Không Thể Chờ Đợi Gì Ở Chế Độ Này
(LÊN MẠNG Thứ hai 9, Tháng Tư 2007)
Phạm Phú Đức
(VNN)
Sau gần một năm nở rộ các phong trào đấu tranh dân sinh dân quyền, nổi bật nhất là khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, có người tưởng rằng chế độ đã ít nhiều thay đổi để trở nên văn minh hơn sau khi tổ chức APEC và gia nhập WTO. Nhưng thực tế xảy ra không phải như vậy!
Những gia tăng đàn áp đối với các nhà dân chủ trong nước trong vài tuần qua đã xác định mạnh mẽ, đối với chúng ta và với "thế giới", rằng bản chất độc tài và thô bạo của chế độ vẫn không thay đổi. Và dù kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng từ năm ngoái, những luận điệu bào chữa cho các cuộc đàn áp này không có sức thuyết phục bao nhiêu. Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã phải kết luận rằng đây là một trong những tấn công tồi tệ nhất đối với các nhà đối kháng tại Việt Nam trong 20 năm qua.
Các biện pháp xoa dịu, áp lực, khủng bố, tù đầy và thủ tiêu thường được áp dụng đối với các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Nó không phải là chuyện bất thường gì dưới chế độ này. Lịch sử của hơn 60 năm qua tại Việt Nam đầy ắp những bằng chứng như thế. Hơn nữa, hầu hết các chế độ độc tài đều sẵn sàng đàn áp những nhà dân chủ hay các thực thể nào có uy tín, có tư thế và có khả năng soi mòn quyền lực của họ.
Tuy Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đầy kinh nghiệm và sở trường về trấn áp hay khủng bố tinh thần, tại sao họ cần phải tiếp tục sử dụng các biện pháp đê hèn như việc khống chế đối với anh Đỗ Nam Hải vào Thứ Sáu 16/3/2007 vừa qua?
Điều chắc chắn là họ đã suy tính kỹ lưỡng để soạn kế hoạch trước khi hành động. Họ thừa biết rằng Đỗ Nam Hải, qua nhiều lần khẳng định bằng lời nói và hành động, sẵn sàng ngồi tù từ khi dấn thân vào con đường đấu tranh. Đối với anh, và nhiều người khác, cũng chẳng có gì mất mát hơn khi phải bước từ nhà tù lớn (đất nước) sang nhà tù nhỏ (trại giam). Anh và nhiều người ý thức rất rõ rằng tự do và dân chủ không tự nhiên mà có; phải đấu tranh, kể cả hy sinh, mới có. Trước cường quyền sở trường về bạo lực và dối trá, anh luôn tỉnh táo, ôn hòa, nhưng cương quyết thể hiện tinh thần "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân mà thay cường bạo". Đỗ Nam Hải luôn sẵn sàng đối thoại với mọi người, kể cả công an thuộc mọi cấp hay những người còn nghi ngờ thiện chí của anh. Anh có một niềm tin mãnh liệt vào lý lẽ, công bằng và sự thật.
Trong đấu tranh, người ta dùng lực, dùng trí, hoặc cả hai. Lực thì Đỗ Nam Hải không có, và các phong trào dân chủ cũng còn quá yếu. Quần chúng thì chưa sẵn sàng nhập cuộc. Trong đấu trí, chế độ không những không thuyết phục được anh, mà ngược lại, anh luôn bày tỏ một thái độ bình tĩnh và luôn dùng những lý luận vững chắc khi đối diện với cán bộ cộng sản mọi cấp. Chắc chắn họ không sẵn sàng chấp nhận quan điểm dân chủ của anh nhưng không vì thế mà anh sờn lòng. Do đó, tuy rất đơn độc trong những lần bị điều tra hay thẩm vấn bởi một lực lượng áp đảo, họ vẫn không khuất phục được anh. Tất nhiên, chế độ có thể bỏ tù anh bất cứ lúc nào họ muốn hay thấy cần như là biện pháp sau cùng. Nhưng lý do họ chưa làm như thế, cho đến giờ này, là vì họ nhắm đến mục tiêu lớn hơn. Họ muốn tiêu diệt Khối 8406, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, và kế đến là các đảng phái, các phong trào, rồi đến các cá nhân chủ lực. Nhưng trước hết, họ nhắm đến các thành phần trụ cột đang liên minh với nhau và họ áp dụng các biện pháp từ nhẹ đến mạnh.
Đầu năm 2007, cộng sản đã tìm cách khống chế anh Nguyễn Phong của Đảng Thăng Tiến Việt Nam cũng như nhiều người khác. Biện pháp khống chế được xem là "tối hảo" trong lúc này vì nó vừa có khả năng phá đổ một tổ chức, vừa đỡ mất mặt với thế giới (không cần phải bắt bỏ tù một số khuôn mặt tên tuổi). Tuy nhiên, họ đã không thành công dễ dàng như vậy. Không dễ gì khuất phục các nhà đấu tranh khi đã quyết tâm và chấp nhận bị trù dập, kể cả tù đầy. Đối với luật sư Lê Thị Công Nhân và luật sư Nguyễn Văn Đài, các biện pháp xoa dịu, hăm dọa, và khủng bố cũng hoàn toàn thất bại nên cuối cùng cộng sản đã phải dùng biện pháp mạnh bạo hơn.
Thời toàn trị, cộng sản lộng hành, tự tung tự tác, không coi dư luận thế giới ra gì, nhưng thái độ kiêu căng và hung hăng đó đã không mang lại kết quả thuận lợi nào cho việc bang giao quốc tế, đặc biệt nhu cầu xin viện trợ của chế độ. Tuy bản chất không thay đổi, chế độ đã học và đã rút tỉa kinh nghiệm. Thời nay, khi đã chấp nhận và gia nhập cộng đồng nhân loại, cộng sản phải chứng tỏ là đã biết tôn trọng luật chơi quốc tế. Tuy thế, vì các nhà đấu tranh luôn luôn là nỗi ám ảnh và là mối đe doạ quyền lực của chế độ nên họ thay đổi chiến thuật đối phó với các nhà đối kháng. Nhưng mục đích sau cùng, đối với chế độ hiện tại, vẫn là phải dập tắt các phong trào dân chủ một cách nhanh nhất nhưng êm thắm nhất.
Qua bài "Sự thật về việc bãi bỏ Nghị Định 31/CP ngày 14/4/1997" hay những phỏng vấn dành cho phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam về việc anh Nguyễn Phong ngưng hoạt động..., chúng ta có thể thấy rõ sự khôn ngoan, tế nhị, cương quyết và nhân bản của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, dù chỉ mới 27 tuổi, nhưng rất trưởng thành trong ý thức, trong lý luận, và rất kinh nghiệm, khôn khéo đối với các áp lực và thủ đoạn của chế độ công an trị hiện nay. Cho nên việc bắt giam và vu khống hai luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài vào Thứ Ba 6/3/2007 là chuyện trước sau gì cũng xảy ra trong kế hoạch nhiều bước của chế độ bởi vì hai vị vừa thể hiện tinh thần bất khuất vừa nắm vững pháp luật để vạch trần những sai trái và phi pháp của cộng sản.
Đối với linh mục Nguyễn Văn Lý, khống chế cũng không được, bắt giam cũng không xong, cho nên họ đưa cha Lý về một nơi xa (giáo xứ Bến Củi) để quản thúc cô lập Ngài. Vào Thứ Ba 13/3/2007 vừa qua, cộng sản đã dàn dựng Bản Kết Luận Điều Tra linh mục Nguyễn Văn Lý và nhiều nhà dân chủ khác về tội tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) chiếu theo Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự. Tin từ trong nước cho biết cộng sản có thể đưa linh mục Nguyễn Văn Lý và các nhân sự trong Đảng Thăng Tiến Việt Nam ra xử vào ngày 30/3/2007. "Tội" của cha Lý và một số nhà dân chủ được liệt kê như sau:
"...Quá trình điều tra cho thấy: Nguyễn Văn Lý cùng đồng bọn có nhiều hoạt động thu thập, soạn thảo, in ấn, tàng trữ, tán phát nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam như: xuyên tạc tự do tôn giáo hiện nay tại Việt Nam, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền kêu gọi người khác tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội năm 2007 của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; trực tiếp trả lời phỏng vấn các đài phản động nước ngoài với nội dung xuyên tạc, nói xấu Nhà nước CHXHCN Việt Nam..."
Đọc bản cáo trạng này, những ai hiểu nguyên lý của dân chủ pháp trị sẽ cảm thấy buồn cười cho sự diễn giải ấu trĩ về pháp lý. Trong chính trị, bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều khía cạnh để nhìn, để hiểu, để bênh vực hay phản đối, cho nên không có một cá nhân nào, một đảng phái nào hay một chính phủ nào dám khẳng định rằng mình hiểu và đúng tuyệt đối về mọi vấn đề. Chúng ta đều là những con người bất toàn đi tìm chân lý tuyệt đối, nhưng không ai có quyền tối thượng để thẩm định đâu là chân lý tuyệt đối, nhất là trong chính trị. Suốt 300 năm qua, trí thức hàng đầu của nhân loại đã ý thức rất rõ về chính trị và tư tưởng như thế nên đã dùng lý trí và lý luận của mình để hình thành các thể chế chính trị, tuy bất toàn, nhưng vẫn là nền tảng cho sự thăng tiến một cách ít đổ vỡ nhất. Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến lộng hành, tha hóa và tham nhũng. Từ căn bản thực tế đó, các chế độ dân chủ phải luôn có ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp để kiểm soát và cân bằng nhau. Tòa án tối cao có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất để diễn giải ý nghĩa của các điều luật từ quốc hội hay chính phủ để khẳng định có hợp pháp, hợp hiến hay không. Nhưng dưới chế độ độc tài cộng sản, vì cả ba ngành đều nằm dưới sự kiểm soát của một đảng, hay tệ hại hơn nữa, của một thiểu số chóp bu trong đảng, nên sự tùy tiện và vi hiến cứ tiếp tục xảy ra và bao trùm mọi mặt xã hội. Xuyên tạc và tuyên truyền, do đó, là vũ khí thường trực của chế độ này để biện hộ và để tồn tại. Thế mà người chuyên sử dụng nó thì quay lại vu khống và chụp mũ người khác thì còn gì buồn cười hơn!
Thêm vào đó, với các "tội" liệt kê ở trên, nếu đem ra phân tích một cách công minh dưới ánh sáng của công lý, thì nó hoàn toàn nằm trong phạm vi của quyền tự do thông tin ngôn luận. Trong một nền dân chủ thật sự, người dân có quyền thu thập, soạn thảo, in ấn, tàng trữ, tán phát mọi tài liệu có nội dung tuyên truyền phản đối các nhà nước (chính phủ) dân chủ mà không ai bị hề hấn gì. Chuyện phê bình những chính sách sai trái của chính quyền là chuyện xảy ra hàng ngày hàng giờ hàng phút; và trên mọi phương tiện: từ báo chí, truyền thanh, truyền hình cho đến Internet; ở mọi tầng lớp hay giai cấp xã hội; và từ mọi nơi chốn như hãng xưởng cho đến khuôn viên đại học. Thực tế thì không có một chính quyền nào hoàn hảo đến độ không có gì "xấu" để phê phán, kể cả khi chính quyền đó thật sự dân chủ và "của dân, do dân, vì dân". Thí dụ sau đây có thể làm cho một số người tại Việt Nam không tin là thật. Đó là trường hợp của David Hicks, một công dân Úc được nhóm khủng bố Al-Qaeda đào tạo tại Afghanistan và bị quân đội Mỹ bắt giữ cuối năm 2001, rồi bị giam giữ 5 năm qua tại Guantanamo Bay. Có những luật sư và tổ chức nhân quyền của Úc đã phê bình thái độ lãnh đạm và thiếu trách nhiệm của chính phủ Howard đối với việc bảo vệ công lý cho David Hicks. Là một tên khủng bố không thể chối cãi, nhưng dù có là một tên khủng bố, các nhà bảo vệ nhân quyền cho rằng David Hicks cần phải được xét xử hẳn hoi dựa trên nền tảng pháp lý của Hoa Kỳ hay quốc tế chứ không thể giam cầm vô thời hạn như thế được. Thủ tướng John Howard của Úc đã phải chịu những phê phán của dư luận về vụ này.
Nói chung, các chính phủ trong thể chế dân chủ thường xuyên bị phía đối lập phê bình trong đủ mọi vấn đề, và giới truyền thông cũng như người dân thường xuyên sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để bênh vực hay chỉ trích các chính sách quốc gia. Người dân trong thể chế dân chủ ý thức rất rõ rằng cấm đoán quyền tự do ngôn luận là hành động triệt tiêu sự thật và giết chết nền dân chủ và quyền tự do. Không ai bị bỏ tù vì sử dụng quyền tự do ngôn luận trong thể chế dân chủ cả. Từ đó cho thấy rằng chỉ có những chế độ thiếu tự tin, hoặc đầy tự ti mặc cảm thì mới sợ người dân phê bình, khiển trách. Những người lãnh đạo có khả năng và bản lãnh thì không thể sợ đối thoại với người dân và tranh luận với phiá đối lập về mọi vấn đề của xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hoá cho đến giáo dục, y tế, môi trường... Còn cuộc đối thoại biểu kiến của Nguyễn Tấn Dũng với người dân vào ngày 9/2/2007 qua sự kiểm duyệt của đảng cũng chỉ có giá trị biểu kiến, nếu có, mà thôi.
Trở lại trường hợp của Đỗ Nam Hải, đọc những lời trần tình của anh về biện pháp mà chế độ dùng gia đình (cha, chị và con gái) của anh để áp lực anh rút khỏi Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, nó chỉ chứng tỏ sự hèn hạ và yếu kém của lãnh đạo và chế độ. Rõ ràng họ chỉ muốn khống chế hoặc cô lập các nhân vật trụ cột của phong trào dân chủ trong nước, qua đó làm giảm thiểu ảnh hưởng của các nhà dân chủ và làm tiêu tan hy vọng đối với những ai quan tâm đến tình hình đấu tranh cho Việt Nam. Cộng sản đã làm cho gia đình anh sợ hãi đến độ phải năn nỉ, van xin anh, vì gia đình và vì sức khoẻ của mẹ anh, để anh chấp nhận các yêu sách của họ.
Đây là một loại hình thức khủng bố đối với anh và gia đình của anh. Những hành động khủng bố và hèn nhát này cần phải bị lên án.
Để rõ hơn, chúng ta cần biết bản chất của khủng bố. Một định nghĩa phổ thông mà giới chính trị tương đối đồng thuận là rằng khủng bố là hành động sử dụng (hoặc đe doạ sử dụng) các biện pháp bạo lực một cách cố ý hoặc có hệ thống để làm cho người khác phải đáp ứng yêu sách đề ra, thí dụ như phải thay đổi các yếu tố về chính trị, tôn giáo hay ý thức hệ. Nó có thể dưới hình thức của một nhóm người hay một mạng lưới liên kết nhiều nhóm người với nhau để tấn công vào một chính quyền hay người dân của một quốc gia nào đó. Ngoài ra, nếu một nhà nước nào đó áp dụng bạo lực để khống chế người dân thì đó cũng là một hình thức khủng bố, loại này đặc biệt phổ biến dưới các thể chế độc tài.
Các hành động khủng bố này thường ở dưới dạng thể xác, tinh thần hay tâm lý. Nó bao gồm các hành động giết chóc, làm thương tật, tra tấn, đe dọa và gây sợ hãi lên người khác. Khủng bố đặc biệt nhắm vào tác động chính là gây sợ hãi. Sợ hãi là một tâm trạng tinh thần không lành mạnh và không ai muốn bởi vì khi sợ hãi, con người không thể suy nghĩ hay hành động một cách sáng suốt, và không còn khả năng kiểm soát hành động của mình một cách bình thường nữa. Khả năng lý luận của họ cũng bị suy giảm trầm trọng khi sợ hãi. Sợ hãi có thể làm cho người ta làm những việc đi ngược lại ý muốn và lương tâm của họ khi ở trạng thái bình thường. Do đó, khủng bố thường đối nghịch với các ý tưởng và giá trị về dân chủ, tự do và xã hội dân sự.
Một quốc gia bị khủng bố từ bên ngoài, thí dụ như Hoa Kỳ bị nhóm Al-Qaeda tấn công, thì ít ra còn được chính phủ của mình bảo vệ (an ninh). Còn nếu chính chính phủ lại đi khủng bố người dân từ bên trong thì ai có thể bảo vệ được nhân quyền khi có sự chà đạp? Hiện nay, chính trị quốc tế chủ yếu dựa trên đơn vị chính phủ quốc gia. Bang giao trên bình diện giữa quốc gia và toàn thế giới (qua cơ chế Liên Hiệp Quốc) cũng lấy tiêu chuẩn chính phủ làm nền tảng, còn vai trò của các tổ chức phi chính phủ hay các công ty đa quốc chỉ là thứ phụ và không mang nặng tính pháp lý (mặc dầu ảnh hưởng của các công ty đa quốc rất đáng kể trên bình diện quốc tế). Cũng vì thế, vấn đề vi phạm nhân quyền tại các thể chế độc tài trên thế giới không được giải quyết thỏa đáng vì nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong bang giao quốc tế. Những chính phủ sẵn sàng nhảy vào can thiệp như Hoa Kỳ, thí dụ đối với trường hợp Iraq, thì dù biện minh cho dân chủ, điều hiển nhiên là Hoa Kỳ luôn luôn hành động vì quyền lợi của mình là trên hết. Nói cách khác, áp lực nhân quyền hiện nay, đặc biệt qua Liên Hiệp Quốc, chỉ mang tính cách tượng trưng. Trung Quốc, Việt Nam hay các thể chế độc tài hiểu rất rõ sự hạn chế của áp lực quốc tế. Tuy thế, nếu Hoa Kỳ hay Liên Hiệp Âu Châu (European Union), hai thực thể lớn mạnh hàng đầu của thế giới hiện nay, nếu muốn hay cần áp lực, thì các chế độ đàn áp nhân quyền cũng phải "nhượng bộ" một chút. Vừa qua, Ngoại Trưởng Condoleezza Rice trực tiếp nêu trường hợp ký giả Nguyễn Vũ Bình với Phó Thủ Tướng CSVN Phạm Gia Khiêm trong buổi gặp gỡ vào giữa tháng Ba, nên xác xuất Nguyễn Vũ Bình sẽ được thả tự do trong nay mai là rất cao. Do đó, chúng ta không thể trông đợi gì ở quốc tế trong việc giải quyết vi phạm nhân quyền hay nạn độc tài tại Việt Nam. Những ai quan tâm đến Việt Nam phải hiểu rõ và phải biết cần làm gì để đem lại thay đổi rốt ráo hơn.
Cho dầu Nguyễn Vũ Bình được tự do trong nay mai, nếu anh vẫn kiên trì con đường đấu tranh như cha Lý chẳng hạn thì nguy cơ anh vào ngục tù tiếp cũng rất cao (cho đến khi nào công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ được thành công). Nói cách khác, dưới chế độ độc tài hiện nay, bất cứ người dân nào trong xã hội này đều có thể bị giam cầm vào bất cứ lúc nào. Cụ thể hơn, nếu cho rằng đảng viên ĐCSVN, quân đội, công an... tổng cộng khoảng 3 triệu người, thì 80 triệu người Việt Nam hiện nay đang là nạn nhân của chế độ, và dễ dàng trở thành mục tiêu trù dập của chế độ nếu tự dưng nổi hứng đi "nói xấu" nhà nước CHXHCNVN. Tuy nhiên, chỉ cần một tỷ lệ nhỏ của 80 triệu người này chung vai sát cánh nhau thì cán cân quyền lực sẽ quay về phía người dân và lực lượng dân chủ.
Tại sao người dân Việt Nam phải chấp nhận một chế độ như thế trong khi họ có thể cùng nhau xây dựng một xã hội tốt hơn? Cho đến bao giờ người Việt sẽ đứng dậy nói "Quá đủ rồi, không thể chấp nhận thứ rác rưởi này nữa!"
Sống trong một xã hội hoàn toàn mất tự do (nếu có chỉ là thứ xin - cho) và mất cả cơ hội và khả năng để làm một người lương thiện, chúng ta không có hy vọng gì để duy trì tinh thần hào hùng bất khuất của tổ tiên dưới sự kềm kẹp của chế độ này. Chúng ta cũng không có hy vọng gì để công lý và công bình được tôn trọng hay bảo vệ. Nó xuống cấp đến độ, chính Hòa Thượng Thích Quảng Độ phải than thở trong cuộc phỏng vấn bởi đài Á Châu Tự Do rằng lần đầu tiên ngài phải xuống nước để van xin những cán bộ cộng sản tử tế một chút để ngài tiếp xúc với phái đoàn Na Uy trong nửa tiếng đồng hồ, nhưng đã bị từ chối ngay. Hòa Thượng nói: "Một người ngoại quốc đến, mà người ta cũng không tha, và cư xử một cách rất tệ bạc, rất là... rất là độc ác. Như vậy thì đối với người Việt Nam họ còn coi ra gì?! Đó là cái tôi buồn và tôi tủi, xấu hổ cho cái văn hóa, cái phong tục, tập quán, cái đạo đức, tư tưởng, truyền thống của Việt Nam. Nó không còn một cái gì nữa!"
Rõ ràng, Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị xúc động mạnh nên mới không kìm được cảm xúc để thốt ra sự thất vọng như thế. Thật vậy, "không còn cái gì nữa" để nói về chế độ này. Chế độ gì mà người làm luật (quốc hội) thì chủ yếu vẫn là "đảng cử, dân bầu" để giữ ghế giữ quyền cho họ cho đảng. Bảo vệ quyền lợi của người dân được xem là thứ phụ, hình như không nằm trong bổn phận của họ. Còn người thi hành luật (chính quyền) thì tuỳ tiện áp dụng luật khi nào mình thích, và diễn giải theo cách mình muốn. Còn người bảo vệ luật (luật sư) thì lại bị bắt bớ bỏ tù vì thi hành đúng luật. Tòa án thì luôn có sẵn bản án khắt khe dành cho những nhà bất đồng chính kiến.
Ai muốn sống trong một xã hội như thế, dưới một chế độ như thế?
Câu trả lời, hiển nhiên, là những người đang được đặc quyền đặc lợi từ chế độ này, đang trục lợi từ guồng máy chính quyền này, đang ra sức vơ vét tài sản quốc gia vào túi riêng của họ và của đảng. Cho nên, nếu có được cơ hội để so sánh và để thấu hiểu một xã hội văn minh, dân chủ và quyền con người được tôn trọng thì có lẽ không một người dân nào phải chọn cái thiệt là quái gở như hiện nay.
Nhưng muốn thay đổi thì tất cả mọi người dân đều phải góp phần thay đổi. Không cho thế hệ của mình thì cho thế hệ con em mình. Không phải vì kinh tế hay chính trị thì nên vì lương tâm, đạo đức, văn hoá, nhân phẩm, nhân cách... Chúng ta có hàng triệu lý do chính đáng để gỡ bỏ sự cùm kẹp hiện nay. Một chế độ quá bất nhân. Thời cải cách ruộng đất thì dùng con tố cha, vợ tố chồng; nay thì dùng cha mẹ, anh chị và con cái để áp lực lên các nhà dân chủ. Họ không từ nan thủ đoạn nào để đạt cho được mục tiêu.
Tôi tin rằng giới trí thức Việt Nam, cộng sản hay không cộng sản, đều hiểu rõ bản chất của chế độ vì trí thức biết dùng cái lý và cái trí để thẩm thấu vấn đề. Các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam lại rành và kinh nghiệm với họ hơn ai hết. Các thương gia Việt Nam không thuộc chế độ cũng hiểu rõ trò chơi mình đang nắm cái lưỡi chứ không phải cái cán, và biết làm thế nào duy trì quyền lợi kinh doanh của mình để không ảnh hưởng đến quyền lợi của đảng viên cộng sản khác. Những công nhân Việt Nam cũng thừa biết Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là do ai điều khiển và có bảo vệ được quyền lợi gì của người lao động Việt Nam không. Nhiều sinh viên học sinh chắc cũng hiểu rằng những gì họ đang học về lịch sử, về chính trị là một sự nhồi nhét và bóp méo, và họ cũng chán ngán tới tận cổ về với nền giáo dục đầy tính giáo điều và nhồi sọ. Và trên hết, có lẽ đại đa số dân tộc Việt Nam đều nhận thức rõ rằng chế độ đã đi theo con đường tư bản rồi, một thứ tư bản hoang dã chứ chưa phải tốt đẹp gì để tự hào, nhưng cộng sản vẫn cố chấp và nguỵ biện về quá khứ và về con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Trên đường đi của họ, và ở mỗi khúc quanh của bối cảnh chính trị để phải chuyển hướng, họ đã chà đạp lên hàng triệu người một cách nhẫn tâm.
Đã quá đủ chứng minh lịch sử để thấy rằng không thể chờ đợi sự tử tế hay điều tốt lành từ chế độ này. Vật chất tuy phát triển trong hai thập niên qua, nhưng trong một thể chế dân chủ thật sự, sự phát triển chắc chắn gấp nhiều lần và trong chiều hướng bền vững cũng như lành mạnh môi trường sống. Tự do và nhân quyền cũng được tôn trọng hơn trong thể chế dân chủ vì căn bản nhất, người dân có sự chọn lựa đảng nào và nhân sự nào thích hợp (bản lãnh, khả năng và đạo đức) để lãnh đạo đất nước. Các tôn giáo được tự do hoạt động và nằm ngoài ảnh hưởng của chính phủ. Các giới trí thức, sinh viên, chuyên gia được quyền bàn về các hướng phát triển đất nước hay các ngành chuyên môn, có quyền chọn lựa những môn mà mình thích học, và có thể thảo luận về mọi tư tưởng chính trị hay triết học trên thế giới chứ không riêng gì chủ nghĩa Mác-Lê như hiện nay. Người lao động được quyền thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình và luôn có luật pháp công minh để kiện tụng nếu có tranh chấp xảy ra...
Trong một thể chế dân chủ, mọi chính kiến đều được tôn trọng nên phổ quang chính trị phản ảnh tương đối đầy đủ mọi khuynh hướng, tư tưởng của xã hội. Tuy nhiên, trong một thể chế độc tài, vì nhất định đi theo một khuynh hướng nào đó nên khoảng trống chính trị luôn hiện hữu để các thành phần đối lập tranh thủ quần chúng cho các giá trị tự do, dân chủ và nhân bản. Xã hội nào càng tự do, nhân bản thì càng mang tính đa nguyên, dân chủ. Tuy một xã hội dân sự hay một nền chính trị dân chủ như nói trên chưa hẳn đã là một xã hội hoàn chỉnh, nhưng ít nhất, nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc để mọi người trong xã hội cùng nhau thăng tiến và cải thiện cho tốt đẹp hơn.
Nói tóm lại, tại sao phải chấp nhận một chọn lựa tồi tệ trong khi dân tộc Việt Nam có thể chọn một giải pháp tốt hơn rất nhiều, lại do chính mình làm ra? Thể chế đó tuy chưa hiện hữu hôm nay nhưng chúng ta có thể xây dựng, như người dân của các quốc gia khác đã từng xây dựng, từ hơn 200 năm nay.
Phạm Phú Đức
Melbourne 23/3/2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire