiết trở mình tạo nên cơn lốc, cộng đồng chúng ta đứng ở bên lề trong thái độ bàng quan. Điều chắc chắn là chúng ta không thể thoát khỏi cơn lốc này. Hầu như gia đình người Việt nào ở Hoa Kỳ cũng đều có thân nhân để bảo lãnh, nếu chưa bây giờ thì trong tương lai. Đoàn tụ gia đình là giá trị thiêng liêng trong truyền thống của chúng ta, cũng như của nhiều cộng đồng di dân khác.

Điều khác nhau là các cộng đồng này đã rất năng nổ tranh đấu cho quyền lợi của họ. Họ đã tổ chức các cuộc biểu tình rộng lớn ở khắp nước Mỹ, lập phái đoàn vận động các vị dân cử, viết các bài báo để đánh động lương tâm và ý thức của người dân bản xứ, và tạo thành các khối liên kết ngày càng rộng lớn hơn.

Ngày 1 tháng 5 vừa qua các cộng đồng Á Châu đã tập hợp tại Hoa Thịnh Đốn để lên tiếng chống việc bãi bỏ diện bảo lãnh thân nhân và kêu gọi chính sách nhân đạo với thành phần di dân bất hợp pháp. Có đến 20% người gốc Á Châu thuộc thành phần này. Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển và một vài tổ chức người Việt tham gia cuộc vận động. Đây là bước khởi đầu cần thiết nhưng chưa đủ.

Trong thời gian tới đây, cả cộng đồng của chúng ta, ở mọi nơi, phải nhập cuộc, phải lên tiếng trước khi quá trễ. Khi cơn lốc đã nổi lên rồi, chúng ta sẽ trở tay không kịp và sẽ trở thành nạn nhân; chúng ta sẽ bị cuốn hút theo dù chỉ muốn đứng ở bên lề.

Mới đây, Hội Đồng Quản Trị của UBCNVB quyết định là Uỷ Ban sẽ phải biến mình thành tiếng nói và lực lượng để góp phần với cuộc đấu tranh chung, và sẽ huy động cộng đồng Việt ở khắp nơi dấn thân vào cuộc đối đầu đang diễn ra và ngày càng trở nên khốc liệt. Đây sẽ là một trọng tâm của chúng tôi trong 18 tháng tới đây.

TS Nguyễn Đình Thắng
Giám Đốc, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển
(Virginia, 23.05.2007)

Aucun commentaire: