Vươn Lên Trong Bão Táp
--------------------------------------------------------------------------------
• Nguyễn Minh Cần
Đầu năm nay, trong bài viết “Mùa Xuân Dân Tộc Ló Hiện Xa Xa”, khi nhận định rằng “phong trào đấu tranh ôn hoà, bất bạo động cho tự do dân chủ ở nước ta trong năm 2006 đã chuyển lên một cấp độ mới, có tính quần chúng, tính tổ chức, tính tích cực tiến công hơn trước, đang tạo nên một viễn cảnh đầy hứa hẹn”, chúng tôi cũng đã cảnh báo “những người dân chủ cần chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới vô cùng gian nan”.
Và quả đúng như vậy. Ngay từ đầu tháng 2.2007, Bộ chính trị ĐCSVN đã huy động cả bộ máy đàn áp hung ác đánh phá dữ dội phong trào dân chủ trong nước nhằm đè bẹp phong trào đang lên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc biểu diễn trò hề “bầu cử” quốc hội. Theo nhận định của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Right Watch) thì “đây là đợt đàn áp nhân quyền tệ hại nhất từ nhiều năm nay ở Việt Nam”.
Đương đầu với cả một bộ máy đàn áp đồ sộ và hung hãn đó của ĐCS, được vũ trang đầy đủ, lại được trang bị đủ loại “luật pháp” rừng rú, với “công lý” lộn ngược và những “toà án” bất công, các chiến sĩ dân chủ không có một tí gì hết trong tay, một tấc sắt cũng không, thậm chí ngòi bút, máy vi tính, điện thoại cầm tay đều bị tước ngay từ phút đầu. Họ chỉ có một trái tim nồng nàn yêu nước thương dân, một ý chí kiên cường và lòng tin sắt đá ở chính nghĩa cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ mà thôi. Trong cuộc chiến đấu hoàn toàn không cân sức này, các chiến sĩ dân chủ chỉ có thể dựa vào tinh thần của mình để giành thắng lợi. Và... chúng ta hãy dõi xem sự thể đã diễn ra như thế nào trong thời gian qua?
Trận chiến đấu đầu tiên
ĐCS nhắm mục tiêu tấn công trước tiên vào Khối 8406 là Khối đã tung lên bản “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006”, một bản tuyên ngôn lịch sử, vô tiền khoáng hậu, có tiếng vang lớn trong và ngoài nước, được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Cũng chính Khối 8406 là những người đầu tiên dũng cảm đưa ra khẩu hiệu “Tẩy chay cuộc bầu cử độc đảng”, vì đây là một trò hề giả dối, bỉ ổi, tiến hành theo lối “đảng cử dân bầu” cực kỳ phản dân chủ.
Linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người soạn thảo “Tuyên Ngôn2006”, một trong những người cổ vũ và lãnh đạo năng nổ nhất của Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam (LMDCNQVN), một trong những người giúp đỡ cho sự ra đời của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, một trong những người đã cho ra mắt tờ bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, tờ báo không xin phép đầu tiên dưới chế độ độc tài toàn trị. Linh mục Lý cũng là một trong những người đầu tiên xướng xuất việc tẩy chay trò hề bầu cử Quốc hội. Chính vì thế, kẻ cầm quyền Hà Nội hướng mũi nhọn khủng bố trước tiên vào ông.
Đúng vào dịp Tết Nguyên đán (18.2.07), họ đã tung một lực lượng công an đông đảo xông vào chỗ ở của Linh mục ngay trong Nhà chung Tòa Tổng giám mục Huế, khám xét, lùng sục, tịch thu máy vi tính, giấy tờ tài liệu, điện thoại cầm tay, rồi sau đó bắt ông giam ở Bến Củi chờ ngày xử án. Cũng trong thời gian đó, công an đã bắt bốn người cộng sự của ông là các thành viên Khối 8406, đảng viên Đảng Thăng Tiến Việt Nam, như Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Lê Thị Lệ Hằng và Hoàng Thị Anh Đào. Bằng dung doạ, cưỡng ép, họ đã bắt Nguyễn Phong viết tuyên bố giải tán Đảng Thăng Tiến Việt Nam và viết thư cho ông Nguyễn Công Bằng, chủ tịch Đảng Vì Dân, để giải tán Liên Đảng Lạc Hồng.
Kẻ cầm quyền tin chắc rằng sau khi đã khuất phục được Nguyễn Phong thì tại phiên toà, Nguyễn Phong cùng với những người cộng sự của anh ta sẽ là nhân chứng để dễ dàng trị tội Linh mục Lý, nên họ đã vội vã lập phiên toà để xử ông cùng các chiến hữu của ông. Thế nhưng, họ đã lầm to! Tại phiên toà ở Huế (30.3.07), Linh mục Lý đã biểu lộ dũng khí của một chiến sĩ dân chủ kiên cường và bất khuất: dù ở trong vị thế “bị cáo nhân”, nhưng Linh mục đã luôn luôn thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, thái độ quyết liệt phản đối toà án bất công, bộc lộ rõ sự phủ nhận “công lý” cộng sản, “toà án” cộng sản khoác tấm áo mỹ miều “toà án nhân dân” mà thực chất mang chức năng gọi là “chuyên chính vô sản” cực kỳ ác độc.
Theo dõi kỹ phiên toà qua đoạn phim (video clip) mà một nhà báo ngoại quốc đã ghi được và bài tường thuật cuộc xử án tại Huế của phóng viên FNA, chúng ta thấy rõ ngay từ đầu cái tinh thần của Linh mục Lý là phủ định “công lý” lộn ngược của ĐCS, “toà án” giả hiệu của ĐCS, và nói rộng hơn, phủ định tính chính thống của chính quyền và chế độ hiện tồn ở Việt Nam trong bàn tay của ĐCS. (1)
Xin đơn cử vài điều để thấy được cái tinh thần đó của Linh mục Lý ngay tại phiên xử: khi đến toà án ông không tự đi mà cố ghì mình lại để cho công an phải xốc nách lôi vào phòng xử; khi chủ toạ phiên toà (chánh án) đọc lời khai mạc thì ông đọc to bài thơ “toà án cộng sản Việt Nam...” của ông mà ông đã cố ý cho công bố từ trước trên mạng Internet, nên bị công an bịt miệng kéo ra khỏi phòng xử; khi bị công an đưa vào phòng xử lần thứ hai để nghe đọc và xác nhận lý lịch thì ông lại vùng vẫy, dùng chân đá nhào vành móng ngựa, miệng phẫn nộ tố cáo, công an lại bịt miệng và lôi ông ra khỏi phòng; khi chủ toạ phiên toà lấy lời khai từng bị cáo thì ông lại bị lôi vào phòng xử lần thứ ba và lần này ông hô to “đả đảo toà án cộng sản Việt Nam!” và công an lại bị bịt miệng lần thứ ba và lôi ông ra khỏi phòng xử... Chính cái tinh thần mãnh liệt đó của ông đã giáng một đòn mạnh vào cái gọi là “công lý” cộng sản Việt Nam làm cho nó bị động, phải tự phơi bày chân tướng độc tài của nó trước công luận toàn thế giới: toà án của ĐCSVN đã công nhiên ba lần bịt miệng bị cáo ngay tại phiên toà! Và tấm hình “bịt miệng” Linh mục Lý đã nhanh chóng loan truyền khắp toàn cầu tố cáo tính chất độc tài toàn trị của chế độ “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam, một chế độ có tính phát xít còn đậm nét hơn cả chế độ Hitler, vì ngay dưới chế độ Hitler, khi xử án G. Dimitrov thì ông này vẫn được phát biểu rất lâu mà không một ai “bịt miệng” ông ta cả!
Có người cho rằng hành động của Linh mục Lý tại phiên toà là quá đáng. Nhưng chúng tôi lại thấy hoàn toàn khác! Sự biểu thị tinh thần phản đối “luật pháp” bất công, phi nhân và thái độ quyết liệt phủ nhận “toà án” giả hiệu của ĐCS là một hành động đúng đắn, cần thiết, miễn là hành động đó không vượt ra ngoài những phương thức bất bạo động. Không có tinh thần và thái độ phủ định đó thì làm sao có ý chí để chuyển hoá xã hội được? làm sao biến đổi tâm lý và ý thức xã hội được? Trong những cuộc “cách mạng nhung” ở Đông Âu, các chiến sĩ dân chủ cũng đã từng có tinh thần và thái độ phủ định mạnh lắm đối với chế độ toàn trị của ĐCS và đã phải hành động quyết liệt lắm mới giành được tự do, mới thoát khỏi cường quyền cộng sản, và chính từ cuộc “cách mạng nhung” đó mới nảy sinh ra những vị anh hùng, như Lech Walesa ở Ba Lan, Vaclav Havel ở Tiệp Khắc! Ngay như vị tổ sư của “chủ thuyết bất bạo động” là cụ Gandhi (1869-1948) ở Ấn Độ mà dân châu Á ta thường coi là bậc thánh, cụ cũng đã từng có tinh thần và thái độ phủ định mãnh liệt lắm đối với chế độ thực dân Anh và phải hành động quyết liệt, dữ dội lắm thì mới giành được một cách hoà bình nền độc lập cho nước Ấn Độ. Còn Linh mục Lý, một tù nhân chính trị và lương tâm từng bị đoạ đày khốn khổ hàng mấy chục năm trời trong ngục tù cộng sản, lần này lại bị lôi ra toà lần nữa, tay bị còng, miệng bị bịt, chỉ còn có chân chưa bị cùm thì ông bực bội dùng chân đá nhào vành móng ngựa – vật biểu trưng cho cái “công lý” lộn ngược của ĐCS, thế thì thử hỏi: có gì là quá đáng? Trước toà án của chế độ độc tài toàn trị, mà người dân chủ cứ “nhũn như con chi chi”, “gọi dạ bảo vâng” thì còn gì là dũng khí, còn gì là khí thế của một chiến sĩ đấu tranh vì chính nghĩa tự do dân chủ và nhân quyền?
Cũng trái với sự mong đợi của kẻ cầm quyền, mấy ngày trước phiên toà, Nguyễn Phong đã phát ra trên mạng Internet lời tuyên bố ghi âm và viết tay của anh để tỏ rõ thái độ cương quyết tiếp tục đấu tranh vì tự do dân chủ và nhân quyền; còn tại toà án, tất cả bốn người thuộc Đảng Thăng Tiến đều đồng loạt phản cung, Nguyễn Phong và Nguyễn Bình Thành đều nói chúng tôi không có tội gì khi đấu tranh cho tự do và nhân quyền.
Chủ toạ phiên toà đã đọc bản án định sẵn từ trước cho các bị cáo: Linh mục Lý – 8 năm tù giam, 5 năm “tù” quản chế, Nguyễn Phong – 6 năm tù giam, 3 năm “tù” quản chế, Nguyễn Bình Thành – 5 năm tù giam, 2 năm “tù” quản chế, Hoàng Thị Anh Đào – 2 năm tù treo, Lê Thị Lệ Hằng – 1 năm rưỡi tù treo. Một mức án rất nặng và cực kỳ vô nhân đạo, nhất là đối với một người cao niên, 60 tuổi, đang bị lao nặng.
Phân tích kỹ mọi hệ quả của phiên toà tại Huế, chúng ta có thể khẳng định là những người chiến thắng trong trận chiến đấu đầu tiên này không phải là ĐCSVN mà chính là các chiến sĩ dân chủ, đứng đầu là Linh mục Lý. Họ đã thắng lớn, trước tiên là về mặt tinh thần và sau đó là về mặt chính trị. Chính nhờ tinh thần anh hùng bất khuất của Linh mục Lý và các chiến hữu của ông mà chế độ độc tài toàn trị của ĐCS bị bêu xấu trên khắp thế giới, bộ mặt chính trị của chế độ đó bị phỉ nhổ tả tơi trước công luận toàn cầu. Đây là một thực tế, chứ không phải là điều suy luận viễn vông.
Những chiến trận tiếp theo
Cũng vào đầu tháng 3, kẻ cầm quyền đã ra lệnh cho công an bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân, hai thành viên Khối 8406, riêng cô Công Nhân còn là phát ngôn viên của Đảng Thăng Tiến Việt Nam. Đây là hai nhà dân chủ trẻ tuổi hoạt động năng nổ cho dân chủ và nhân quyền. Ngay trước ngày bị bắt, Luật sư Công Nhân đã biểu lộ hào khí của một chiến sĩ dân chủ bất khuất khi cô chân thành tuyên bố trên Diễn đàn Dân chủ lúc 3 giờ 40 phút sáng ngày 26.2.07: “... thật sự tôi cũng không đoán trước được cụ thể những việc gì sẽ xảy ra với tôi. Nhưng tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi để đấu tranh, trước hết là để giành lấy nhân quyền cho chính mình, và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam. Và Cộng sản Việt Nam đừng có mong chờ bất kỳ một điều gì là thoả hiệp, chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi... Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, đó là tôi sẽ bị khởi tố và có thể bị đi tù, nhưng tôi xin khẳng định một lần nữa đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra...”
Và tại phiên toà xử vội vàng và chiếu lệ ở Hà Nội vào cuối thượng tuần tháng 5, kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ, Luật sư Đài và Luật sư Công Nhân đã biểu lộ khí phách hào hùng của mình. Luật sư Đài dõng dạc nói tại toà là ông không vi phạm bất cứ luật nào mà chỉ đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội. Còn Luật sư Công Nhân cũng khẳng định là cô không phạm tội gì hết. Theo lời tường thuật của hãng thông tấn Associated Press (AP), khi công tố viên (trong nước gọi là kiểm sát viên) hỏi Luật sư Công Nhân: “Các hành vi này của cô có phải là một tội hình sự hay không? ”, Công Nhân khẳng khái đáp: “Hẳn nhiên là không!”, còn trước khi kết thúc phiên xử, cô phát biểu ngắn gọn rằng: “Phiên toà hôm nay không hợp lệ. Tôi phản đối phiên toà này.”
Xem lại đoạn video clip, sau lời giới thiệu (có lẽ là của công an) nói rằng: “trong trại tạm giam, Nhân vẫn giữ thái độ bất hợp tác và không hề tỏ ra ăn năn hối hận đối với những việc làm của mình” là lời khai khẳng khái của Luật sư Lê Thị Công Nhân: “... dù tôi có tham gia vào những việc làm này nọ, có viết những bài và có trả lời này nọ cho các đài, tôi cảm thấy thoả mãn cái lý tưởng của mình, sự hiểu biết của mình và tổ chức của mình...” Thật là khí phách của một nữ anh hùng của thời đại ngày nay!
Những việc làm của hai luật sư trẻ thực ra hoàn toàn vô tội, họ chỉ sử dụng quyền hiến định của công dân là phát biểu ý kiến của mình, thế nhưng toà án của ĐCS cũng kết án Luật sư Đài 5 năm tù giam, 4 năm “tù” quản chế, và Luật sư Công Nhân 4 năm tù giam, 3 năm “tù” quản chế! Khách nước ngoài được đến theo dõi phiên xử án ở phòng bên cạnh đều nói lên sự bất công của toà án Hà Nội. Bà Angela Aggelier, tuỳ viên báo chí của sứ quán Hoa Kỳ nói với BBC: "Chúng tôi không hề thấy họ có hành vi nào trái với quyền của họ là được quyền bày tỏ chính kiến một cách hòa bình mà việc bày tỏ này được luật pháp quốc tế công nhận." Còn nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, ông Alexis Andres, thì bảo rằng: "Bằng chứng buộc tội ông Đài và cô Nhân rất yếu và bản án như thế thật là quá đáng.”
Trong trận chiến đấu thứ hai này, người thắng vẫn là hai chiến sĩ dân chủ dũng cảm – Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân. Họ đã tỏ rõ khí phách hào hùng của những bậc hào kiệt trẻ trung, xứng đáng là những kẻ sĩ của đất Thăng Long thời đại mới.
Cũng vào cuối thượng tuần tháng 5, ở miền Nam, tại Sài Gòn, toà án của ĐCS đã mở phiên xử ba nhà hoạt động dân chủ bất đồng chính kiến, thành viên Đảng Dân Chủ Nhân Dân, là Bác sĩ Lê Nguyên Sang, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển và ký giả Huỳnh Nguyên Đạo. Cũng giống như những người khác bị đưa ra xử tại Huế và Hà Nội, họ đều bị buộc tội vi phạm điều 88 bộ luật hình sự, tức là tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa. Họ bị kết án nặng nề - ông Sang 5 năm tù giam, ông Truyển 4 năm tù giam và ông Đạo 3 năm tù giam. Qua tấm hình do hãng Reuters đưa ra, người ta dễ nhận thấy cái nhìn khinh mạn của Bác sĩ Sang và thái độ bình tĩnh, đàng hoàng của hai bị cáo khác.
Cũng tại Sài Gòn, ngày 15.5, toà án của ĐCS đã vội vã xử Luật sư Trần Quốc Hiền, Giám đốc Công ty Tư vấn luật Sài Gòn, thành viên Khối 8406, phát ngôn viên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, một trong những người giúp đỡ cho “dân oan”. Ông cũng bị ghép tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa và bị kết án 5 năm tù giam, 4 năm “tù” quản chế.
Như vậy là cả trong mấy trận chiến đấu tiếp theo ở Hà Nội và Sài Gòn, ĐCS đã không thể đè bẹp được ý chí kiên cường của các chiến sĩ dân chủ, và người chiến thắng về mặt tinh thần và chính trị vẫn là các chiến sĩ dân chủ.
ĐCS ở trong thế yếu của kẻ đuối lý, đang bị mất mặt
Những cuộc xử án vội vã từ Bắc Trung Nam vừa qua không hề chứng tỏ là ĐCS và chế độ độc tài toàn trị mạnh, vì một nhà nước mạnh không bao giờ làm những chuyện trắng trợn và thô bỉ đến mức côn đồ như vậy. Những cuộc xử án đó bộc lộ sự hốt hoảng, run sợ của ĐCS trước phong trào dân chủ đang lên, bộc lộ thế yếu và sự lúng túng của họ, của những kẻ đuối lý đâm ra... cắn càn. Sau những vụ xử án này, chế độ độc tài của ĐCS càng thêm bị cô lập trên trường thế giới, công luận càng thấy rõ tính xảo trá của đám lãnh đạo mới lên, huênh hoang tuyên bố này nọ để đánh lừa thế giới, như Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, kỳ thật trước sau họ vẫn là những kẻ độc tài cực kỳ hung ác.
Chính vì thế, ngay sau khi phiên toà ở Huế, Hà Nội và Sài Gòn vừa kết thúc, Quốc Hội Hoa Kỳ, Nghị Viện Liên Hiệp Châu Âu (EU), chính phủ Đức... đã ra tuyên bố phản đối Hà Nội và đòi Hà Nội phải trả tự do ngay cho các tù nhân chính trị, 141 tổ chức nhân quyền quốc gia họp tại Đại Hội Nhân Quyền Thế Giới ở Lisbon (25.4.2007), Nhóm Hiến Chương 77 (Tiệp Khắc), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), hàng nghìn người dân ở Warszawa, Praha, Australia, Canada, Hoa Kỳ, Pháp... đã lên tiếng tố cáo Hà Nội đàn áp các nhà dân chủ. Đây là những bằng chứng để suy ngẫm về sự “ai thắng ai" trong các trận chiến đấu không cân sức này!
“Lửa thử vàng!"
Người ta thường nói “lửa thử vàng, gian nan thử đức". Chính trong lúc nguy nan, trong cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt với đối phương thì mới dễ dàng bộc lộ - một mặt, tính hèn yếu của một số người nhút nhát, và mặt khác, tinh thần anh hùng, bất khuất của những chiến sĩ gan dạ. Nhìn lại những trận chiến đấu vừa qua, chúng ta vui mừng nhận thấy rằng cho đến ngày hôm nay, chưa có một ai trong số các chiến sĩ dân chủ của chúng ta khi giáp trận đã chịu “bó gối quy hàng", trái lại trong cơn bão táp bạo tàn mà ĐCS gây ra, đã xuất hiện nhiều vị anh hùng đáng kính của Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam!
Không anh hùng sao được, khi các chiến sĩ dân chủ của chúng ta dám từ bỏ hạnh phúc riêng tư đang có của mình để lao vào con đường đấu tranh đầy chông gai, dấn thân vào “chốn dầu sôi lửa bỏng” hòng cứu nguy cho Tổ Quốc và Dân Tộc đang bị khốn khổ trong “bàn tay lông lá” của bọn độc tài toàn trị, trong lúc đó thì nhiều trí thức, thanh niên... hoàn toàn thờ ơ với số phận đất nước, cam phận nô lệ, thậm chí có kẻ còn cam tâm uốn mình làm thân tôi tớ cho “lũ giặc nội xâm”? Không anh hùng sao được, khi trước nanh vuốt của công an, toà án, bạo quyền độc ác, các chiến sĩ dân chủ của chúng ta vẫn hiên ngang, khẳng khái kiên định lý tưởng tự do dân chủ và ý chí đấu tranh đến cùng cho lý tưởng đó? Không anh hùng sao được, khi trước cả một bộ máy đàn áp khủng bố đồ sộ của ĐCS, các chiến sĩ dân chủ của chúng ta tỏ rõ thái độ khinh mạn, chấp nhận cảnh tù đày với muôn vàn thiếu thốn, khó khăn để khẳng định niềm tin vào lý tưởng cao đẹp của mình, khẳng định tinh thần hiến thân vì tự do dân chủ cho dân tộc? Tin chắc rằng sử sách chân chính của Tổ Quốc rồi đây sẽ muôn đời ghi tên của những anh hùng mới trong phong trào dân chủ nước ta! Cũng xin nói thêm, chẳng những các chiến sĩ dân chủ đã bộc lộ lòng dũng cảm, bất khuất, mà ngay cả nhiều người thân, như mẹ và vợ của họ cũng tỏ thái độ kiên cường không kém, chẳng những họ không biết sợ mà lại hết lòng bênh vực lẽ phải, ủng hộ lý tưởng của các chiến sĩ dân chủ thân yêu. Chúng tôi muốn nhắc đến bà Trần Thị Lệ, thân mẫu của nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân, bà Bùi Thị Kim Ngân – vợ ông Nguyễn Vũ Bình, bà Vũ Thúy Hà – vợ ông Phạm Hồng Sơn, bà Vũ Thị Minh Khánh – vợ ông Nguyễn Văn Đài, và nhiều người khác.
Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn
Trong cơn hoảng loạn, vừa qua ĐCS đã xua công an bắt bớ hàng mấy chục người dân chủ trong cả nước. Ngày 16.3.07, họ đã bắt giữ Phương Nam Đỗ Nam Hải và dùng sức ép của tình cảm gia đình, cụ thể là người cha già đang bệnh, chị gái và con gái của anh để buộc anh phải viết “lời thú tội” nên anh đành phải chấp nhận để bảo vệ sinh mạng cho cha già. Nhưng khi công an ép anh phải tuyên bố giải tán Khối 8406 và LMDCNQVN thì anh cương quyết từ chối. Và đến ngày 4.5.07, Đỗ Nam Hải đã tuyên bố: “lời thú tội” mà anh buộc lòng phải viết và đọc hôm 16.3.07 là hoàn toàn vô giá trị, và anh “sẽ tiếp tục cùng dân tộc đấu tranh giành lại tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam cho tới khi thắng lợi hoàn toàn”. Người viết bài này biết rõ Đỗ Nam Hải từ thời kỳ anh còn là sinh viên du học ở Úc. Anh là một thanh niên dũng cảm, có chí khí, cho nên chúng tôi cho rằng việc Nam Hải phải viết “lời thú tội” chỉ là một bước lùi để đối phó với tình thế ngặt nghèo của gia đình, chứ không phải là sự khuất phục, càng không phải là sự đầu hàng, như có người lầm tưởng. Chính vì thế, trong thông báo ngày 11.5.07, LMDCNQVN đã nhiệt liệt chào mừng Đỗ Nam Hải quay trở lại phong trào và bổ sung anh trở lại vào Ban Điều hành LMDCNQVN.
Ngày 21.4.07, công an đã bắt giam nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, mặc dù chị đang điều trị bệnh lao phổi và bệnh tiểu đường. Họ dự định sẽ đưa chị ra toà vào tháng 6 sắp tới. Thanh Thuỷ đã tiên đoán được cái kết cục đó từ lâu và cũng từ lâu chị đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến đấu sắp tới. Xin nhắc lại bài tuyệt bút chị viết từ tháng 10.2002:
Thay lời tiễn biệt
Khi tôi chết, hãy ghi trên huyệt mộ
“Đây là người yêu nước thương dân
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Đưa nhân dân ra khỏi kiếp bần hàn.”
Tuổi bốn mươi khi nghĩa đời đã tỏ
Thì cùm gông xiềng xích sá kể gì
Theo gương bậc tiền bối tôi đi
Vá lại mảnh trời xanh Tổ Quốc
Vạch mặt lũ đê hèn, quân bán nước
Nhân danh đảng, Tổ Quốc lộng hành
Chúng cấu kết, chúng ăn chia
Còn chúng nó, dân ta còn phải khổ.
Nếu tôi chết, xin nuôi bầy con nhỏ
Chúng nó đáng thương nào có tội tình gì
Khi cha mẹ đứng lên đòi sự sống
Cho giống nòi và cả cho mai sau.
Nếu tôi chết...
Và không lâu trước ngày bị bắt, nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ đã tự ghi sau tên mình một danh xưng là “tù nhân dự khuyết của ĐCS”. Với tinh thần khẳng khái, quyết liệt vốn có của Trần Khải Thanh Thuỷ, chúng ta tin chắc rằng chị sẽ vượt qua trận chiến này một cách vẻ vang.
Ngay từ tháng 11.2006, hoảng sợ trước sự trổi dậy của phong trào công nông với sự ra đời của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam do người công nhân Nguyễn Tấn Hoành, 22 tuổi, sáng lập và lãnh đạo, ĐCS đã cho bắt hàng loạt người sáng lập Hiệp Hội. Ngoài Nguyễn Tấn Hoành, họ đã bắt Trần Thị Lệ Hằng, tức Trần Thị Lê Hồng, Đoàn Huy Chương, tức Hoàng Huy Chương, Đoàn Văn Diên, cha của Đoàn Huy Chương, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Thị Tuyết, Lê Bá Triết, Nguyễn Tuấn. Hai thiếu niên Đoàn Triệu Hải, tức Hảo, 16 tuổi và Đoàn Triệu Kinh Kha, 14 tuổi, con của Đoàn Văn Diên cũng bị bắt để làm áp lực bắt cha, sau một thời gian giam giữ hai em đã được thả ra. Còn Luật sư Trần Quốc Hiền, phát ngôn viên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, đã bị bắt tháng 1.2007 và đã bị đưa ra xử tại Sài Gòn, như đã nói trên.
Thêm nữa, đầu tháng 5.2007, kẻ cầm quyền cũng đã tổ chức phiên toà tại tỉnh Đồng Tháp để xử bốn tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý (PGHHTT) là ông Nguyễn Văn Thơ, Hội trưởng Giáo Hội PGHHTT tỉnh Đồng Tháp, bà Dương Thị Trân, Hội trưởng Phụ Nữ Từ Thiện PGHHTT và là vợ ông Thơ, ông Lê Văn Sóc, Phó Hội trưởng Giáo Hội PGHHTT tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Thuỳ, Tổng Vụ Thanh Niên PGHHTT tỉnh Vĩnh Long chỉ vì họ đấu tranh đòi quyền tự do tín ngưỡng. Họ đều bị kết án rất nặng: ông Thơ 6 năm tù giam, bà Trân 4 năm tù giam, ông Sóc 6 năm tù giam, ông Thuỳ 5 năm tù giam. Cũng như tại mọi phiên toà của chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam, các bị cáo không được quyền bào chữa, không có luật sư biện hộ, thân nhân bị cáo không được có mặt và phiên toà không có giới báo chí tham dự.
Vẫn chưa hết, công an còn bắt giam nhiều nhà trí thức dân chủ khác, như Luật sư Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Luật sư Lê Quốc Quân (được Quỹ Quốc gia Yểm trợ Dân chủ Mỹ - National Endowment for Democracy - cấp học bổng du học 5 tháng tại Hoa Kỳ và được Hà Nội đồng ý cho đi, thế mà khi ông vừa về đến nhà ở Nghệ An thì bị bắt ngay), doanh gia Trương Quốc Huy, ông Hồng Trung, bà Hồ Thị Bích Khương (“dân oan” ở Nghệ An, thành viên Khối 8406), hai Thượng toạ Thích Thiện Tâm và Thích Huệ Lâm thuộc Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất ở Bình Thuận, 9 tín đồ Đạo Cao Đài, 10 tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo, và hơn 350 đồng bào Thượng theo đạo Tin Lành ở Cao nguyên miền Trung... Độc ác nhất là công an đã bắt Luật sư Bùi Thị Kim Thành (người tích cực giúp đỡ, bênh vực cho “dân oan” miền Tây) nhốt vào Bệnh viện Tâm thần ở Biên Hoà, mặc dù nhiều bác sĩ địa phương xác nhận rằng tâm thần của bà bình thường. Họ đã chích hàng chục mũi thuốc để làm cho tinh thần bà bại hoại. Công an cũng đang truy nã giáo sư Nguyễn Chính Kết, săn lùng ráo riết các ông Lê Trí Tuệ, Trương Quốc Tuấn, Bạch Ngọc Dương, Trần Văn Hoà... làm một số người đã phải “vượt biên” ra nước ngoài.
Như vậy là cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn. Cố nhiên, qua những trận bão táp dữ dội này, về mặt nhân sự, phong trào dân chủ bị sứt mẻ nặng nề: những nhân vật trụ cột của phong trào – nói theo cách diễn đạt của Luật sư Công Nhân – “bị buộc phải hy sinh chấp nhận những nhiệm sở bất đắc dĩ”! Nhưng phong trào vẫn không bị dẹp tan. Biết bao tiếng nói dũng cảm của những người dân chủ trong nước vẫn còn vang lên mạnh mẽ. Khối 8406, LMDCNQVN, Đảng Thăng Tiến, Đảng Lạc Hồng, Đảng Dân Chủ Nhân Dân... vẫn tồn tại, các tờ bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, Tổ Quốc, tập san Tự Do Dân Chủ... vẫn tiếp tục phát hành đều đặn... Nhiều tổ chức đã bắt đầu chuyển hướng cách hoạt động cho thích hợp hơn với tình thế mới.
Khủng bố không hề thắng được khát vọng tự do!
Cũng xin nhắc lại, đây chẳng phải là lần đầu tiên ĐCS tung đòn khủng bố đàn áp đối với phong trào dân chủ. Kể từ lúc phong trào mới manh nha cách đây trên 50 năm – chúng tôi muốn nói đến trào lưu Nhân Văn Giai Phẩm, khi một số văn nghệ sĩ, trí thức rụt rè đòi tự do dân chủ, nhất là tự do sáng tác – ĐCS đã giáng một đòn khủng bố ghê rợn đến nỗi hàng trăm trí thức, văn nghệ sĩ đã bị đoạ đày khốn khổ trên ba chục năm trời ròng rã, nhiều người phải ngồi tù dài hạn, như nhà văn hoá Nguyễn Hữu Đang - 15 năm, nhà văn Thuỵ An - 15 năm, nhà thơ Phùng Cung - 12 năm, nhà xuất bản Trần Thiếu Bảo (Minh Đức) - 10 năm, người ít nhất cũng phải 3–4 năm. Hồi đó, đã có nhiều người khiếp sợ, một số ít đã khuất phục, thậm chí có người đầu hàng. Nhưng hồn tự do bất diệt vẫn sôi sục trong huyết quản trí thức, văn nghệ sĩ, và nhiều người vẫn kiên cường giữ vững khí phách kẻ sĩ. Đó là những Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Hữu Loan, Trương Tửu...
Tiếp đến trận đàn áp cực kỳ khốc liệt những cán bộ đảng viên có tinh thần dân chủ dám có ý kiến bất đồng với ban lãnh đạo ĐCS: đó là vụ án “Xét Lại – Chống Đảng”. Hơn bốn năm chục cán bộ từ cao, trung cấp trở xuống, nhiều nhà báo, nhà văn... đã bị tống giam vào ngục tù, nhiều người bị “tù” tại gia. Biết bao người đã phải chết âm thầm trong uất hận, như Phạm Viết, Bùi Công Trừng, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Lê Liêm... Thế nhưng ĐCS vẫn không thể đè bẹp được ý chí đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ. Tấm gương kiên cường của cụ Hoàng Minh Chính, người đã ngồi tù giam cũng như “tù” tại gia cho đến nay, nghĩa là trên 30 năm trời, vị anh hùng bất khuất của đối lập dân chủ Việt Nam, đã khích lệ rất nhiều cho các thế hệ dân chủ hậu sinh.
Rồi tiếp đến những hoạt động của Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ do cụ Nguyễn Hộ, cựu chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, một nhà cách mạng lão thành của ĐCS làm chủ nhiệm. Một cao trào dân chủ đã dấy lên với những cuộc thảo luận sôi nổi về tự do dân chủ, với việc xuất bản báo Truyền Thống Kháng Chiến... làm ĐCS hoảng sợ, vội vã đàn áp. Nhiều vị công thần của Đảng, như Nguyễn Hộ, Đỗ Trung Hiếu, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Đình Mạnh... đã bị bắt giam. Nhưng chính lúc này lại xuất hiện thêm những chiến sĩ dân chủ kiên cường khác, như cụ Nguyễn Văn Trấn, Linh mục Chân Tín, trung tướng Trần Độ, các ông Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh, Trần Anh Kim, nhà thơ Bùi Minh Quốc, các nhà văn Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự... Trong số những người xuất thân từ chế độ Việt Nam Cộng Hoà, đã có những người rất nổi bật, như bác sĩ Nguyễn Đan Quế với Cao Trào Nhân Bản, ông Nguyễn Đình Huy, người đứng đầu Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ, giáo sư Đoàn Viết Hoạt với tờ Diễn Đàn Tự Do, hai vị Hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, các Thượng toạ Thích Thích Thiện Minh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Không Tánh, Linh mục Nguyễn Văn Lý...
Như vậy là trong suốt nửa cuối thế kỷ 20, dù đàn áp tàn bạo, khủng bố khốc liệt đến đâu, nhưng ĐCS vẫn không thể đè bẹp được phong trào dân chủ nước ta. Còn nếu tính từ đầu thế kỷ 21 đến nay, thì chúng ta cũng đã từng chứng kiến trận đàn áp khốc liệt vào năm 2002, khi Nông Đức Mạnh vừa mới lên ngôi vị Tổng bí thư của ĐCS. Hàng chục chiến sĩ dân chủ đã bị câu lưu, bị bắt bớ, bị tù giam hay “tù” tại gia, tại chùa, tại nhà thờ, đó là những Vũ Cao Quận, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Đan Quế, Lê Hồng Hà, Trần Dũng Tiến, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Trần Khuê, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Trần Anh Kim, Nguyễn Đắc Kính, Đào Quang Tiến, Dương Sơn, Dương Hùng, hai vị Hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, các Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ, Thích Thiện Minh, Thích Không Tánh, các Linh mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, cụ Lê Quang Liêm (hội trưởng PGHHTT), các Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Công Chính... Thế nhưng, phong trào vẫn giữ vững và đến năm 2006 thì ngày càng khởi sắc đến nỗi ĐCS lại phải tung ra trận đàn áp dữ dội lần này. Trong trận chiến đấu mới này lại xuất hiện thêm những anh hùng mới của dân tộc như nhiều người đã biết. Chúng ta có thể tin chắc rằng phong trào hiện đang được duy trì và sẽ lại có ngày khởi phát mạnh mẽ, vì không có gì có thể đè bẹp được ý chí tự do của những con người có lương tâm và trí tuệ.
Chúng ta cũng tin chắc rằng tuổi trẻ còn có tim óc của dân tộc ta sẽ lắng nghe lời tâm huyết của Luật sư Lê Thị Công Nhân: “...Những gì mà tôi làm được, tuy hết sức nhỏ bé, nhưng nếu như từng cá nhân chúng ta tự coi mình là con người mà lại thờ ơ trước số phận chính trị của mình cũng như của dân tộc Việt Nam mà chưa ủng hộ, hay ủng hộ rồi mà chưa tham gia, hay tham gia mà chưa tích cực, thì xin hãy mạnh dạn, can đảm nói lên tiếng nói của mình!” và rất nhiều người “sẽ tiếp tục đứng lên gánh vác những công việc còn đang dang dở của chúng tôi” (2).
Như vậy thì chúng ta có đầy đủ lý do để tin tưởng, một khi các chiến sĩ dân chủ dũng cảm đã vươn lên trong trận bão táp bạo tàn vừa qua, nêu cao tấm gương anh hùng cho toàn dân tộc và tuổi trẻ nước ta, thì chắc chắn là phong trào dân chủ sẽ còn vươn lên nữa, bất chấp mọi trận bão táp dữ dội mà ĐCS sẽ gây ra. Còn chế độ bạo tàn, độc tài toàn trị của ĐCS chắc chắn rồi đây sẽ sụp đổ tan tành trong trận bão táp của lòng phẫn nộ và căm hờn xuất phát từ đại chúng khổ đau, bị lừa bịp, bị áp bức, bị đè nén, bị oan khuất và bị tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ trên sáu thập niên rồi, sẽ dũng mãnh đứng lên đòi quyền sống của mình./.
Moskva 21.5.2007
Nguyễn Minh Cần
1. Vì trên thực tế, sau cuộc Cách mạng tháng 8.1945, ĐCS đã tiếm quyền tự quyết của nhân dân: từ khi ĐCS cướp được chính quyền cho đến ngày nay, chưa hề có một cuộc bầu cử nào đáng gọi là dân chủ để biểu hiện được ý chí của toàn dân, mà mọi cuộc bầu cử từ cơ quan quyền lực tối cao (quốc hội) đến các cơ quan dân cử địa phương đều chỉ là những trò hề giả dối theo lối “đảng cử dân bầu”.
2. Những chữ nghiêng trong ngoặc là lời Lê Thị Công Nhân nói trên Diễn đàn Dân chủ ngày 26.2.07
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire