1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 28 avril 2007

Vì sao có Quốc Hận ?

Vì sao có Quốc Hận?
Friday, April 27, 2007

Ngô Nhân Dụng

Thế hệ trẻ người Việt, dù bây giờ dưới tuổi 40 cũng biết chắc chắn một điều là sau ngày ngày 30 Tháng Tư năm 1975, đời sống của người dân miền Nam đã suy sụp về mọi mặt. Người dân miền Nam được nếm mùi ăn bo bo, sống trong chế độ công an, hộ khẩu, họp hành triền miên, nghe radio ra rả đêm ngày, không khác gì cảnh đồng bào miền Bắc đã chịu đựng từ năm 1954. Sau ngày đó, con cái nhiều gia đình thất học, nhà cửa bị chiếm đoạt, người bị đẩy lên rừng làm “kinh tế mới,” vân vân. Mất tự do, bị chèn ép, nhiều người đã vượt biển và đã chết. Vì thế người dân miền Nam gọi 30 Tháng Tư là “Ngày quốc hận,” ngày cả nước cùng đau đớn. Tên gọi đó đã thành quen và đi vào lịch sử.

Còn một ngày quốc hận đáng nhớ khác là ngày 20 Tháng Bảy năm 1954, ký hiệp định Genève chia đôi đất nước. Ðó là một ngày quốc hận đau thương hơn nữa. Chính việc phân chia đất nước là nguyên nhân gây cảnh người Việt Nam giết nhau suốt 15 năm trời, cho đến năm 1975.

Cuộc chiến tranh chấm dứt ngày 30 Tháng Tư có thể mở một cơ hội mới cho dân tộc, vì cảnh máu đổ đã chấm dứt. Nhưng đã biến thành một ngày tang thương; vì phe thua trận là những người vẫn tin tưởng ở tự do, dân chủ, và lựa chọn kinh tế thị trường. Những người phía bên kia, đảng Cộng Sản chọn chế độ chuyên chính độc tài và kinh tế tập trung chỉ huy, họ đã thắng trận.

Nguồn gốc việc phân chia “quốc, cộng” đã được gieo từ thập niên 1920-1930. Lúc đó nhiều thanh niên yêu nước đi tìm đường giải phóng dân tộc, trong số đó có một số người tin theo chủ nghĩa Cộng Sản, nhiều người khác thì không. Chúng ta cần nhìn lại lịch sử thời gian trước đó để nhìn rõ toàn cảnh.

Lúc Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (sau bị ông Stalin bắt đổi tên là đảng Cộng Sản Ðông Dương, và buộc phải trao quyền lãnh đạo cho Trần Phú), các nhà cách mạng Việt Nam ngoài đảng Cộng Sản đều muốn nước nhà sau khi độc lập sẽ theo một chế độ dân chủ, tự do giống như ở Trung Hoa đang xây dựng. Nhưng ông Hồ Chí Minh và các cán bộ cộng sản có sẵn một chủ trương khác, đã hấp thụ từ các trường của Stalin. Họ muốn là sau khi đuổi người Pháp đi thì sẽ thiết lập ở nước ta một chế độ chuyên chính theo phong trào Ðệ Tam Quốc Tế. Và nước Việt Nam sẽ là một phần của mặt trận vô sản toàn thế giới chống lại chủ nghĩa tư bản trên thế giới. Khái niệm về quốc gia, về tổ quốc đối với họ là các tư tưởng lạc hậu.

Chúng ta có thể thấy rõ ý định của ông Hồ Chí Minh, như ông viết rất rõ rệt trong báo Thanh Niên mà ông xuất bản ở Quảng Châu năm 1925. Ngày 18 Tháng Mười năm 1925 báo này in trên tiêu đề khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” Câu này trích từ Tuyên Ngôn Cộng Sản. Tham vọng của Hồ Chí Minh và các đảng viên cộng sản là vượt lên trên chủ nghĩa quốc gia, dân tộc hẹp hòi. Ngày 20 Tháng Mười Hai năm 1926 ông Hồ viết: “Cái danh từ tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân dân... để buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, chẳng có tổ quốc, cũng chẳng có biên giới.” Không ai có thể phủ nhận ý định rõ rệt của ông Hồ Chí Minh: Lồng vào cuộc vận động giành độc lập của dân tộc Việt Nam một mục tiêu khác: Ðấu tranh giai cấp. Ðó là một khẩu hiệu hoàn toàn xa lạ đối với đa số người Việt Nam yêu nước thời đó. Nhưng ông Hồ đã được huấn luyện ở Mát Cơ Va, ông lãnh lương của guồng máy Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế và được họ hỗ trợ để thi hành chính sách bành trướng của Ðệ Tam Quốc Tế.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ thường cố mô tả Hồ Chí Minh như một người yêu nước nhiều hơn là người cộng sản thật. Có thể điều đó đúng, nhưng không ai biết sự thật ra sao. Nhưng biện hộ cho ông Hồ như vậy không khác gì tố cáo những bài báo ông viết trên tờ Thanh Niên kể trên là những lời lường gạt! Và chúng ta sẽ thấy, cho đến trước khi chết, ông Hồ vẫn hãnh diện làm một người cộng sản. Năm 1960 Hồ Chí Minh viết, “Ðảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân... đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với đảng ta...” (cuốn Vì Ðộc Lập Tự Do, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội, in năm 1970, trang 219). Trong một bài phỏng vấn nhân 100 năm sinh nhật Lenin, (nói chuyện vào Tháng Bảy năm 1969, đăng trên báo Nhân Dân ngày 5 Tháng Ba năm 1970) Hồ Chí Minh nói rằng chủ nghĩa Lê Nin là một “cẩm nang thần kỳ” khi gặp khó khăn cứ mở ra rồi theo đó mà giải quyết. Ông nói “...giai cấp công nhân và Ðảng của nó (sic) phải lãnh đạo cuộc cách mạng.”

Ðảng Cộng Sản cũng hay nhắc đến chủ trương “đoàn kết” và “dân chủ” của ông Hồ khi viết chương trình vắn tắt đầu tiên của đảng Cộng Sản. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều lần ông Hồ Chí Minh đã thay đổi phương pháp tranh đấu. Có lúc ông nêu ra chủ trương đoàn kết các giai cấp, các thành phần dân tộc để chống các đế quốc. Những thay đổi đó đều theo đúng chỉ thị của Stalin xuyên qua văn phòng Quốc Tế Thứ Ba. Ông Hồ luôn luôn chấp hành các chỉ thị như vậy. Lý do không những vì ông là một cán bộ cộng sản gương mẫu luôn luôn theo lệnh cấp trên, mà còn vì các hoạt động và đời sống của ông hoàn toàn tùy thuộc tiền trợ cấp của Ðệ Tam Quốc Tế.

Trước khi đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, Hồ Chí Minh sống ở Thái Lan có lúc mất liên lạc với Ðệ Tam Quốc Tế, nên ông không nhận được các chỉ thị mới. Thời gian năm 1929 chính sách của Stalin là đấu tranh giai cấp một cách cực đoan mà Hồ Chí Minh không hay. Cho nên lúc đó ông còn giữ chủ trương đi qua thể chế dân chủ kiểu tư sản trước khi làm cách mạng cộng sản. Nhưng các cán bộ cộng sản khác ở Việt Nam thì họ biết. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nêu khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” chính là thi hành chỉ thị đấu tranh giai cấp cực đoan của Stalin, mặc dù sau đó phong trào này bị chỉ trích vì hành động nông nổi. Khi ông Hồ trở lại Mát Cơ Va đầu thập niên 1930 ông đã bị đưa ra xét xử, có thể bị tử hình vì đã làm sai chính sách của Stalin, nhưng ông được người đỡ đầu cứu thoát chết. Bài học này, và thời gian sống ở Nga trong lúc Stalin thủ tiêu các lãnh tụ khác trong trung ương đảng Cộng Sản Liên Xô, khiến Hồ Chí Minh vừa tập được tính trung thành tuyệt đối với Stalin, lại học được kinh nghiệm phải giết những “đồng chí” có khả năng đối lập với mình trước khi đánh nhau với bên địch.

Năm 1935, Ðệ Tam Quốc Tế lại đưa ra chính sách mới, chủ trương lập những mặt trận đoàn kết với các đảng chính trị và các giai cấp khác để chống các đảng phát xít. Lý do vì Stalin đang lo nước Nga có thể bị phe phát xít tấn công. Hồ Chí Minh cũng tuân theo chủ trương đó và bớt hô hào đấu tranh giai cấp. Trong thời gian trước Ðại Chiến Thứ Hai, Stalin đã báo động các đế quốc đang chuẩn bị tấn công Liên Xô. Ông ra lệnh tất cả các đảng cộng sản trên thế giới có nhiệm vụ phải bảo vệ Liên Xô. Sau đó là thời gian Hồ Chí Minh tìm cách cộng tác với quân Mỹ ở Trung Quốc.

Sự ra đời của một đảng Cộng Sản đã đặt cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam một vấn đề mới: Lựa chọn giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa quốc tế. Và ông Hồ Chí Minh đã chọn đường lối quốc tế. Và đó là lúc mầm mống chia rẽ dân tộc, đưa tới những “ngày quốc hận” đã bắt đầu được gieo hạt.

Nhưng lý thuyết đấu tranh giai cấp, cách mạng vô sản toàn thế giới, xóa bỏ tổ quốc, vượt trên dân tộc, có thích hợp với người Việt Nam vào thời gian đó hay không? Cho tới bây giờ đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục tuyên truyền rằng việc ra đời của đảng Cộng Sản năm 1930 là do nhu cầu đấu tranh của giai cấp lao động Việt Nam, và Hồ Chí Minh đã khôn ngoan ghép cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc với cuộc cách mạng quốc tế vô sản. Nhưng sự thật thì ý tưởng cách mạng vô sản hoàn toàn xa lạ đối với người Việt lúc đó; sự thành công của đảng Cộng Sản ở nước ta hoàn toàn là do họ có thủ đoạn cướp lấy việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ lợi dụng lòng yêu nước của người Việt Nam để củng cố quyền hành của đảng.

Tiêu biểu cho những người yêu nước trong những thập niên 1920-1930 là Phan Bội Châu. Cụ Phan nghĩ gì về chủ trương giai cấp đấu tranh của đảng Cộng Sản?

Nhiều người viết lịch sử theo Cộng Sản thường nói Phan Bội Châu cũng có khuynh hướng cộng sản. Sự thực là cụ Phan đã tỏ lòng kính trọng Lê nin vì coi ông là một người cách mạng, nhưng cụ không hề tin vào chủ nghĩa Mác Lê nin. Kinh nghiệm của cụ khi tiếp xúc với đại diện của chính phủ Liên Xô ở Trung Quốc khiến cụ chống lại họ. Khi Phan Bội Châu ngỏ ý muốn gửi các thanh niên Việt Nam sang học ở Nga như cụ đã từng làm với Nhật Bản gần 20 năm trước, đại diện của Nga đã nói họ sẵn sàng giúp. Các du học sinh sẽ được trợ cấp để sống và được học miễn phí. Nhưng họ đặt ra những điều kiện là người đi học phải tuyên thệ trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản, khi về nước phải truyền bá chủ nghĩa này, phải báo cáo các tin tức về cho Ðệ Tam Quốc Tế, và phải lập ra đảng Cộng Sản để thi hành đường lối Ðệ Tam Quốc Tế. Thực chất, Stalin chỉ muốn có những đạo quân gián điệp và khuynh đảo theo lệnh của ông ta. Vì thế Phan Bội Châu đã chấm dứt không liên lạc với đại diện của chính phủ Nga nữa. Cụ thấy chủ nghĩa Cộng Sản hoàn toàn trái ngược với chủ trương dân tộc của Việt Nam Quốc Dân Ðảng mà cụ đã thành lập.

Năm 1938, phóng viên Maurice Detour báo L' Effort phỏng vấn Phan Bội Châu ở Huế, bài này được dịch đăng trên báo Tràng An, ngày 7 Tháng Mười, 1938. Detour tỏ ý phê bình ý kiến của cụ Phan là trái với phong trào Giai Cấp Ðấu Tranh trên thế giới. Theo báo Tràng An, cụ Phan tỏ vẻ giận lắm, cụ nói: “Hô hào giai cấp tranh đấu ở xứ này là một việc cực ngu! Những người thức thời không bao giờ làm như thế.”

Những ý kiến của cụ Phan đã được suy nghĩ kỹ từ trước. Cụ hỏi: “Thế nào là tư bản? Một người có 5, 10 mẫu ruộng, một anh chủ tiệm may mà gọi là tư bản ư?... Ðã có người An Nam nào đáng gọi là một nhà tư bản hay chưa? Tôi đã nói ở nước này chưa có sự phân biệt rõ ràng hai giai cấp tư bản và lao động...”

Vào năm 1938, cụ Phan Bội Châu đã nhìn trước thấy một cuộc chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ. Cụ biết đó là một cơ hội để dân tộc Việt Nam giành độc lập, với điều kiện người Việt Nam phải đoàn kết với nhau. Ðó là một lý do khiến Phan Bội Châu nổi giận khi người ta nói đến Giai Cấp Ðấu Tranh. Cụ nói trong cuộc phỏng vấn trên: “Ðã không chung sức... lần hồi thu phục lại những quyền đã mất, để gầy dựng lại nền tảng quốc gia mà còn đi kiếm cách tương tàn tương phấn, làm giảm mất lực lượng tranh đấu, thật là một điều thất sách!” Không những coi đó là điều thất sách, Phan Bội Châu còn thấy đó là một chính sách phá hoại: “Tóm lại, người ta lợi dụng phong trào xã hội để chia rẽ lực lượng trong nước, để phá hủy sự đoàn kết, và để làm tiêu diệt tinh thần quốc gia của dân ta.”

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=59046&z=7

Tại sao huynh đệ tương tàn ?

Aucun commentaire: