1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

samedi 28 avril 2007

Thể thức bầu cử trong Hiến Pháp Dân Chủ

Thể thức bầu cử trong Hiến Pháp Dân Chủ
(LÊN MẠNG Thứ năm 26, Tháng Tư 2007)

Nguyễn Học Tập
(VNN)

Nhân CSVN đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội CSVN vào tháng 5-2007 sắp tới, xin giới thiệu lại bài viết của ông Nguyễn Học Tập về "Thể thức bầu cử trong hiến pháp dân chủ" để bạn đọc thấy được những điều kiện cần để có được một cuộc bầu cử dân chủ. Không có được những điều kiện thiết yếu bảo đảm, mọi cuộc bầu cử gọi là dân chủ sẽ chỉ là dân chủ mỵ dân, mang đến những kết quả tai hại khó lường cho đất nước, và người dân không có lợi gì mà không tẩy chay cuộc bầu cử như thế.

***

Sau khi xác định thể chế "Cộng Hoà Liên Bang, Dân Chủ Và Xã Hội" ở đoạn 1, điều 20, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức lập lại đặc tính Dân Chủ của Quốc Gia và đưa ra chỉ thị phương thức thực thi Dân Chủ ở đoạn kế tiếp:

- "Mọi quyền lực Quốc Gia đều phát xuất từ dân chúng. Quyền lực Quốc Gia được dân chúng hành xử qua các cuộc đầu phiếu, trưng cầu dân ý và qua các cơ quan chuyên biệt lập pháp, hành pháp và tư pháp" (Điều 20, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, CHLBD).

Điều vừa kể cho thấy các cuộc đầu phiếu, trưng cầu dân ý là những động tác nguyên thủy khởi đầu

- để người dân hành xử "quyền tối thượng Quốc Gia thuộc về dân" hay "mọi quyền lực Quốc Gia đều phát xuất từ dân chúng " của mình,

- để tạo ra các "cơ quan chuyên biệt lập pháp, hành pháp và tư pháp",

- cũng như để định hướng và kiểm soát sao cho quyền lực Quốc Gia được hành xử theo chính hướng, lý tưởng dân chủ được Hiến Pháp xác định, hiệu năng và không thiên vị bè phái.

Nêu lên những tư tưởng vừa kể, chúng ta thấy được tầm quan trọng của động tác bầu cử.

Luật lệ để bảo đảm cho tiếng nói bình đẳng và dân chủ của người dân trong dịp bầu cử, chúng ta đã có dịp bàn đến trong bài LUẬT BẦU CỬ CộNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC.

Qua chủ đề của bài đang viết, THỂ THỨC BẦU CỬ, chúng ta muốn tìm xem thể thức nào phải được áp dụng, để cho người dân được tự do cầm lá phiếu của mình, bầu cho những ai mà mình tự do và ý thức được có cách suy tư và hành xử quyền lực Quốc Gia theo phương thức dân chủ, hợp với suy nghĩ và xác tín của mình.

Thể thức chính đáng phải có để người dân tự do chọn người thay mình hành xử quyền lực Quốc Gia, trong tinh thần "mọi quyền lực Quốc Gia phát xuất từ dân chúng" rất quan trọng, nếu không, người dân chỉ là những con múa rối của thế thức "Đảng cử, dân bầu" và "làm mọi cho Đảng", hơn là phục vụ vì lợi ích của Đất Nước.

Thể thức bầu cử phải có như vừa kể, được Hiến Pháp xác định từ các cuộc bầu cử trung ương, ở tầm vóc Liên Bang (Bund), cũng như địa phương, các Tiểu Bang (Laender).

Đối với cuộc bầu cửa ở Liên Bang:

- "Các nghị viên của Hạ Viện (Bundestag) được tuyển chọn bằng các cuộc đầu phiếu phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín". (Điều 38, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD).

Ở các cấp địa phương:

- "Ở các Tiểu Bang, các Vùng và Xã Ấp, dân chúng tuyển chọn thành phần đại diện từ các cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín" (Điều 28, đoạn, id.).

Qua những gì Hiến Pháp 1949 CHLBD xác định, chúng ta thấy những đặc tính phải có để bảo đảm cho cuộc bầu cử có tính cách dân chủ, đó là những đặc tính "phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín".

A- Phổ thông.

Trước hết đặc tính phổ thông của Hiến Pháp 1949 CHLBD được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nêu lên cùng một ý nghĩa, nhưng dưới cách diễn tả khác:

- "Lá phiếu có tính cách cá nhân và bình đẳng, tự do và kín. Hành xử quyền bỏ phiếu là một bổn phận công dân" (Điều 48, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Qua đặc tính "cá nhân" của lá phiếu, chúng ta thấy tính cách phổ thông được Hiến Pháp 1949 CHLBD đề cập, nếu chúng ta đọc đoạn 1 của cùng một điều khoản Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, được nêu ra trước đó:

- "Là cử tri mọi công dân, nam và nữ, đã đạt đến tuổi trưởng thành" (Điều 48, đoạn 1, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Nhập chung hai đoạn 1 và 2 của điều khoản 48 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, chúng ta thấy được lá phiếu để bầu cử là lá phiếu cá nhân của mọi công dân nam nữ đã đến tuổi trưởng thành, là lá phiếu cá nhân của mọi cử tri, hay lá phiếu cá nhân và phổ thông.

Như vậy, hai đoạn của điều 48 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc xác nhận lá phiếu bầu cử là lá phiếu cá nhân và phổ thông, của mọi công dân đến tuổi trưởng thành và được mỗi người, chính mình đứng ra bỏ phiếu.

a) Lá phiếu cá nhân hay lá phiếu trực tiếp

Lá phiếu cá nhân có nghĩa là phải được chính cá nhân cử tri đứng ra bỏ phiếu,

- nói lên ý kiến và xác tín mà mình cho là chính đáng đối với vấn đề đang được cuộc bầu tử tổ chức để tham khảo,
- bỏ phiếu cho chính cá nhân mà mình tín nhiệm là người có khả năng và đức hạnh,
- bỏ phiếu cho đảng phái mà mình cho là chủ trương hợp với lý tưởng của mình
- hay bỏ phiếu để ủng hộ hay bác bỏ chương trình mà mình cho là có lợi hay phương hại đến cuộc sống cá nhân và cuộc sống Quốc Gia.

Lá phiếu cá nhân, không ai được đứng ra bỏ phiếu thay cho mình.

Muốn bảo đảm cho lá phiếu có tính cách cá nhân, không có phương thức nào hay hơn là lá phiếu phải được tự mình lựa chọn lấy trong phòng kín.

Và lá phiếu, muốn bảo đảm được tính cách cá nhân thực sự, là lá phiếu phải được tự do chọn lựa, không bị áp lực, doạ nạt trước cũng như sau khi bỏ phiếu.

Lá phiếu cá nhân đặt con người trước lương tâm và trách nhiệm của mình đối với cuộc sống của chính mình, và của đồng bào mình, nói lên người dân hành xử "quyền tối thượng" của mình trong cuộc sống Đất Nước (Schmith Carl, Verfasssungslehre, Duncker u. Humblot, Berlin 1965, 245).

Chỉ có những thể chế quân chủ độc đoán, độc tài như Phát Xít và Cộng Sản mới kiểm soát, bắt bớ người dân phải bỏ phiếu công cộng và theo ý muốn "Đảng cử, dân bầu" của họ (Nawiasky, Wahlrechtsfragen im heutigen Deuschland, Archiv des Verfassungslehre Rechts, N.E. 1931, 185).

Không bị sợ sệt khép nép, hay tôn trọng lễ nghĩa nào khác, lá phiếu cá nhân được bỏ phiếu trong phòng kín cho phép người công dân cử tri ý thức và vững dạ những gì mình chọn, là những gì "quid propium" của chính mình, hành xử theo lương tâm con người tự do và hiểu biết với trách nhiệm của mình (Ferrari, Enc. di dir., voce Elezioni (teoria generale), 616).

Và đó cũng chính là những gì Viện Bảo Hiến Ý đã xác quyết: lá phiếu cá nhân là là phiếu bảo đảm cho người công dân cử tri được tự do lựa chọn, không phải bị bất cứ một ràng buộc nào (Corte Cost., sent. n.16 del 1978 e n. 27 del 1981).

Lá phiếu cá nhân là lá phiếu phải được chính người công dân cử tri lựa chọn và tự tay mình bỏ phiếu.

Người cử tri bị đui mù, cụt tay hay bị tê liệt bất toại, có thể hành xử quyền bỏ phiếu của mình nhờ thân nhân hay một cử tri khác giúp đỡ, với tư cách là người tình nguyện, miễn là cả hai điều được ghi danh vào bản niêm yết cử tri tại xã ấp của mình (Điều 55, đoạn 2, "Văn Bản Luật Thống Nhất", Testo Unico, T.U. 1957 Ý Quốc, là Văn Bản tập hợp và sửa đổi các luật lệ thời quân chủ, Statuto Albertino, và các bản văn luật pháp sau Hiến Pháp 1947).

Nhưng dù sao thì phương thức thực hành trong các trường hợp bất khả kháng vừa kể, theo giáo sư Mortati Carlo, cũng có thể tạo nhiều lạm dụng, cần phải được kiểm soát chặt chẽ (Mortati C., Istituzioni di diritto pubblico, Cedam, Padova 1976, IX ed., vol. II, 431).

Cũng theo Văn Bản Luật Thống Nhứt trên (T.U.), người trợ lực hoặc được giao cho bổn phận bỏ phiếu giúp cho người tàn tật trong các trường hợp vừa kể, sẽ bị phạt tù 1 đến 3 năm và phạt tiền đến 50.000 lire lúc đó, năm 1967 (tương đương với 1.000 Euro hiện nay), bỏ phiếu cho một ứng cử viên hay cho một danh sách chính đảng khác với ý muốn bệnh nhân.

Văn Bản Luật Thống Nhứt cũng hạn chế là không ai có thể trợ giúp bỏ phiếu cho hơn một người tàn tật (Điều 55, đoạn 3 T.U.).

Còn nữa, sẽ bị phạt tù từ 3 đến 5 năm và phạt tiền mặt đến 2000 Euro, ai mạo danh người khác để bỏ phiếu bằng hồ sơ giả mạo (Điều 103, đoạn 3 T.U.).

b) Tính cách phổ quát của cuộc bỏ phiếu.

Tính cách phổ quát của các cuộc đầu phiếu được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc xác nhận, như tinh thần của Hiến Pháp 1949 CHLBD:

- "Là cử tri, mọi công dân nam nữ đạt đến tuổi trưởng thành" (Điều 48, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Và như chúng ta biết điều 48, đoạn 1 vừa kể là điều khoản nằm trong phần đầu của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc (1-54), phần nêu lên các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người và người công dân, trong Tiết Mục IV, nói về các mối tương quan chính trị giữa người dân và tổ chức Quốc Gia.

Do đó nêu lên thể thức bầu cử phổ thông, Hiến Pháp:

- không chỉ có ý hạn hẹp đề cập đến các cuộc đầu phiếu để thiết định cơ chế hiến định Quốc Gia (Hạ Viện, Thượng Viện và Hội Đồng Vùng, điều 56, 58 và 132 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
- mà còn nói lên tư cách pháp nhân của người cử tri, có quyền nói lên tiếng nói của mình liên quan đến các tổ chức vượt trên tầm vóc Quốc Gia, đặt Quốc Gia liên quan đến các Quốc Gia khác, như Quốc Hội Âu Châu chẳng hạn (điều 3, luật 24.01.1979, số 14),
- cũng như việc chọn lựa định hướng chính trị phải có đáp ứng với hoàn cảnh thực tế, phát biểu ý kiến của mình đồng thuận hay bác bỏ.

Nói tóm lại, quyền bầu cử là tư cách pháp nhân của người công dân trưởng thành có thể xử dụng bất cứ trong trường hợp nào, theo luật định, liên quan đến quyền chính trị của người dân đối với đất nước, Tiết Mục IV của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, và là một trong những quyền dân chủ căn bản của con người, bất khả xâm phạm.

Điều 48, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc vừa kể, liên quan đến phổ thông đầu phiếu, không có gì khác hơn là áp dụng thực hành những giá trị được Hiến Pháp xác nhận trong phần đầu, phần nêu lên các giá trị về con người phải được tôn trọng (điều 1-54).

Cộng Hoà Dân Chủ Ý Quốc sẽ không còn là một Quốc Gia Dân Chủ nữa, nếu

- mọi công dân đến tuổi trưởng thành của mình không phải tất cả là cử tri; thiên vị, bè phái không còn phải là dân chủ, bởi lẽ bình đẳng là một trong những đặc tính căn bản tiên khởi của dân chú;
- theo định kỳ, các công dân không còn được hành xử quyền cử tri của mình, để thiết lập lại các cơ quan lãnh đạo Quốc Gia, dân chủ không có luân phiên, canh tân giới lãnh đạo có chương trình tốt đẹp hơn, hiệu năng hơn, không thiên vị hơn là lối "dân chủ tập trung độc tài của Đảng và Nhà Nước" (điều 6, Hiến Pháp 1992 XHCNVN), chớ không phải là dân chủ với ý nghĩa nguyên thủy tốt đẹp mà mọi người mong ước cho Đất Nước,
- mọi công dân đến tuổi trưởng thành đều được kêu gọi để bày tỏ ý kiến chọn lựa đường lối chính trị Quốc Gia phải có và có sáng kiến đưa ra đề nghị tốt đẹp hơn cho Quốc Gia.

Dĩ nhiên trình độ dân chủ không thể chỉ được đo lường bằng trương độ số dân chúng được quyền bỏ phiếu, bởi lẽ
- ở một vài Quốc Gia quyền bỏ phiếu chỉ được dành cho các cử tri nam giới, chớ không
"Là cử tri, mọi công dân nam nữ đã đạt đến tuổi trưỏng thành"
- ở một vài Quốc Gia khác, quyền phổ thông đầu phiếu được áp dụng, nhưng lá phiếu không có tính cách cá nhân, không bi đặt điều kiện, doạ nạt, kiểm soát, và với các ứng viên đã được tiền định "Đảng cử, dân bầu " trong thể chế độc tài.

Không ai lạ gì mà ở các Quốc Gia vừa được đề cập, tỷ số cử tri ủng hộ các thành viên được tuyển chọn vượt trên 90%. Tỷ số đồng thuận càng cao, càng tố cáo bộ mặt độc tài cưỡng chế của tổ chức Quốc Gia, chớ không phải toàn quốc dân chúng chỉ là đoàn cừu không biết suy nghĩ.

B- Tự do.

Lá phiếu tự do được luật bầu cử ở Ý, trong Bản Văn Luật Thống Nhứt 1957 (Testo Unico, T.U.) bảo đảm bằng cách:

- tuyên án phạt bất cứ ai dùng bạo lực hay đe doạ chính cử tri hoặc người thân của cử tri để bắt buộc cử tri phải bỏ phiếu cho người nầy hay người khác, bỏ phiếu cho danh sách đảng nầy hay đảng khác, bỏ phiếu trắng hoặc không đi bỏ phiếu, tuyên truyền loan tin thất thiệt, hoặc dùng các thủ thuật để lường gạt cử tri (Điều 97, T.U.).

- tuyên án phạt viên chức có bổn phận phục vụ công cộng, cơ quan phục vụ công ích, giáo sĩ của bất cứ tôn giáo nào, hay bất cứ ai có phận vụ hành xử công quyền dân sự cũng như quân sự, lợi dụng vị thế của mình để ảnh hưởng hay thuyết phục, làm áp lực lên cử tri bỏ phiếu cho ứng viên nầy hay đảng phái khác, cũng như tạo ảnh hưởng để cử tri bỏ việc hành xử quyền và bổn phận công dân bỏ phiếu của mình (Điều 98, T.U.).

- tuyên án phạt bất cứ ai doạ nạt hay dùng bạo lực phá rối tiến trình bỏ phiếu tại địa điểm dân chúng đang hành xử quyền và bổn phận công dân bỏ phiếu của mình (Điều 100, T.U.).

- cấm ngặt mọi cuộc hội họp tuyên truyền vận động tuyển cử ngày hôm trước, cũng như trong thời gian bỏ phiếu đang diễn tiến, khiến dân chúng hoang mang, mất định hướng những gì mình đã suy nghĩ (Điều 8, luật 24.04.1975, n. 130).

- cấm ngặt mọi cuộc hội họp, tuyên truyền ở các nơi công cộng cũng như những nơi được mở ra cho công chúng (tiệm ăn, quán bar, hý trường, nơi tế tự) hay hội họp đi biểu tình tuyên truyền, dán bích chương, căn biểu ngữ bênh vực cho phe nhóm hay xách động, phá rối trong khuôn viên cách lối ra vào nơi bỏ phiếu dưới 200 thước (Mortati C., Instituzioni di diritto pubblico, id., 434).

C- Bình đẳng.

Lá phiếu bình đẳng là phương thức thể hiện quyền bình đẳng của mọi công dân không phân biệt địa vị cá nhân hay xã hội:

- "Mọi người đều có địa vị ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, điều kiện cá nhân hay xã hội" (Điều 3, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

- "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật"

Không ai có thể bị thua thiệt hay được ưu đãi vì lý do phái giống, sinh trưởng, chủng tộc, ngôn ngữ, quốc tịch hay xuất xứ, niềm tin, quan niệm tôn giáo hay chính trị của mình" (Điều 3, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).

Trên nguyên tắc, lá phiếu bình đẳng được bảo đảm trong động tác bỏ phiếu, nhưng còn vấn đề luật pháp phải làm sao bảo đảm được cả lúc thẩm định giá trị, tùy theo luật lệ bầu cử của mỗi định chế.

"Lá phiếu được vớt lại" ở CHLBD (cfr. LUẬT BẦU CỬ CộNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC) cho thấy tinh thần dân chủ, bình đẳng cao độ của người dân Đức.

Tùy theo mỗi định chế, giá trị của lá phiếu bình đẳng của động tác bỏ phiếu có thể có giá trị khác nhau khi thẩm định:

- phương thức "tưởng thưởng đa số tuyệt đối hay đa số định tính 2/3 'majorité qualifiée'" đạt được của ứng viên hay chính đảng là trường hợp điển hình, cho phép chính đảng được các mức đa số vừa kể có nhiều dân biểu được tuyển chọn hơn là do chính sức mạnh của của các phiếu định đoạt (Luật 31.03.1953, n. 148 Ý Quốc),
- lá phiếu sẽ không có giá trị nào cho chính đảng không có được ít nhứt 1 dân biểu trong đơn vị bầu cử hay 300.000 phiếu trên toàn quốc (Điều 83, đoạn 1 T.U. 1957 Ý Quốc) hay không có được 3 cử tri đơn danh và ít nhứt 5% số phiếu trên toàn quốc, theo đạo luật "lằn mức ngăn chận" (Sperrklausell) ở Cộng Hoà Liên Bang Đức.

Ở Ý phương thức hành xử "tưởng thưởng đa số " như vừa kể của luật bầu cử năm 1953 đã bị Viện Bảo Hiến phán quyết là cách cho phép hành xử vi hiến của đạo luật 148, T.U. vừa kể, vì không hợp với tinh thần quyền bình đẳng (điều 3, đoạn 1) của Hiến Pháp, chúng ta đã trích dẫn ở trên (Corte Cost., sent. n. 63 del 1961) (Paladin Livio, Il principio costituzionale dell'eguaglianza, Giuffré, Milano 1965, 304s).

Còn nữa, có thể động tác bỏ phiếu là động tác bình đẳng nơi thùng phiếu, nhưng tổ chức Quốc Gia cũng như hệ thống luật pháp phải được thiết định thế nào để những cản trở về kinh tế, xã hội, kể cả điều kiện sinh sống và làm việc, không là chướng ngại vật ảnh hưởng, đặt điều kiện ép bức người cử tri lệ thuộc vào một số dữ kiện nào đó khi cầm lá phiếu trong tay:

- "Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi giới hạn thật sự tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép mỗi người triển nở hoàn hảo con người của mình và tham gia một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
(Romagnoli Umberto, Principi fondamentali (art 1-12), in Commentario della Costituzione, a cura di G. Branca, Zanichelli, Bologna 1975, 164s).

D- Lá phiếu kín.

Lá phiếu kín có nghĩa là người cử tri có thể bỏ phiếu nơi kín đáo, tự mình phát biểu tư tưởng của mình về vấn đề đang bàn:

- chọn Hạ Viện Quốc Hội,
- Hội Đồng Vùng, Xã Ấp,
- trưng cầu dân ý để chấp thuận hay bác bỏ dự án chính trị sắp được thi hành,
- trưng cầu dân ý bãi bỏ đạo luật không thích hợp...

Về phía người cử tri, lá phiếu kín có nghĩa là không được nói với ai, ít ra trong ngày bỏ phiếu, là mình sẽ hay đã bỏ phiếu cho ai, cho biết "chấp nhận hay bác bỏ" dự án luật hay đề thảo đường lối chính trị mà mình được hỏi ý kiến.

Lá phiếu kín là điều kiện cần thiết, nhưng tự nó chưa đủ để bảo đảm là lá phiếu tự do, mặc dầu được bỏ phiếu trong phòng kín cũng vậy, nếu những điều kiện về cá nhân, tự do và bình đẳng kể trên không được bảo đảm.

Lá phiếu kín được bảo đảm bằng

- dùng chính mẫu phiếu đồng nhứt về màu sắc cũng như kích thước, được chính cơ quan Chính Quyền thực hiện (Điều 31, T.U.),
- bảo đảm cho cử tri đến bàn giấy trình diện hồ sơ, thẻ căn cước, kiểm soát tên họ mình trong danh sách cử tri, nhận lấy các lá phiếu, mà không một người ngoại cuộc nào được đi theo hoặc đến gần (Điều 58, đoạn 2 T.U.).
- nếu cử tri không đồng thuận vào phòng kín để bỏ phiếu, vì bị áp lực, doạ nạt nào đó có thể, vị chủ tịch của ủy ban tại phòng phiếu phải thu góp tất cả các lá phiếu lại và tuyên bố vô hiệu lực việc bỏ phiếu của cử tri (Điều 62, T.U.).
- nếu vị chủ tịch không can thiệp để cho người khác cản trở cử tri không được vào phòng kín để bỏ phiếu, việc thiếu trách nhiệm đó có thể cho ông lãnh án từ 3 tháng đến 1 năm tù (Điều 111, T.U.).
- mọi lá phiếu có chữ viết hay dấu hiệu làm cho người khác có thể nhận diện được chủ nhân của là phiếu, đều bị coi là vô hiệu lực (Điều 62, T.U.),

Thật ra tất cả những gì vừa kể cho thấy cả các Quốc Gia Tây Âu vẫn chưa đạt đến trình độ dân chủ lý tưởng như mong muốn.

Ai trong chúng ta cũng biết tư tưởng dân chủ của chúng ta phát xuất từ quan niệm dân chủ được áp dụng từ thời Cộng Hoà Athène của Hy Lạp, thế kỷ 2-3 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, đến thế kỷ 3 sau Thiên Chúa Giáng Sinh: Démocratie (Pháp ngữ), Democracy (Anh ngữ), Demokratie (Đức ngữ), Democratia (La tinh) và Democrazia (Ý ngữ), đều phát xuất từ Demokratía (Hy Lap): Demos, dân chúng; krátos: quyền hành).

Phương thức hành xử Dân Chủ trực tiếp của dân chúng Hy Lạp: mỗi khi có vấn đề phải giải quyết, liên quan đến phương cách tổ chức thị xã (Politiké) hay "đường lối chính trị Quốc Gia", nói như ngôn từ chúng ta, dân chúng của Thị Xã (Polis) được kêu gọi tựu họp nhau ở công trường, và giải quyết "chấp nhận hay bác bỏ" bằng cách giơ tay hay hô to.

Người dân Hy Lạp lúc đó áp dụng phương thức bỏ phiếu "công cộng" (palese). Bởi lẽ họ có tinh thần dân chủ thực sự và cao độ, không ai bắt nạt được ai, khi mọi người đều có quyền ngang nhau bày tỏ ý kiến của mình trong cộng đoàn đang nhóm họp (Isegoría: do isos, như nhau; agorà: cộng đồng: mọi người đều như nhau, ngang hàng nhau, có quyền phát biểu như nhau, lúc cộng đồng đang nhóm họp; hay: "tự do ngôn luận", nói theo ngôn ngữ chúng ta).

Các hành xử dân chủ của dân Hy Lạp lúc đó là phương thức hành xử "dân chủ trực tiếp": người dân tự mình đứng ra cho biết ý kiến và điều hành Thị Xã theo đa số.

Từ cách hành xử dân chủ đó của người Hy Lạp trong lịch sử, chúng ta thấy được lý tưởng của một Quốc Gia dân chủ thực sự, là lý tưởng nơi đó người dân cử tri có thể công nhiên bày tỏ lập trường của mình, không sợ áp lực, điều kiện trước khi bỏ phiếu và cũng không sợ hậu quả đối với tư tưởng mình đã phát biểu.

Nền dân chủ của chúng ta, của cả các nước văn minh Tây Âu, vẫn còn áp dụng nhiều trường hợp bỏ phiếu kín, cho thấy chưa có điều kiện dân chủ như người Hy Lạp lúc đó, người cử tri không bị áp lực và cũng không sợ hậu quả thù hận của xã hội chúng ta.

Nói cách khác, bỏ phiếu kín là một phương thức bảo đảm cho lá phiếu được tự do, mặc dầu bỏ phiếu kín tự nó là "điều kiện cần thiết " chớ "chưa đủ" để lá phiếu phát biểu được "tự do phát biểu tư tưởng", như trong các trường họp và điều kiện được đề cập.

Bỏ phiếu kín, là mặc nhiên công nhận lá phiếu có thể không được tự do diển tả tư tưởng của cử tri, nếu phải bỏ phiếu công khai.

Tuy nhiên trong thể chế dân chủ của các Quốc Gia Tây Âu, một đôi khi Hiến Pháp cũng chỉ định phải bỏ phiếu công khai, với mục đích khác, được Hiến Pháp nhằm đến.

- Quốc Hội bỏ phiếu công khai để chấp thuận tín nhiệm hay bất tín nhiệm Chính Quyền, cho phép Chính Quyền bắt đầu, tiếp tục hành xử quyền lực Quốc Gia hay không cho và bắt buộc phải giải nhiệm:

* "Mỗi Viện Quốc Hội chấp nhận hay thu hồi tín nhiệm của mình bằng nguyên cớ có lý do và qua cuộc bỏ phiếu xướng danh (voto nominale)" (Điều 94, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Trường hợp vừa kể cho thấy mỗi thành viên của Lưỡng Viện Quốc Hội công khaibàytỏ lập trường của mình đối với Chính Quyền, xứng đáng hay không đảm trách xử dụng uy quyền Quốc Gia.

Lá phiếu công khai không những nói lập trường của cá nhân vị nghị sĩ, mà còn là lập trường của chính đảng mà nghị sĩ là thành viên thuộc hệ.

Lá phiếu công khai của vị nghị sĩ, cũng là đường lối chính trị của chính đảng liên hệ, được phổ biến cho dân chúng biết để mọi người thấy đâu là lẽ phải và đường lối thích hợp hành xử cho Quốc Gia.

Lập trường đó của vị nghị sĩ và của chính đảng ông sẽ có ảnh hưởng đến lần bỏ phiếu sắp đến cho ông và cho đảng ông, được dân chúng suy nghĩ quyết định.

- Trong khi đó thì dường như hầu hết các cuộc bỏ phiếu có liên quan đến chủ thể con người ứng viên, để tôn trọng nhân phẩm của ứng cử viên, đều được Hiến Pháp thiết định qua các cuộc bỏ phiếu kín và không ai được tiết lộ lý do nội dung của lá phiếu. Nói cách khác, không được dùng lá phiếu như là dụng cụ để tâng bốc, cũng như mạ lỵ ứng cử viên.

Đó là trường hợp bỏ phiếu kín

* để chọn Tổng Thống, được thành viên của Lưỡng Viện Quốc Hội và đại biểu của các Vùng đứng ra tuyển chọn (Điều 48, đoạn 1 Hiến Pháp 1947).

* để chọn 5 thẩm phán của Viện Bảo Hiến và 10 thành viên của Tối Cao Pháp Viện được Lưỡng Viện Quốc Hội tuyển chọn (Điều 3, Luât Hiến Pháp 22.11.1967, n.2 và 22; Luật Hiến Pháp 24.03.1958, n. 195 Ý Quốc).

* để tuyển chọn thành viên của các cơ cấu nội bộ của mỗi Viện Quốc Hội do các dân biểu bầu ra: để bầu Chủ Tịch Hạ Viện (Điều 4, đoạn 2 Nội Quy Hạ Viện; điều 4, đoạn 1 Nội Quy Thượng Viện Ý Quốc).

* để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận một số vấn đề nào đó vào chương trình bàn thảo của Quốc Hội trong thời gian ấn định (ordine del giorno), (Điều 27, đoạn 2 Nội Quy Hạ Viện Ý Quốc),

* để "chuẩn y hay bác bỏ" dự thảo luật đã được đệ trình và được các Ủy Ban liên hệ nghiên cứu (Điều 91, đoạn 1 Nội Quy Hạ Viện Ý Quốc).

Thường thì trong các phiên bàn cãi của các Ủy Ban Quốc Hội, cuộc bỏ phiếu bằng cách giơ tay để quyết định, trừ khi được đa số thành viên của Ủy Ban, đối với một số vấn đề nào đó, yêu cầu bỏ phiếu kín (Điều 51, đoạn 1 Nội Quy Hạ Viện và điều 113, đoạn 2 Nội Quy Thượng Viện Ý Quốc).

E- Bỏ phiếu là bổn phận công dân.

Phần cuối cùng của điều 48, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đề cập đến hành xử quyền bỏ phiếu là bổn phận công dân của mọi người dân đến tuổi trưởng thành:

- "Lá phiếu có tính cách cá nhân và bình đẳng, tự do và kín. Hành xử quyền bỏ phiếu là bổn phận công dân" (Điều 49, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Và điều 4, Bản Văn Luật Thống Nhứt, T.U. cho rằng:

"Tác động bỏ phiếu là một bổn phận bắt buộc mà không công dân nào có thể khước từ, nếu không muốn thiếu bổn phận chính xác của mình đối với Quê Hương".

Nền tảng của bổn phận công dân vừa được nêu ra được đặt trên lợi ích chung của những ai được kêu gọi để tuyển chọn

- những người có trách nhiệm các cơ quan tối thượng đại diện cho Quốc Gia,
- những thành viên các cơ quan công quyền,
- những chương trình quyết định để áp dụng thực thi của các cơ quan được đề cập (Mortati C., Istituzioni di diritto pubblico, Cedam, Padova 1976, IX ed., vol 2, 434).

Như vậy không đi bỏ phiếu hay "không tham dự vào chính trị, không làm chính trị", để chọn lựa những gì tốt đẹp nhứt khả thi, áp dụng cho đất nước, là thiếu bổn phận liên đới với đồng bào mình, chớ không phải muốn làm hay không cũng được.

Là thái độ hèn mạc, ích kỷ, chỉ biết sống cho mình, bỏ mặc đồng bào "sống chết mặc bây! ":

- "Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi con người phát triển nhân cách của mình, và đòi buộc chu toàn các bổn phận liên đới không thể thiếu về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội" (Điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Và rồi hành động vô trách nhiệm và ích kỷ vừa kể, trước sau gì cũng sẽ có ảnh hưởng "boomerang" ngay cả đến cuộc sống cá nhân của mình.

Và cũng vì đó, làm thiệt hại cho đồng bào và cho chính mình, mà Bản Văn Luật Thống Nhứt, điều 115 T.U., tuyên án phạt:

- danh sách của những ai không chu toàn quyền và bổn phận bỏ phiếu sẽ được niêm yết tại cơ quan hành chánh xã ấp nơi các đương sự cư ngụ trong vòng một tháng.
- trong thời gian 5 năm, trên căn cước, hay thẻ thông hành, cũng như các giấy chứng nhận và thị thực của xã ấp liên hệ, đều sẽ được đóng dấu "đã không bỏ phiếu", đối với các đương sự không đi bỏ phiếu mà không có lý do chính đáng.
- vị xã trưởng, sau khi định giá những lý do được đưa ra, có bổn phận liệt kê vào danh sách niêm yết những ai không thi hành quyền và bổn phận bỏ phiếu, chỉ trừ

* các giáo sĩ của bất cứ tôn giáo nào,
* những ứng viên định cư ở xã ấp khác, có tên trong danh sách để được bầu cử tại xã ấp của vị xã trưởng,
* những ai chứng minh được vì lý do bất khả kháng, kể cả vì nghề nghiệp phải di chuyển trên 30 cây số để đến được nơi bỏ phiếu, hay những cử tri đang bị đau ốm (Điều 115 T.U.).

Và để giúp giải quyết một ít khó khăn cho các cử tri, các đạo luật 116, 117 và 118 T.U. quyết định:

- điều 116, giá vé đường hoả xa nội địa được giảm đến 70%, cả đi lẫn về, cho các ứng viên phải di chuyển tại nơi hiện cư đến địa điểm bỏ phiếu, được chứng minh bằng thẻ cử tri.
- điều 117, đối với các công dân di cư ra ngoại quốc, giá vé hỏa xa sẽ miễn phí, cả đi lẫn về, kể từ trạm đầu tiên khi vào biên giới cho đến địa điểm bỏ phiếu.
- điều 118, hoàn trả chi phí cho quân nhân hay nhân viên công chức dân sự phải di chuyển đến nơi bỏ phiếu, khác với nhiệm sở đang đảm trách trên mọi phần đất Quốc Gia.

Nói tóm lại xác nhận thể thức bầu cử phải được tổ chức và bảo đảm bằng lá phiếu

- cá nhân
- và phổ quát,
- trực tiếp,
- tự do,
- bình đẳng
- và kín,

cũng như xác định bỏ phiếu là quyền và bổn phận công dân không thể thiếu, với những phương thức trừng phạt đối với những ai thiếu trách nhiệm và trợ giúp phương tiện cho các cử tri gặp khó khăn, cho thấy Hiến Pháp xác định tầm quan trọng của động tác bỏ phiếu.

Không có bầu cử, nhứt là bầu cử được thực hiện trong những điều kiện vừa nêu lên, sẽ không có dân chủ.

Hiến Pháp đứng ra định nghĩa thể chế Nhân Bản và Dân Chủ:

- "Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm" (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức),
- "Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Liên Bang, Dân Chủ và Xã Hội" (Điều 20, đoạn 1, id.).

hay

- "Ý Quốc là một Quốc Gia Cộng Hoà Dân Chủ, được xây dựng trên nền tảng làm việc" (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
sẽ là những câu nói vô nghĩa, nếu không đứng ra bảo đảm được quyền và bổn phận bầu cử của người dân, được thực hiện trong các điều kiện nêu trên.

Nhân Bản và Dân Chủ không phải chỉ tuyên bố mà có, mà là tuyên bố và đứng ra tiền liệu các phương thức để có được và bảo đảm cho tồn tại.

Nhân Bản và Dân Chủ "thực hữu" (substantielles) khác với Nhân Bản và Dân Chủ "thuyết lý" (formelles).

http://www.vnn-news.com/article.php3?id_article=3041

Aucun commentaire: