Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang Ra Thông Điệp Nhân Phật Đản
TỶ KHEO THÍCH HUYỀN QUANG .
Việt Báo Thứ Năm, 5/10/2007, 12:02:00 AM
Tướng Công An Tới Thăm Thầy, Nói Xấu Về HT Quảng Độ
Thông điệp của HT Huyền Quang
(Thông cáo báo chí của GHPGVNTN từ Paris ngày 7-5-2007 cho biết như sau.)
Thông điệp Phật Đản P.l. 2551 (2007) của Đức Đệ Tứ Tăng thống Thích Huyền Quang – Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Công an, đến Bình Định thăm Đức Tăng thống để tạo cớ vu cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
PARIS, ngày 9.5.2007 (PTTPGQT) - Từ Bình Định Viện Tăng thống vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris bản Thông điệp Phật Đản, Phật lịch 2551 (2007) để phổ biến. Phật đản nhằm ngày Rằm tháng Tư âm lịch mỗi năm, tương đương ngày 29.5.2007.
Mùa Xuân năm Nhâm Ngọ, 2002, Đức Tăng thống Thích Huyền Quang đã gửi Thông điệp nói lên tinh thần “Cư trần lạc đạo” là tiêu chí của nguồn Thiền Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử dưới triều Trần. Bức Thông điệp Phật Đản năm nay, Đức Đệ tứ Tăng thống lại một lần nữa nhấn mạnh tinh thần này trong hoàn cảnh cụ thể Việt Nam:
"Một trong những nguồn thiền nước ta là nguồn thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy “cư trần lạc đạo” làm tiêu chí. Từ nơi giam hãm, cô lập hiu quạnh, ở Tu Viện Nguyên Thiều, ở Thanh Minh Thiền Viện, tôi và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, vẫn đang “cư trần lạc đạo”, và xin kính gửi đến quý vị mong cùng đồng hành. Cư trần lạc đạo, có nghĩa là hiện diện nơi trần thế mà hành đạo, vui đạo, sống đạo, dựng đạo, hưng đạo chứ không xa lánh trần thế đầy khổ nhục, tìm thú riêng của bản thân.
"Hiện diện nơi trần thế, nói lên con đường hành đạo cứu nhân độ thế của Phật Giáo Việt Nam. Việc ấy đã thực hiện, đã chứng tỏ, suốt dòng lịch sử 2000 năm Phật giáo. Đặc biệt dưới các triều đại tự chủ và độc lập, từ thuở Hai Bà Trưng cho đến thời hiện đại. Sự thành bại không đáng quan tâm cho bằng ý chí kim cương bất hoại của người Phật Tử. Ý chí đó còn, đạo Phật còn. Đạo Phật còn, dân tộc sẽ trường tồn trong cường thịnh, vinh quang và thái hòa, nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên huynh đệ đại đồng". Bởi vì hiện trạng trước mắt là "Năm nay mùa Phật Đản lại về trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước và Phật sự. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bị đàn áp nghiệt ngã hơn hai mươi năm lại đây. Tôi không được đi tái khám chữa bệnh, Hòa Thượng Quảng Độ cũng không được về Bình Định thăm viếng tôi. Ban đại diện GHPGVNTN các tỉnh thành đang bị trấn áp và truy bức dữ dội".
Ngay từ đầu Thông điệp, Đức Tăng thống cho biết hoàn cảnh quản chế hiện nay của ngài: "Từ Tu Viện Nguyên Thiều, nơi tôi đang bị bức bách bởi nhiều chướng duyên ngoại tại, khó khăn đi lại, cách ly tứ chúng đệ tử, xuất gia tại gia". Tuy Đức Tăng thống loan báo tin vui LHQ đã công nhận và "cử hành lễ Phật Đản chung toàn cầu, bày tỏ niềm tin sâu sắc đối với Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài". Nhưng tại Việt Nam thì :
"Điều mà chúng ta thấy nghịch lý rằng, trong khi ánh sáng chánh pháp ngày càng tỏa rạng ở bên trời Tây, thì ở đây, nơi mà đạo pháp và dân tộc đã từng hoà hợp như nước với sữa để tạo thành giá trị tinh thần cao đẹp và sức sống kiên cường của dân tộc, thì ngày nay giá trị đạo đức ấy đang bị băng hoại dần.
"Những Tự Viện đồ sộ mới được dựng lên, những nghi lễ khá tốn kém được thường xuyên tổ chức, tất cả không che khuất được sự thật rằng, niềm tin tôn giáo của tín đồ không mấy được tôn trọng ở Việt Nam.
"Nhiều nơi tại nông thôn hẻo lánh, nơi mà đại bộ phận trong nhiều thế hệ đã sống trọn vẹn với nhiều niềm tin, với giá trị truyền thống an bần lạc đạo. Nay những nơi ấy, vì không chống nỗi những tai họa và áp bức của sự nghèo đói, đã không còn giữ vững niềm tin đối với chánh pháp, phải tìm chỗ nương tựa khác với niềm tin mới, ít nhất niềm tin ấy cũng đem lại cơm áo trong hiện tại".
Hoàn cảnh xã hội tha hóa, bức bách nói trên đưa tới hoàn cảnh mà Đức Tăng thống miêu tả như sự mù lòa, nếu không nói là vô minh hóa quần chúng qua chính sách ngu dân: "Nơi mà Phật pháp chưa được thể hiện, hay chưa hiện hữu, nơi đó chúng ta chỉ học và tu Phật như người nhắm mắt mà đi, không biết đường đi nầy sẽ dẫn về đâu. Vì thế chúng ta không thể không nỗ lực tinh tấn, mở rộng tầm mắt, nhìn rõ môi trường chung quanh, quán chiếu bản chất chân thật của thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, để tự mình thấy đâu là chánh đạo đâu là tà đạo".
Do đó, Đức Tăng thống Thích Huyền Quang tán dương: "Tôi trân quý ghi nhận và tán dương công hạnh Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni, Ban đại diện GHPGVNTN các tỉnh thành và tất cả nam nữ Phật tử trong ngoài nước, thời gian qua đã can đảm tham gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp vận động phục hoạt GHPGVNTN, mà phải chịu nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày". Rồi Ngài kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử hãy thế hiện tinh thần "Cư trần lạc đạo" như đoạn văn thượng dẫn :
"Theo tinh thần “cư trần lạc đạo” như thế, người Phật Tử mới bảo toàn được Phật tính con người trên mặt đất, đồng lúc bảo vệ phẩm giá đồng bào và nhân loại, cùng lúc bảo vệ sự toàn vẹn tâm linh nơi mỗi cá nhân. Sự toàn vẹn tâm linh con người chẳng khác gì sự toàn vẹn lãnh thổ một quốc gia. Nếu tiền nhân đem máu xương dựng nước và giữ nước, nay con cháu lại đem lãnh thổ quốc gia hiến dâng cho ngoại bang, thì còn gì là quê hương của tổ tiên và dân tộc? Cũng như thế, tâm linh con người không thể khiếp nhược và quy hàng hay van xin các thế lực nhất thời và lạc hậu. Có như vậy, công cuộc hoằng dương chánh pháp ở thiên niên kỷ thứ ba nầy, mới mở ra sinh lộ cứu nhân độ thế của Đạo Phật, trước những phương thức bạo lực và khủng bố mới, đang có nguy cơ đẩy nhân loại vào sự huỷ diệt, tương tàn và bài xích Phật Tính nơi mỗi cá nhân.
"Trong chí nguyện “cư trần lạc đạo” như thế, tôi kêu gọi toàn thể các cấp Giáo Hội, và nam nữ cư sĩ Phật Tử trong và ngoài nước, gạt bỏ ra ngoài những ý kiến bất đồng dị biệt, phát bồ đề tâm, thương yêu và đoàn kết, dũng mãnh tiếp tục vận động phục hoạt GHPGVNTN đến thành công, hoàn thành sự nghiệp độ sanh mà đức Thế Tôn đã khai thị từ 2551 năm trước, và Lịch Đại Tổ Sư, đã đem lại an lạc và chủ quyền cho dân tộc suốt 2000 năm qua trên dải đất Việt Nam".
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn Thông điệp dưới đây sau phần loan tin Thứ trưởng Công an đến Tu viện Nguyên Thiều vấn an Đức Tăng thống Thích Huyền Quang.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Công an, đến Bình Định thăm Đức Tăng thống để tạo cớ vu cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Báo An Ninh Thế giới của Bộ Công an số 651, phát hành ngày thứ bảy 5.5.2007, cho đăng từ trang nhất một bài mang tựa đề "Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang: Một cuộc gặp gỡ thân tình và cởi mở" nhân ngày kỷ niệm 30.4.2007.
Nhìn bài báo cạnh tấm hình Thượng tướng chụp chung với Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, người Phật tử chợt vui trong ý nghĩ Công an vốn hiện diện để đàn áp dân, bắt dân đi "làm việc", bắt bỏ tù dân, thế mà nay một vị Thượng tướng lãnh đạo cơ quan sách nhiễu và đàn áp ấy lại đến thăm một Người Tù quản chế là bậc Cao tăng thạc đức Phật giáo. Hẳn phải có sự thay đổi chính sách tôn giáo, nếu không là một cử chỉ Sám hối trong ngày 30.4? Như Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang đề xuất Đảng và Nhà nước XHCN lấy ngày 30.4 làm "Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc": Sám hối những sai lầm trọng đại, giải quyết tình trạng bi thảm của những người tử vong, tàn tật qua 2 cuộc chiến, và bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân. Đề xuất này viết trong bức thư 6 trang đề ngày 21.4.2000 gửi đến các ông Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Nông Đức Mạnh (Xin xem toàn văn đề xuất này trên Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=757
Nhưng không. Nỗi vui chợt kia chỉ là vui gượng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", nhân đấy vung ra những lời thiếu tế nhị, nếu không nói là hỗn láo, nhằm vu cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và hàng giáo phẩm lãnh đạo. Báo Công an viết: "Về những thông tin mà Võ Văn Ái, Chủ tịch cái gọi là "Ủy ban Nhân quyền cho Việt Nam" (tên đúng phải là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Phòng Thông tin chú), Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Hải ngoại (tên đúng phải là Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Phòng Thông tin chú), và ông Quảng Độ nói là Hòa thượng vẫn còn bị quản thúc, bị giam cầm, 20 năm gần đây không được đi khám chữa bệnh, không ai được đến thăm, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng khẳng định cụ muốn đi đâu, kể cả trong và ngoài nước, cụ không phải xin phép, bây giờ cụ có muốn ra thăm thủ đô Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh hay ra nước ngoài cụ cứ việc đi".
Về vụ Công an Bình Định ngăn cấm Đức Tăng thống vào Saigon tái khám cuối năm 2006, Báo Công an đính chính theo kiểu chạy tội: "Vừa qua ông Minh Tuấn, ông Đồng Thọ (đệ tử của cụ Huyền Quang) có thể lo cho sức khỏe của cụ, nên không muốn cụ đi xa, nên mới nói là chính quyền không muốn cho cụ đi, thực ra nói như vậy là sai sự thật. Còn nói như ông Quảng Độ hay Võ Văn Ái và một số người khác là sai và có dụng ý xấu, họ không nắm được hoặc cố tình xuyên tạc tình hình, họ chỉ muốn lợi dụng uy tín và tiếng nói của cụ, để thực hiện các ý đồ đen tối và chống phá Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại trào lưu phát triển đất nước và hủy hoại uy tín của nền Phật giáo nước nhà".
Chưa hết. Thường lệ thì điểm chỉ viên, mật vụ, đặc tình, nằm vùng... báo cáo Bộ Công an để khủng bố dân lành. Thì nay, Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng đến Tu viện Nguyên Thiều "báo cáo" chuyện Phật giáo cho Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang nghe. Báo Công an tiết lộ việc báo cáo:
"Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thẳng thắn cho cụ Huyền Quang biết: Ông Quảng Độ không phải là nhà tu hành thuần túy, ông ta luôn lợi dụng tôn giáo, để che đậy mục đích hoạt động chính trị của cá nhân. Vừa qua, ông ta đã cấu kết với Võ Văn Ái và một số tên trong các tổ chức phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài, với số đối tượng cơ hội chính trị, chống đối ở trong nước và với một số thế lực thù địch khác ở nước ngoài để hoạt động chống phá chính quyền. Ông Quảng Độ còn táo tợn làm giả cả di chúc của cụ (sic), với mục đích để cụ chuyển giao chức Tăng thống cho Quảng Độ (...) mới đây ông Quảng Độ còn lợi dụng danh nghĩa cụ soạn thảo Thông điệp Phật Đản Phật lịch 2551, với nội dung sai sự thật, kích động chống chính quyền".
Sự thật có như báo Công an mang tên An Ninh Thế giới viết hay không?
Sự thật có như Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an "báo cáo" Ngài Huyền Quang trong chuyến viếng thăm hôm 30.4 vừa qua?
Sự thật, là theo thông báo từ Bình Định gửi sang Paris và qua cuộc điện đàm giữa Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ở Tu viện Nguyên Thiều với Cư sĩ Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, ở Paris sáng ngày 8.5.2007, thì Đức Tăng thống cho biết:
"Thứ hai tuần trước, 30.4, ông Đại tá Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, gọi điện xin phép đưa Tướng Nguyễn Văn Hưởng đến thăm Thầy. Hỏi có việc gì không, thì phía Công an trả lời nhân đi công tác ghé thăm chứ không có việc gì khác. Thầy có tiếp họ chừng nửa giờ. Xã giao qua về, không có việc gì khác. Họ có tuyên bố Thầy muốn đi đâu cũng được không ai ngăn cấm. Trước đây, hai lần họ mời Thầy ra làm Trú trì chùa Sóc Sơn (ở miền Bắc). Nhưng Thầy không đi. Ra ngoài đó để ở tù như hồi ở Nghĩa Hành trước đây hay sao?! Thầy không đi. Các điều in trên báo là họ đặt bày để phá mình. Ngoài đó đừng có tin. Anh Ái dặn quý Thầy và Phật tử đừng có tin".
Qua điện đàm, Đức Tăng thống và chư Tăng Tu viện Nguyên Thiều cũng cho biết rằng: khi phái đoàn đến thăm ra về thì gặp Thượng tọa Thích Minh Tuấn. Đại tá Chế Trường nhắc Thượng tọa Thích Minh Tuấn rằng "Đưa Ôn đi đâu cũng được, nhưng không được đưa đi gặp ông Quảng Độ". Thượng tọa Minh Tuấn liền hỏi: "Sao không được phép gặp Ngài Quảng Độ?". Đại tá Chế Trường đáp: "Vì ông Quảng Độ bắt tay với Mỹ!". Lúc đó Đức Tăng thống Thích Huyền Quang đứng cạnh nghe vậy liền khẽ nói: "Nhà nước cũng bắt tay với Mỹ đó chớ, vậy là Nhà nước lúc bắt tay, lúc không à?". Ông Chế Trường và cả phái đoàn công an không ai trả lời được, nên chào rồi rút lui.
Chư Tăng ở Tu viện Nguyên Thiều xác nhận bức ảnh đăng trên báo là họ mới chụp thình lình, còn bức thư cám ơn việc cứu cấp tại Bệnh viện Bình Định là bức thư cũ từ năm 2004. Nghĩa là "bổn cũ soạn lại" để chống chế trước tình hình công luận thế giới đang chỉ trích Hà Nội.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
PL: 2551 số: 008/VTT/TT
Thông Điệp Phật Đản PL 2551 của Đức Đệ Tứ Tăng Thống
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn Trưởng Lão
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.
Cùng toàn thể Phật tử trong và ngoài nước.
Hôm nay, lại một lần nữa hoa Vô Ưu rộ nở, hàng triệu tấm lòng người con Phật khắp năm châu bốn biển đang hân hoan đón mừng ngày kỷ niệm Đản Sanh của đấng Cha lành muôn loại. Hòa mình cùng niềm vui chung, hàng triệu người Việt nam con Phật từ thành thị đến nông thôn, từ biển cả đến núi cao rừng thẳm, cũng đang nô nức đón nhận ngày vui “Khánh Đản”. Từ Tu Viện Nguyên Thiều, nơi tôi đang bị bức bách bởi nhiều chướng duyên ngoại tại, khó khăn đi lại, cách ly tứ chúng đệ tử, xuất gia tại gia, tôi kính gửi đến Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử trong ngoài nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất, trong niềm hân hoan đón mừng Phật Đản lần thứ 2551.
Kính thưa quý vị,
Đặc biệt năm nay, để đại lễ Phật Đản của Đức Thích Ca Mâu Ni thêm nhiều ý nghĩa, chúng ta hãy cùng nhau mở rộng lòng đón nhận trọn vẹn ân đức của Phật tổ, chư đại Bồ Tát, liệt vị Tổ Sư Tiền Bối, chư vị Hộ Pháp thiện thần, đã dày công hoằng pháp làm nền tảng cho Phật giáo Việt Nam, viết nên trang sử oai hùng, bất khuất ngày nay.
Tôi trân quý ghi nhận và tán dương công hạnh Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni, Ban đại diện GHPGVNTN các tỉnh thành và tất cả nam nữ Phật tử trong ngoài nước, thời gian qua đã can đảm tham gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp vận động phục hoạt GHPGVNTN, mà phải chịu nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày.
Tôi xin vận hết tâm thành, đốt nén hương lòng kính dâng lên đức Thế Tôn, nhân ngày Đản Sanh của Ngài, qua đó, bằng một tâm hồn thanh thản, trong sáng và tỉnh giác, chúng ta khắc sâu và dặn lòng về những lời giáo huấn và di chúc của Ngài, để hoàn thành sứ mệnh sứ giả Như Lai.
Kính thưa quý vị,
Chúng ta, lớp người sống vào những giai đoạn cuối của thời kỳ mạt pháp, cách Phật quá xa, các bậc Hiền Thánh chứng đắc đạo quả Niết Bàn càng hiếm thấy, đây cũng là thời đại mà nguy cơ huỷ diệt loài người càng lúc càng bị đe doạ; chiến tranh vì hận thù sắc tộc, tôn giáo, vũ khí hạt nhân và thiên tai dịch bệnh càng lúc càng có nguy cơ bùng nổ; chính từ trong đêm tối kinh hoàng của bạo lực nầy mà những lời dạy khoan dung và hỷ xả của đức Thích Tôn trở thành ngôi sao Bắc Đẩu, đang định hướng cho ý nghĩa tồn tại của nhân sinh. Năm ngoái Liên Hợp Quốc cử hành lễ Phật Đản chung toàn cầu, đã bày tỏ niềm tin sâu sắc đối với Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài.
Nhưng một điều mà chúng ta thấy nghịch lý rằng, trong khi ánh sáng chánh pháp ngày càng tỏa rạng ở bên trời Tây, thì ở đây, nơi mà đạo pháp và dân tộc đã từng hoà hợp như nước với sữa để tạo thành giá trị tinh thần cao đẹp và sức sống kiên cường của dân tộc, thì ngày nay giá trị đạo đức ấy đang bị băng hoại dần.
Những Tự Viện đồ sộ mới được dựng lên, những nghi lễ khá tốn kém được thường xuyên tổ chức, tất cả không che khuất được sự thật rằng, niềm tin tôn giáo của tín đồ không mấy được tôn trọng ở Việt Nam.
Nhiều nơi tại nông thôn hẻo lánh, nơi mà đại bộ phận trong nhiều thế hệ đã sống trọn vẹn với nhiều niềm tin, với giá trị truyền thống an bần lạc đạo. Nay những nơi ấy, vì không chống nỗi những tai hoạ và áp bức của sự nghèo đói, đã không còn giữ vững niềm tin đối với chánh pháp, phải tìm chỗ nương tựa khác với niềm tin mới, ít nhất niềm tin ấy cũng đem lại cơm áo trong hiện tại.
Thuở xưa, đức Thích Tôn thị hiện vào chốn cung đình, nhưng Ngài đã từ bỏ đời sống vương giả cao sang, để sống cuộc đời bần hàn giữa những người nô lệ cùng khổ. Theo gót Ngài, các Vương Tôn Công Tử, các Đại Thần Tướng Soái cũng đã từ bỏ địa vị cao sang của mình để đi đến tận những nơi bùn lầy nước đọng, đem lại niềm tin trong sáng đối với các giá trị cao đẹp của sự sống cho mọi người.
Rồi, hơn một ngàn năm sau, theo chân Phật tổ, đức Vua Trần Nhân Tông, khi mà sự nghiệp chăn dân trị nước đã hoàn thành, đã từ bỏ Ngai Vàng như đôi dép rách, rồi bôn ba từ rừng núi đến đồng quê, cùng với hai người thị giả tuỳ tùng, đem ánh sáng từ bi cứu khổ đến cho dân lành.
Ngày nay, những nơi ấy hầu hết vắng bóng Tăng sĩ, thiếu sứ giả trung kiên bưng ngọn đèn chánh pháp. Phải chăng, đó là do nội ma ngoại chướng cộng sinh, khiến cho hàng Phật tử không hội đủ nhân duyên thời tiết, để hưởng hương vị giáo pháp vô ngã vị tha.
Đức Phật dạy, nơi thôn xóm hay núi cao, nơi nào A La Hán hiện diện, nơi đó nhân dân sống an lạc. Chúng ta hiểu lời dạy ấy như thế nầy, nơi nào còn những người khốn khổ, nơi ấy Phật pháp chưa được thể hiện. Nơi mà Phật pháp chưa được thể hiện, hay chưa hiện hữu, nơi đó chúng ta chỉ học và tu Phật như người nhắm mắt mà đi, không biết đường đi nầy sẽ dẫn về đâu. Vì thế chúng ta không thể không nỗ lực tinh tấn, mở rộng tầm mắt, nhìn rõ môi trường chung quanh, quán chiếu bản chất chân thật của thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, để tự mình thấy đâu là chánh đạo đâu là tà đạo.
Cho nên chúng ta phải dũng mãnh và yêu thương, nương vào ánh sáng soi đường của tuệ giác Phật Đà, để tự cứu lấy mình, duy trì giá trị đạo đức dân tộc, bảo trì tinh hoa văn hóa, kế thừa truyền thống tâm linh của tổ tiên. Kính thưa quý vị,
Năm nay mùa Phật Đản lại về trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước và Phật sự. GHPGVNTN bị đàn áp nghiệt ngã hơn hai mươi năm lại đây. Tôi không được đi tái khám chữa bệnh, Hòa Thượng Quảng Độ cũng không được về Bình Định thăm viếng tôi. Ban đại diện GHPGVNTN các tỉnh thành đang bị trấn áp và truy bức dữ dội. Nhưng với tấm lòng trung kiên, như như bất động; Phật Đản vẫn là mùa hoa Vô Ưu rộ nở muôn đời ngát hương và bất diệt, giữa dòng đời sinh diệt.
Phật Đản đến, Phật Đản đi rồi Phật Đản lại trở về theo lẽ tuần hoàn của vũ trụ vạn vật, nhắc nhở người con Phật về lẽ vô thường, vô ngã để cùng nhau hướng tới sự giác ngộ Niết Bàn. Nghĩa là có khổ thì có phương pháp diệt khổ; có ly biệt chia phân thì có cách để trở về đoàn tụ sum vầy; có ngược đãi bất công thì có con đường giải thoát cuộc đời nô lệ để tự do sống người.
Chừng nào dân tộc Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, chưa có dân chủ và nhân quyền thực sự, chừng đó GHPGVNTN còn bị bách hại gian truân và sẽ chấp nhận gian truân không bì quyện. Đức Phật dạy: “Nầy các con! Các con hãy lên đường vì hạnh phúc của nhân loại và chư thiên.”
Thưa quý vị,
Dẫu rằng, đó là con đường vạn dặm, con đường đầy dẫy nội ma ngoại chướng; nhưng chúng ta là con Phật, là hậu duệ của Trì Địa Bồ Tát, của Phú Lâu Na, chúng ta đã chẳng sờn lòng nản chí, không mỏi mệt ươn hèn; chúng ta đã không sợ khó, sợ mọi gian nguy khổ cực, thậm chí có thể phải hy sinh tánh mạng; chúng ta đã vượt qua không biết bao nhiêu chướng ngại từ bên trong đến bên ngoài, trong đó có những chướng ngại cơ hồ như không thể vượt qua được. Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả, bằng ý chí kim cương bất hoại.
Kính thưa quý vị,
Một trong những nguồn thiền nước ta là nguồn thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy “cư trần lạc đạo” làm tiêu chí. Từ nơi giam hãm, cô lập hiu quạnh, ở Tu Viện Nguyên Thiều, ở Thanh Minh Thiền Viện, tôi và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, vẫn đang “cư trần lạc đạo”, và xin kính gửi đến quý vị mong cùng đồng hành. Cư trần lạc đạo, có nghĩa là hiện diện nơi trần thế mà hành đạo, vui đạo, sống đạo, dựng đạo, hưng đạo chứ không xa lánh trần thế đầy khổ nhục, tìm thú riêng của bản thân.
Hiện diện nơi trần thế, nói lên con đường hành đạo cứu nhân độ thế của Phật Giáo Việt Nam. Việc ấy đã thực hiện, đã chứng tỏ, suốt dòng lịch sử 2000 năm Phật giáo. Đặc biệt dưới các triều đại tự chủ và độc lập, từ thuở Hai Bà Trưng cho đến thời hiện đại. Sự thành bại không đáng quan tâm cho bằng ý chí kim cương bất hoại của người Phật Tử. Ý chí đó còn, đạo Phật còn. Đạo Phật còn, dân tộc sẽ trường tồn trong cường thịnh, vinh quang và thái hòa, nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên huynh đệ đại đồng.
Theo tinh thần “cư trần lạc đạo” như thế, người Phật Tử mới bảo toàn được Phật tính con người trên mặt đất, đồng lúc bảo vệ phẩm giá đồng bào và nhân loại, cùng lúc bảo vệ sự toàn vẹn tâm linh nơi mỗi cá nhân. Sự toàn vẹn tâm linh con người chẳng khác gì sự toàn vẹn lãnh thổ một quốc gia. Nếu tiền nhân đem máu xương dựng nước và giữ nước, nay con cháu lại đem lãnh thổ quốc gia hiến dâng cho ngoại bang, thì còn gì là quê hương của tổ tiên và dân tộc? Cũng như thế, tâm linh con người không thể khiếp nhược và quy hàng hay van xin các thế lực nhất thời và lạc hậu. Có như vậy, công cuộc hoằng dương chánh pháp ở thiên niên kỷ thứ ba nầy, mới mở ra sinh lộ cứu nhân độ thế của Đạo Phật, trước những phương thức bạo lực và khủng bố mới, đang có nguy cơ đẩy nhân loại vào sự huỷ diệt, tương tàn và bài xích Phật Tính nơi mỗi cá nhân.
Trong chí nguyện “cư trần lạc đạo” như thế, tôi kêu gọi toàn thể các cấp Giáo Hội, và nam nữ cư sĩ Phật Tử trong và ngoài nước, gạt bỏ ra ngoài những ý kiến bất đồng dị biệt, phát bồ đề tâm, thương yêu và đoàn kết, dũng mãnh tiếp tục vận động phục hoạt GHPGVNTN đến thành công, hoàn thành sự nghiệp độ sanh mà đức Thế Tôn đã khai thị từ 2551 năm trước, và Lịch Đại Tổ Sư, đã đem lại an lạc và chủ quyền cho dân tộc suốt 2000 năm qua trên dải đất Việt Nam.
Tôi xin gửi đến chư tôn đức cùng toàn thể quý vị niềm tin tưởng vô biên vào chí nguyện nầy.
Nam Mô Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.
Tu Viện Nguyên Thiều, ngày 15 tháng 04 năm 2007
Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN
(ấn ký)
(Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, B.P. 63 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax: Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail: ubcv.ibib@buddhist.com
Web : http://www.queme.net
TỶ KHEO THÍCH HUYỀN QUANG
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire