1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 4 avril 2007

NHỮNG VỊ TỔNG GIÁM MỤC BẤT KHUẤT

http://www.tiengnoigiaodan.net/
Tản mạn Cứu Cha cứu Chúa cứu Giáo hội (bài 5)
NHỮNG VỊ TỔNG GIÁM MỤC BẤT KHUẤT
NÓI THAY LINH MỤC NGUYỄN VĂN LÝ


* TGM. Pius Ncube: Vấn nạn lớn nhất của Zambabwe là hèn nhát, kể cả tôi. Chúng ta phải thoát ra khỏi những chỗ tiện nghi và chấp nhận chịu đau khổ với nhân dân".

* TGM. Oscar Romero: "Ngày nay là một Kitô hữu, có nghĩa là phải can đảm rao giảng, loan báo giáo huấn đích thực của Chúa Giêsu và không sợ phải rao giảng, không biết câm lặng vì sợ hãi".

* Lm. Nguyễn Văn Lý: "Xin cho tôi tự do hay là chết!"



Tổng Giám Mục Zambabuê thức tỉnh

Trưa hôm qua Chúa Nhật mồng 1 tháng 4 năm 2007, tôi đi tham dự buổi biểu tình tại Bolsa do Phong trào Giáo Dân cùng phối hợp với nhiều đoàn thể đấu tranh trong cộng đồng nhất loạt đứng lên chống CSVN bắt bớ và kết án bất nhân Linh mục Nguyễn Văn Lý cũng như các nhà đấu tranh trẻ cho tự do dân chủ, dân quyền và tôn giáo tại Việt Nam ngày 30-3-07 vừa qua tại Huế, tôi thật đau lòng khi nghe nhiều người phàn nàn về thái độ im lặng khó hiểu của nhiều chức sắc cũng như tín hữu của Giáo hội Công Giáo Việt Nam trước các sự việc nóng bỏng này. Khi tôi đi ngang qua một nhóm mấy cụ cao niên và thế giá trong cộng đồng đang bàn tán về TGM Nguyễn Như Thể, và khi nhìn thấy tôi đến gần, các vị này ngưng câu chuyện và lảng sang chuyện khác.

Buổi chiều tôi đi tham dự Lễ Lá tại Thánh đường St. Columban, và đọc được bản tin thật bất ngờ đầy cảm kích sau đây:

22-3-07, trong một diễn văn được kể là vô cùng ngoại thường. Đức Cha Pius Alick Mvundla Ncube, TGM Giáo phận Bulawayo, Zambabwe (Zambabuê, Phi Châu), đã tuyên bố trong một cuộc họp báo quốc tế tại thủ đô Harare rằng ngài chấp nhận liều mạng sống của mình để lật đổ chế độ của Tổng Thống Robert Mugabe. Ngài kêu gọi dân chúng nước này xuống đường biểu tình để dành lấy chính quyền về tay nhân dân. Ngài nói: ôi sẵn sàng đi hàng đầu. Chúng ta phải sẵn sàng đứng dậy ngay cả trước những họng súng.'

Đức TGM đã lên tiếng một cách đặc biệt và cấp bách như vậy sau hàng loạt các vụ bắt bớ, đánh đập, giam cầm và ám sát các nhà chính trị đối lập đã diễn ra gần đây. Ngài tuyên bố: ấn nạn lớn nhất của Zambabwe là hèn nhát, kể cả tôi. Chúng ta phải thoát ra khỏi những chỗ tiện nghi và chấp nhận chịu đau khổ với nhân dân'".

Tôi cầu mong bản tin này sẽ được nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài Công giáo phổ biến để có thể tới tay và tới mắt các chức sắc và các tín hữu Công giáo tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại trên toàn thế giới. Quả thật quá ít ỏi các mục tử biết tỉnh ngộ và đi theo con đường dấn thân cứu thế của Đức Kitô. Người ta rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô thì dễ. Người ta sử dụng danh nghĩa là môn đệ, là mục tử của Đức Kitô thì nhiều, nhưng mấy ai dám đem thân mình ra sống và làm chứng tá cho Tin Mừng của Ngài giữa đất nước thương đau và giữa thế giới điên loạn hôm nay?

Tôi không hiểu những nguyên do nào đã khiến vị TGM này gồng mình tuyên bố những lời đầy cương nghị và cảm kích như trên? Nhưng tôi chắc chắn tâm hồn mục tử đầy trách nhiệm của ngài phải phát xuất từ cầu nguyện. ỉ trong cầu nguyện ngài mới có thể thấu hiểu và nối kết được với tâm hồn mục tử của Đức Kitô hư lời Ngài đã truyền dậy trong bài Tin Mừng của Thánh Luca trong ngày Lễ Lá hôm qua:

Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giê-su bảo các ông: 'Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người hầu hạ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu hạ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu hạ'" (Lc 22:24-27).

Cũng trong bài Tin Mừng ngày Lễ Lá này, Đức Giêsu công bố: "Cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp" (Lc 2:37).

Không hiểu những anh em ngoài Kitô giáo nhận định thế nào khi đem đối chiếu những lời tuyên bố của TGM Pius Ncube và của chính Đức Kitô với các vị mục tử của chúng ta ngày hôm nay tại quốc nội cũng như quốc ngoại? Được bao nhiêu mục tử đem thân sống của mình ra rao giảng và làm chứng tá cho Tin Mừng của Đức Kitô? Còn bao nhiêu vị duy trì được dòng máu bất khuất của các tiền nhân tử đạo của Giáo hội Việt Nam chúng ta xưa kia? Thực có quá nhiều phản chứng trong Giáo hội ngày nay!

Cũng trong bài Tin Mừng Đức Kitô còn dặn dò các môn đệ: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Lc 22:40). Không có tâm hồn cầu nguyện, làm sao TGM Ncube có thể dõng dạc công bố mình đi theo con đường xả thân của Đức Kitô thập giá, khi dám đi vào con đường hầu hạ người dưới và nhìn nhận mình trước đây đã hèn nhát và giờ đây chấp nhận vượt thoát ra khỏi vòng vây của các tiện nghi, các chức quyền, các danh lợi, các săn đón, để có thể chấp nhận đi vào con đường đấu tranh gian khổ của Đức Kitô? Tin Mừng của Đức Kitô quả thực thách thức!
Buổi tối về mở Computer, tôi nhận được một số emails, trong đó có một số đáng chú ý. Trước hết là email của một linh mục tại Việt Nam đem lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ nghiêm trọng: "... Những nhân tai (kiểu như như thiên tai) khốn khổ ngất trời tại quê nhà hiện nay là cơ hội ngàn năm một thuở để Giáo hội (Giáo phẩm) có thể làm cho công việc truyền giáo đạt vô vàn kết quả. Tiếc thay! Hiện giờ ở trong nước, số người theo Phật giáo hoặc chuyển sang Phật giáo ngày càng nhiều, vì họ thấy tấm gương bất khuất và đức hiếu sinh thí mạng của các lãnh đạo tối cao của Phật giáo Thống Nhất.
Cụ thể trước mắt, xin anh em cầu nguyện cho Đức Cha Thể biết mở miệng lên tiếng bênh vực cho bề dưới của mình. Ngài đã im lặng hoàn toàn khi cha Lý bị bỏ tù lần thứ 2 năm 1983 (với án 10 năm), lần thứ 3 năm 2001 (với án 15 năm). Nay với lần thứ tư (án 8 năm), tôi e rằng ngài vẫn tiếp tục im lặng. Khi dòng Thiên An Huế bị CS cướp 102/107 hecta năm 2001, các đan sĩ đã cầu cứu ngài, ngài trả lời: đó là trách nhiệm của viện phụ tổng quyền bên Roma. Và ngài đã để cho CS cướp đất của các đan sĩ..."

Tiếp tới là email của một giáo dân tại Hoa Kỳ: "... Bây giờ Giáo Hội Công Giáo đang làm trò cười cho cả nước. Thật đau lòng. Nên nhớ trong vụ này rất nhiều giới bên ngoài đạo chửi bới... Đọc thử bài 'Phật tử không làm chính trị' được đăng trên Tiengnoigiaodan.net xem, chỉ cần thay chữ 'Phật tử' bằng chữ 'Kitô hữu' và 'Phật giáo' bằng 'Công giáo' thì y chang như nhau, vì cũng là từ phe 'tu sĩ quốc doanh' mà ra cả. Phe tu sĩ CG nói ông cha Lý làm chính trị..., có phải từ phe Lm. quốc doanh mà ra không?..."

Thật vui mừng, khi mở email tối nay, tôi nhận được bản Thông Cáo Báo Chí từ Văn phòng Mục vụ của Cộng Đồng Công Giáo VN tại TGP Sydney do Lm. Nguyễn Khoa Toàn đại diện Ban Tuyên uý ký tên và gửi kèm 2,608 chữ ký đến Văn phòng Dân biểu Burke, để nhờ ông chuyển cho Toà Đại sứ Liên Bang Úc tại Hà Nội gửi cho nhà cầm quyền VN để phản đối việc kết án tù cho Lm. Nguyễn Văn Lý và bốn nhà đấu tranh cho dân chủ.

Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ còn nhận được các tin vui đấu tranh khác từ khắp nơi trên thế giới từ phía Công giáo!
Cố Tổng Giám mục Oscar Romero, vị tử đạo của Châu Mỹ Latinh
Trong thời gian gần đây, dư luận bàn tán nhiều về thái độ của TGM Nguyễn Như Thể, đối với Lm. Nguyễn Văn Lý dưới quyền quản trị của ngài tại Huế, tự nhiên gây xúc động cho tôi phải phổ biến bài viết về Cố TGM Oscar Romero của Châu Mỹ Latinh. Thực ra gần gũi với Giáo hội VN và ngay tại Huế, chính là Cố TGM Nguyễn Kim Điền, một vị Giám mục duy nhất trong thời gian "cấm đạo" (bách hại đạo) của Cộng sản VN suốt 62 năm qua, đã bị Cộng Sản sát hại. Ngài là chứng nhân hùng hồn nhất của một mục tử mang dòng máu bất khuất của các vị tử đạo VN. Ngài sẽ vĩnh cửu để lại tấm gương sáng chói cho Giáo hội VN là một chủ chiên gương mẫu và tư cách. Tấm gương anh dũng của ngài dám "thí mạng sống mình vì đoàn chiên" đã được nhiều người biết đến và cảm mến. Hy vọng vào một dịp khác chúng tôi sẽ nêu lên tấm gương anh dũng của ngài cho Giáo hội VN. Lời Đức Kitô quả thực có giá trị vĩnh cửu: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" . (Mt 10:38-39)

Hôm nay ở đây, chúng tôi đề cập về vị TGM Romero nổi danh nhất thế giới vào thời đại ngày nay. Chúng tôi hy vọng tấm gương anh dũng của ngài chắc chắn sẽ thắp sáng và đốt nóng Giáo hội Việt Nam của chúng ta hôm nay. Bài viết về ngài khá dài và thâm sâu, chúng tôi xin dừng lại ở đây để mời độc giả trực tiếp đi vào những cảm nghiệm niềm tin với ngài qua bài viết này.

CỐ TỔNG GIÁM MỤC OSCAR ROMERO
(1917-1980)

VỊ TỬ ĐẠO CỦA NGƯỜI NGHÈO KHỔ
Mến tặng Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, đặc biệt Lm. Nguyễn Văn Lý
Tiểu sử TGM Oscar Romero
Thế là gần 20 năm sau khi Tổng Giám Mục Oscar Romero ngã gục dưới làn đạn của chính phủ quân phiệt El Salvador, Trung Mỹ, đang khi ngài cử hành thánh lễ tại ngôi nguyện đường Bệnh Viện Chúa Quan Phòng, nhiều sách báo viết về ngài như một khuôn mặt thánh thiện sáng giá hàng đầu của Công giáo trong thế kỷ 20. Trong loại sách viết về các nhà tu đức bậc thầy giữa thời đại hôm nay, TGM Romero được các nhà truyền giáo trong tổ chức Maryknoll như Marie Dennis, hoặc các giáo sư đại học như Renny Golden, trình bầy trong cuốn Oscar Romero. Trong khi đó, tác giả Phyllis Zagano viết trong cuốn Twentieth-Century Apostles về mười hai nhân vật được kể như những nhà tu đức của thời đại đi vào hành động, như mười hai tông đồ trong thế kỷ 21, đã liệt kê TGM Romero nằm trong danh sách này, sau các tên tuổi lừng danh thế giới như Giáo hoàng Phaolô VI Montini, các Linh mục Charles de Foucauld, Teilhard de Chardin, Thomas Merton, Mẹ Têrêsa Calcutta, cũng như Bà Dorothy Day.
Đã có đôi lần chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu và giới thiệu khuôn mặt của TGM Romero, nhưng rồi lại khựng lại vì có một vài dư luận lên án ngài thuộc phe thần học giải phóng. Nhưng rồi không hiểu sao, trong những ngày qua, sách báo và hình ảnh của ngài cứ hiển hiện trước mắt. Sau khi cầu nguyện, chúng tôi bắt đầu đi vào tìm hiểu khuôn mặt của ngài, để tìm hiểu xem tại sao hiện nay, sau gần ba chục năm nằm xuống, ngài đang được nhiều người xúc tiến các thủ tục xin phong thánh tử đạo. Riêng các tín hữu Châu Mỹ La Tinh, họ đã cất nhắc ngài là vị tử đạo của họ từ lầu rồi.

Đọc câu chuyện TGM Romero trong bối cảnh El Salvador, một đất nước chiến tranh triền miên khói lửa giữa du kích quân và chính phủ quân phiệt, được hai thế lực quốc tế cộng sản và tự do đứng hậu thuẫn phía sau, tự dưng chúng tôi liên tưởng đến Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền. Cả hai vị tổng giám mục này đều được nhìn nhận như những Vị tử đạo.
Oscar Romero sinh ngày 15-8-1917 tại một ngôi làng miền núi trên đất nước El Salvador. Năm lên mười ba tuổi Romero học nghề thợ mộc, nhưng chẳng bao lâu sau, Romero theo học chủng viện, rồi tiếp tục được gửi đi học tại trường truyền giáo Roma và thụ phong linh mục năm 1942. Rồi thế chiến thứ hai gay gắt đã thúc ép ngài rời bỏ Roma và trở về El Salvador.

Công việc mục vụ ban đầu của ngài gồm những công việc của một giáo xứ, rồi làm thư ký cho giáo phận San Miguel, tuyên úy cho trường trung học và phụ trách công việc báo chí của giáo phận. Năm 1967, ngài nhận nhiệm vụ mới làm bí thư cho Hội đồng Giám mục El Salvador. Chẳng bao lâu sau, ngài được đề cử làm thư ký cho Hội đồng Giám mục Trung Mỹ và là giám mục phụ tá tại San Salvador. Ngài mang một đầu óc rất bảo thủ, do đó ngài đâm ra lo ngại khi thấy Giáo hội đang đi vào nhiều thay đổi sau Công đồng Vatican II. Ngài nhận ra đường hướng của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh họp nhau tại Medellin năm 1968 gây cho ngài nhiều giao động. Sứ điệp của Hội nghị đưa ra lập trường Giáo hội Châu Mỹ Latinh đứng về phía những người nghèo khổ và bị áp bức. Hậu quả thật đảo lộn và khó khăn cho những tâm hồn như Linh mục Romero, với tầm hiểu biết về sứ điệp của Tin Mừng là một sứ điệp của hòa bình và hòa giải. Và như vậy việc đeo đuổi công bằng xã hội và giải phóng thường được coi là dẫn đến phân li và xung đột.

Năm 1971, khi nắm giữ chức vụ chủ bút của tờ Orientacion, cũng như nhiều chức vụ khác trong tổng giáo phận, ngài tỏ ra rất thận trọng và bảo thủ. Từ trước tới nay ngài vẫn tin vào lòng thiện hảo của các nhà cầm quyền và quá chú tâm đến những hoạt động thái quá của các nhóm kêu gọi đứng lên kết thúc tình trạng xã hội, chính trị và kinh tế bi đát.

Rồi ba năm sau, năm 1974, khi ngài được gọi làm giám mục giáo phận Santiago de Maria, các cuộc đàn áp nông dân nghèo khổ mỗi ngày mỗi gia tăng. Ngài phải đối diện với thách thức không thể tránh né chống lại bạo lực. Ngài bị tác động xâu xa trước những khổ đau ngút ngàn của những con người nghèo đói, nhất là khi chứng kiến cuộc tàn sát những người lao công trong đồn điền cà phê của giáo phận. Ngài mở cửa tòa giám mục tiếp nhận những người khốn khổ và lên án những bất công đang bao trùm người dân vô tội. Dần dần những người dân nghèo khổ và bị đàn áp này vạch ra cho ngài nhìn thấy những thực tế họ đang phải đương đầu. Cảm thương trước những thương đau này, ngài dần dần tránh xa những nhà cầm quyền đang duy trì tình trạng bất công này.
Từ tình trạng năm 1961 mới có 12 phần trăm dân quê không có đất đai, tới năm 1971 tăng lên 30 phần trăm và năm 1980 tăng lên 65 phần trăm, làm sao tâm hồn vị chủ chiên không giao động? Vào năm 1977 khi ngài được giao phó chức Tổng Giám mục giáo phận San Salvador, lúc đó 65 phần trăm diện tích đất đai nằm trong tay mười bốn đại điền chủ. Đại tá Tổng thống Arturo Armando Molina khởi động chương trình cải tiến đất đai. Nhưng đứng trước những đại điền chủ thế lực và cánh hữu trong quân đội đòi hủy bỏ chương trình cải tiến này, tổng thống đành bó tay.
Trong khi đó các nhóm quốc hội và quân đội tung toàn lực lượng tấn công Giáo hội khi đứng ra bênh vực quyền lợi cho dân chúng nghèo khổ. Các linh mục ngoại quốc bị trục xuất. Các khẩu hiệu chống Giáo hội nhan nhản khắp nơi: "Yêu nước là phải giết linh mục." Linh mục Dòng Tên Rutilio Grande, bạn thân của TGM Romero bị ám sát. Từ đây, TGM Romero chủ trương giải phóng con người là quyền hạn Tin Mừng của mọi người. Ngài đứng lên nói thay tiếng nói của những con người không có tiếng nói. Lời hùng biện của ngài là lời hùng biện của trái tim. Nhiều bài giảng của ngài được truyền đi khắp nơi gây khích lệ cho quần chúng El Salvador.

Ngài đứng lên nói thay Giáo hội đang bị bách hại. Một trong các bài giảng của ngài nói lên trách vụ của Giáo hội phải là tiếng nói của những tiếng nói bị bịt miệng: "Thần khí sự thật ban cho Giáo hội sức mạnh rao giảng, viết bài, nói trên phát thanh, để nói lên sức mạnh chân lý đối diện với những lời nói dối trá, để không né tránh những chuyện phải làm. Bách hại là chuyện cần thiết cho Giáo hội. Tại sao thế? Chỉ vì chân lý thường luôn luôn bị bách hại."

Tổng Giám mục Romero gặp những phê bình chỉ trích từ ngay trong hàng ngũ giáo sĩ và một số người làm việc thân tín. Ngài sống thật giản dị và nghèo khó trong một ngôi nhà lợp tranh. Tin Mừng cách mạng ngài rao giảng trong các buổi tụ họp chính là câu chuyện về Kitô giáo, mộc mạc và không tô son trát phấn bằng những khoe khoang của một giai tầng cao hơn: "Ngày nay là một Kitô hữu, có nghĩa là phải can đảm rao giảng, loan báo giáo huấn đích thực của Chúa Giêsu và không sợ phải rao giảng, không biết câm lặng vì sợ hãi."

Ngài trở thành vị Tổng Giám mục của người nghèo khổ. Các người nghèo khổ đến tham dự thánh lễ hàng ngày với ngài. Các người nghèo khổ đến vây quanh ngài khi ngài đến thăm viếng họ. Các người nghèo khổ nhói lên tim đau như trúng đạn khi chiếc xe mầu đỏ lái đến ngôi nguyện đường Bệnh Viện Chúa Quan Phòng và nã đạn vào ngài lúc đang cử hành thánh lễ, ngày 24-3-1980. Từ địa danh và ngày tháng này, TGM Romero trở thành vị tử đạo của người nghèo khổ và cho người nghèo khổ.

Sau khi TGM Romerô nằm xuống, cuộc chiến tại El Salvadore bùng nổ dữ dội vào tháng năm 1980. Khoảng sáu trăm người lánh nạn, phần đồng là đàn bà và trẻ em vượt sông Sumpul để trốn qua Honduras, đều bị quân đội tàn sát. Rồi tháng 12 cũng năm 1980, bốn nhà truyền giáo Công giáo trong tổ chức Maryknoll bị hãm hiếp và sau đó bị giết chết. Và năm 1989 sáu linh mục Dòng Tên và hai nữ giáo dân cộng sự cũng đã bị giết chết.
Sứ mệnh và trách vụ chủ chiên
Tự bản chất, TGM Romerô là một chủ chiên nhút nhát, nhưng rồi vì lợi ích của những con người không được bảo vệ, ngài trở thành vị giám mục của đại chúng với đường lối tu đức nhắm đến những người nghèo khổ. Ngài sống giữa đấu trường lịch sử và Ngài chết tại đó khi cất cao tiếng nói thay cho những ai không có tiếng nói. Điểm căn bản trong đường lối tu đức của ngài chính là ngài tìm thấy nơi những người nghèo khổ tiếng nói ngôn sứ mà chẳng súng đạn, cũng như tính nhút nhát của ngài có thể bịt miệng được: "Trong giờ chết, chúng ta không phải chỉ cứu lấy linh hồn, nhưng còn cả những ai đang sống trong lịch sử."

TGM Romero là một giáo sĩ cổ điển, một nhà thần học bảo thủ, một chủ chiên quảng đại nhưng dè dặt, một con người đắm mình trong các giờ cầu nguyện thanh tĩnh. Dầu là một con người tu tỉnh khắc khổ và biết tự chế, nhưng ngài khám phá ra Thiên Chúa vướng vít trong cuộc chiến của dân tộc El Salvador, một cuộc chiến đầy xáo trộn, đầy xung khắc. Với TGM Romero, người dân chính là nguồn cội của hồng ân. Dầu cho tình yêu thương người nghèo khổ của ngài phải trả giá bằng mạng sống của mình, nhưng ngài không là khuôn mặt bi thảm, trái lại người ta nhận ra đó là ân huệ lớn lao ngài dành trọn yêu thương cho dân tộc của ngài. Ngài được đẩy tới nếp sống thánh thiện, không phải vì đã dấn bước vào đó trước, nhưng ngài đã khám phá ra tiếng gọi của dân tộc ngài và những đòi hỏi của lịch sử muốn ngài phải sống thánh thiện.

Khi TGM Romero quy phục các đòi hỏi của Tin Mừng, ngài nói lên tiếng nói của Giáo hội nghèo khổ, và ôm ấp niềm tin đi vào chiều hướng lịch sử của giải phóng, trong lúc ngài vẫn nối kết chặt chẽ với kích thước siêu việt tâm linh. Khi các giám mục bạn tố cáo ngài làm nhơ nhớp Giáo hội bằng chính trị, ngài không bao giờ trả đũa. Luôn luôn ngài công bố niềm ao ước của mình muốn mọi người trở lại sống với Thiên Chúa của sự sống, Đấng thường ngụy trang ở giữa những con người xấu số, những kẻ bất hạnh, những ai sống vất vưởng đầu đường xó chợ hoặc bị mọi người gạt ra ngoài lề xã hội.

Khi chọn lấy những người nghèo khổ, TGM Romero không có ý định cắt đứt khỏi những ai giầu sang, quyền quý, chính quyền hoặc quân đội. Trái lại, ngài mời gọi tất cả họ hãy trở lại, hãy hối cải. Khi chính quyền trấn át ngài, ngài kêu gọi họ sám hối. Khi cơ quan an ninh âm mưu sát hại ngài, ngài ôm ấp họ trong nhân ái. Như Chúa Giêsu, sư phụ của ngài, ngài kêu gọi tha thứ giữa những cảnh tượng người ta đang đóng đinh những người dân vô tội của mình. Chúng ta hãy lắng nghe những lời mời gọi của ngài:

"Thưa anh chị em, nhất là những ai trong anh chị em ghét tôi vì cho rằng tôi đang rao giảng bạo động, những ai đang bêu xấu tôi và biết điều đó là sai quấy, quý vị đang nhúng bẩn tay vào việc sát nhân, vào hành hạ, vào tàn bạo, vào bất chính, tất cả hãy quay lại sám hối đi. Tôi yêu thương anh em chân tình. Tôi hối tiếc vì anh chị em đang đi vào con đường hủy diệt.

Tôi xin các tín hữu đang lắng nghe tôi với tình yêu thương và trìu mến, xin tha thứ cho tôi phải nói lên những lời vừa rồi, nhưng tôi sẽ vui mừng nếu các kẻ thù nghịch đang lắng nghe tôi. Tôi biết rằng nguyên do họ lắng nghe tôi, bởi vì tôi đem đến cho họ sứ điệp của tình thương. Tôi không ghét họ. Tôi không muốn trả thù họ. Cầu mong sao họ không bị tổn hại. Tôi nài xin họ hãy sám hối và tìm đến nguồn hạnh phúc nơi anh chị em đang có."
TGM Romero rao giảng những người nghèo khổ chính là Tin Mừng của Thiên Chúa, chính những người nghèo khổ là cội nguồn của thánh thiện, chứ không phải giáo quyền hay các nhà thần học.

Cuộc sống TGM Romero được biểu hiện bằng những đức tính chung của những ai sống nếp sống thánh thiện trong suốt dòng lịch sử Giáo hội: trung thành với Thiên Chúa, đầu phục chính mình, dấn thân cho công chính, hòa bình và yêu thương, tha thứ cho kẻ thù địch, kiên quyết đi theo Chúa tới bất cứ nơi đâu, bình tĩnh chịu đựng những phán đoán của Giáo hội cũng như chính quyền, dầu cho đôi khi là những phán quyết sai lầm hoặc vu cáo.

Con đường tu đức của TGM Romero, với tất cả những trong sáng và đôi khi xáo trộn, nhắc nhớ cho chúng ta rằng con đường tu đức không phải là một gắng sức, cho bằng là một tặng phẩm, không phải là một hoàn thành cá nhân, cho bằng là một khám phá ơn thánh trong đời sống cá nhân và xã hội của mình, không phải là một tìm kiếm làm thánh, cho bằng khai mở nơi những thương tổn và chính trực của mình cho huyền nhiệm Chúa đẩy mình đi tới. Thánh Phaolô đồng hóa tình yêu như một trong những nhân đức vĩ đại nhất giúp con người nên thánh. Việc nên thánh không thể tu tập đơn độc một mình, nhưng cần phải trong tập thể. Chúng ta nên thánh không phải theo kiểu nghệ sĩ, nhưng cần phần cam kết và nhờ ơn thánh. Nên thánh là việc con người đi tìm kiếm, nhưng đồng thời cũng là quà tặng của Chúa và của những người nghèo khổ mình yêu thương.

Tâm hồn TGM Romero thật cao cả khi ngài mở cửa cho người nghèo khổ đến thay đổi trái tim ngài. Sứ điệp của ngài chính là người nghèo khổ trở thành bí tích thay đổi cuộc sống chúng ta , nếu chúng ta nuôi thiện chí muốn trải tâm hồn mình ra cho họ và cùng đồng hành với họ. Ngài không phải là một con người lý thuyết suông, nhưng hơn thế, ngài gia nhập hành trình cuộc sống người dân. Tầm mức quan trọng của ngài đến từ thực tế ngài dám nói lên những hậu quả của các chính sách đang đẩy lùi các người nghèo khổ lại phía sau. Đối diện với cái chết trên đường phố vào mỗi buổi sáng, người dân Salvador không nói về đêm tối nữa, nhưng về từng tia ánh sáng chiếu vào những lối thoát nhỏ bé. Đời sống của TGM Romero là một lối đi mở ra cho họ tìm thấy niềm hy vọng hơn là thất vọng, giữa những cuộc giao tranh giành giật lấy nhân cách của con người, dầu phải đương đầu với những cấu trúc, những chính sách đàn áp con người.

Nghĩa cử đức tin cao đẹp nhất của ngài chính là ngài tin tưởng nơi những con người nghèo khổ. Ngài thấy nơi họ như những vai chính, những nhà tổ chức tạo lập nên vận mệnh của họ và tái tạo lại những tập thể bị phân tán của họ. Ngài muốn đánh đổi mạng sống của ngài cho niềm xác tín này. Ngài liều đánh mất thế giá phẩm trật của ngài, để bị coi như kẻ lừa bịp trong các tổ chức quần chúng, một bức hình nộm của các linh mục Dòng Tên cấp tiến. Nhiều chức sắc trong Giáo hội cũng như trong chính quyền không thể hiểu được nguyên do tại sao những người nông dân hoặc nhà quê lại hấp dẫn ngài đến thế. Họ không thể nhìn ra được những gì ngài đã nhìn thấy. Ngài nhìn thấy nhân phẩm trong con người, nhân cách của họ, dầu đang phải đối phó với những đe dọa kinh hoàng. Ngài còn nhìn ra tài trí của họ khi các cánh cửa bảo vệ đang khép dần lại. Ngài nhìn ra cơn hấp hối và cả niềm hy vọng của họ. Nói tóm lại, ngài nhìn thấy gương mặt Chúa Kitô nơi họ.

Trong tất cả những năm đào luyện trong chủng viện, những năm theo học tại Roma, chưa bao giờ ngài bước đi với Chúa như khi ngài bước đi giữa những ngôi làng trống trải nghèo hèn trong cánh đồng mục vụ của ngài. Chưa bao giờ Chúa đánh động ngài cho bằng lúc bàn tay của một bà mẹ đụng chạm ngài khi bà tìm đến Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý của Tổng Giáo Phận, để biết được tin cậu con trai của bà đã bị chặt ra từng khúc và chó đã công đi rồi. Đức Romero đã hòa trộn trái tim của ngài trong trái tim những con người bất hạnh, nghèo khổ.

Ngài công bố: "Người ta bắt đầu cảm nghiệm được đức tin và ơn sám hối khi người ta có trái tim của người nghèo khổ, khi người ta biết rằng vốn liếng tài chánh, ảnh hưởng chính trị và quyền lực chẳng có gì đáng giá cả và nếu không có Thiên Chúa, chúng ta chẳng có gì hết."

TGM Romero là nhà tiên tri của kỷ nguyên 20 khi cuộc sống của ngài không chỉ là một biểu tượng, nhưng còn là quà tặng cho chúng ta, những người đang chiến đấu khi đi tìm ra con đường tâm linh cho thiên niên mới. Ngài thường nói chúng ta đang chạy lao đầu vào hiểm nguy khi trở thành vô giác, vô cảm trước những khổ đau và chết chóc. Trong các bài khuyên giảng, ngài cố công đánh thức thế giới nhìn ra giá trị của từng cuộc sống nhân linh và thương cảm với những khổ đau nằm phía sau mỗi cái chết.

Năm ngày trước khi chết, ngài nói chuyện với một nhóm ký giả ngoại quốc về vai trò truyền thông của họ: "Quý vị là những người đang mang hình ảnh của dân tộc chúng tôi đến với thế giới. Xin quý vị hãy giúp họ hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi, để họ cùng liên kết với chúng tôi. Xin đừng quên rằng chúng tôi chỉ là những người dân, chúng tôi đang hấp hối, đang lẩn trốn, đang tìm nơi trú ẩn nơi núi rừng."

Xin đừng quên! Đây là trách vụ trước mắt chúng ta. Tại sao đây lại là một công việc quan trọng đừng quên những khổ đau của người dân El Salvador? Hay là dân tộc Việt Nam chúng ta hay một dân tộc nào khác? Hàng trăm hàng triệu người đang phải sống lẩn tránh, đang phải kiếm ăn cực khổ, đang phải chắt chiu từng ngụm nước? Có biết bao vấn đề đang đặt ra trước mắt chúng ta. Luôn luôn có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, khi chúng ta suy niệm về các mầu nhiệm đức tin và ơn thánh cũng như những bí ẩn của phản bội, của tội ác.

Dân tộc El Salvador cũng như dân tộc Việt Nam vẫn còn quằn quoại thương đau sau bao năm chinh chiến. Con số tử vong của trẻ em trước năm tuổi còn khá nhiều và lợi tức hàng năm của người dân không quá 400 Mỹ Kim. Như trong quá khứ, họ ý thức được mình là những nạn nhân khốn khổ của một cấu trúc kinh tế và chính trị áp bức và đè nén khiến họ phải nổi loạn. Họ là những người thừa kế của một di sản nhân loại thật kỳ diệu phải đương đầu với chính sách dùng họ như những viên gạch đá lát đường cho hỏa ngục, nhưng họ biết liên kết với nhau và với Thiên Chúa của sự sống. Những cộng đồng căn bản Kitô giáo hiểu biết chính mình không phải chỉ đơn thuần là những chất liệu của Tin Mừng, nhưng còn như những người công bố Tin Mừng, đem ánh sáng và ơn cứu độ của Chúa đến cho thế giới. Câu chuyện TGM Oscar Romero và dân tộc của ngài đang trở thành Tin Mừng cho chúng ta. Như vậy, liệu những vị chủ chiên và giáo dân Việt Nam có trở thành Tin Mừng cho dân tộc mình và cho thế giới?

Cuộc chiến đấu kiên cường của người dân El Salvador chống lại cấu trúc chiến tranh tàn bạo, của những ai đã xả thân tranh đấu cho những người nghèo khổ, nhất là của những vị chủ chiên hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, tất cả đang trở thành gia tài hy vọng cho tất cả chúng ta.

Những con người nghèo khổ trở thành kinh Magnificat của TGM Romero. Họ là thánh vịnh ngài cầu nguyện mỗi ngày. Cái nhìn tiên tri của ngài cũng như trái tim đầy thương cảm của ngài được thể hiện bằng hành động, đã giúp ngài khám phá ra Thiên Chúa nơi những con người nghèo khổ ấy. Đó là thần học của ngài, là con đường tu đức của ngài, được triển nở nhờ hoạt động giữa những khổ đau cũng như hy vọng của những con người nghèo khổ trong một bối cảnh lịch sử cụ thể.

Sau đây là một trích đoạn của một vị chủ chiên vừa là nhà thần học vừa là nhà thuyết giảng hùng biện, và ngài ghi chép lại trong các lá thư, trong các bài soạn giảng hoặc nhật ký ngài thường viết về khuya trong căn phòng nhỏ bé, sau những giờ phút ngài vất vả thực hiện các công việc mục vụ của một chủ chiên, cũng như sau khi phải chứng kiến các cảnh tàn sát, các cảnh lầm than của người dân vô tội nghèo khổ:

"Tôi sắp viết cho bạn chỉ đơn thuần mang tư cách của một chủ chiên, như một con người đang cùng với người dân của mình học hỏi được một chân lý cao đẹp, nhưng không kém ác nghiệt rằng niềm tin Kitô giáo không thể cắt lìa chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng trái lại phải dìm ngập chúng ta trong đó, rằng Giáo hội không là một pháo đài tách rời khỏi đô thị. Giáo hội phải đi theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống, đã làm việc, đã chiến đấu và đã chết giữa thành thị. Chính với ý nghĩa này, tôi muốn nói tới chiều kích chính trị của niềm tin Kitô giáo: cần phải làm vang dội niềm tin giữa thế giới hôm nay." (viết theo Oscar Romero của Marie Dennis, Renny Golden, Scott Wright, Orbis Books, Maryknoll New York 2000, tr. 7-17)
Nghèo khó của Bát Phúc
Trong cuốn Twentieth-Century Apostles của Phyllis Zagano, tác giả trích đăng tài liệu số 142 của TGM Oscar Romero viết về đức khó nghèo thật thâm thúy và rung động. Chúng tôi muốn dùng đoạn văn này như lời kết luận về Cố Tổng Giám Mục Oscar Romero:

Trong tâm tư của tôi ngày nay, tôi muốn để lại dòng tư tưởng sau đây: nghèo khó là sức mạnh giải phóng, bởi vì thêm vào khía cạnh nghèo khó là việc từ bỏ tội lỗi và là sức mạnh của con đường tu đức Kitô giáo, nghèo khó còn là một cam kết dấn thân.
Những lời Tin Mừng này đối với tôi chiếm vị trí hàng đầu, để tôi làm gương sáng là một Kitô hữu. Tất cả các linh mục, các tu sĩ, các tín hữu thân yêu của tôi muốn mình được mệnh danh là Kitô hữu, hãy nghe lời hội nghị Medellin phát biểu: sống nghèo khó là một cam kết, một dấn thân tự nguyện và nhờ tình yêu dám nhận lấy điều kiện sống của những con người túng thiếu giữa thế giới này, để làm chứng tá cho tội ác rằng mình là những biểu tượng bước đi theo gương Chúa Giêsu, Đấng mang vác những hậu quả của thân phận con người tội lỗi, Đấng giầu sang vô biên lại trở thành nghèo khổ nhất để cứu độ chúng ta.

Cam kết hoặc dấn thân làm một Kitô hữu có nghĩa phải đi theo Chúa Giêsu trong công cuộc nhập thể. Nếu Đấng Uy Quyền lại trở thành con người khiêm tốn cho đến chết trên thập giá, Đấng giầu sang lại đến sống với những người nghèo khổ, thế thì niềm tin Kitô giáo cũng phải sống như thế đó. Những Kitô hữu nào không muốn sống dấn thân liên đới như thế với những người nghèo khổ, họ không xứng đáng được gọi là Kitô hữu và càng không đáng được gọi là chủ chiên.
Chúa Kitô mời gọi chúng ta đừng sợ hành hạ, đừng sợ bách hại, bởi vì thưa anh chị em, hãy tin lời tôi đi, những ai dám dấn thân cho người nghèo khổ, họ cũng phải liều mang thân phận, mang số kiếp của những con người nghèo khổ.

Và tại El Salvador, chúng tôi biết rằng số phận của những con người nghèo khổ có nghĩa là bị biến mất, bị hành hạ, bị bắt bớ và cảm thấy mình đang hấp hối.

Những ai muốn sống với những đặc ân của trần giới này và không chấp nhận những hành hạ của lối sống dấn thân này, họ sẽ lo sợ, sẽ bàng hoàng, sẽ run rẩy trước những nghịch lý của Tin Mừng hôm nay: 'Hạnh phúc cho anh em khi người ta ghét anh em và loại trừ anh em, xỉ nhục anh em và ruồng bỏ anh em, vì anh em đem lại lợi ích cho người khác. Hãy vui lên, hãy mừng lên vì phần thưởng của anh em sẽ cao trọng trên thiên quốc.'"
Những suy tư, những nhắn nhủ vừa rồi của đức Romero phải chăng không nói với chúng ta điều gì, khi chúng ta đang đối diện với những anh em khốn khổ của chúng ta đang sống dưới một chế độ chuyên chế, hà khắc, bóc lột cả tâm hồn lẫn thể xác? Chúng ta có thể làm ngơ để sống giữa những đặc ân của trần giới hôm nay và không làm chứng tá cho Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô?

Chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam có nhiều mục tử nối gót những chứng từ sống động của hai cố Tổng Giám Mục Romero của El Salvador và Nguyễn Kim Điền của Việt Nam. Chúng ta cầu nguyện cho Lm. Nguyễn Văn Lý luôn trung thành làm chứng tá cho Tin Mừng và giải phóng đất nước theo con đường của Đức Kitô và theo gương mẫu của các vị TGM Romero, Nguyễn Kim Điền và Pius Ncube.

Aucun commentaire: