1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 26 avril 2007

Đức cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng về việc dấn thân vào chính trị

Đức cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng về việc dấn thân vào chính trị

Đức cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng về việc dấn thân vào chính trị ra sao?
(VietCatholicNews 24/04/2007)


Phỏng Vấn Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về hiện tình Giáo Hội


ĐC Hòa: "... Chúng ta phải có đời sống thế nào quy tụ mọi cố gắng của mọi người trong một đời sống hiệp nhất. Nếu không có hiệp nhất, nếu người này chống đối người kia, người ở ngoài chống đối người ở trong v.v... thì tất cả những thế lực chống đối giáo hội, người ta mừng lắm. Người ta chỉ mong có bấy nhiêu thôi. Vô tình mình tiếp tay cho những người như vậy".


Đức Cha Nguyễn văn Hòa và LM Trần Công Nghị
LOS ANGELES -- Vào trưa ngày Chúa Nhật hôm qua 22.4.2007, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dành cho VietCatholic một cuộc phỏng vấn để Ngài có dịp trả lời những câu hỏi liên quan tới: Mục đích chuyến đi thăm viếng Hoa Kỳ lần này của Ngài, về hiện tình giáo phận Nha Trang, đường lối của Hội Đồng GMVN trước những vấn đề như tự do tôn giáo, đất đai, cơ sở, và việc đào tạo chủng sinh, nhân sự cho Giáo Hội, những dự án tương lai..., đặc biệt những vấn đề nóng bỏng như vụ LM Nguyễn văn Lý bị xử và bị tù, cảm nghĩ của Đức Cha chủ tịch trước vấn đề tham gia chính trị, v.v... (Nội dung cuộc phỏng vấn này đã được truyền đi trong chương trình phát thanh ngày 23 tháng 4 năm 2007, do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và VietCatholic thực hiện). Xin mời qúi vị nghe bài phỏng vấn nêu trên do LM Trần Công Nghị thực hiện sau đây:

Cha Nghị: Kính thưa Đức Cha chủ tịch, con rất hân hạnh ngày hôm nay được có dịp cho chúng con tiếp kiến với Đức Cha, nhân đây chúng con xin kính chào Đức Cha. Vậy trước hết xin Đức Cha cho chúng con biết mục đích của chuyến viếng thăm lần này là gì, thưa Đức Cha?

ĐC Hòa: Thưa cha, tôi được tổ chức Lòng Thương Xót Chúa mời tôi sang nhân dịp lễ Chúa Nhật Phục Sinh thứ 2. Lễ được tổ chức ở dòng Saint Patrick. Tôi đến để chủ sự thánh lễ và chia sẻ những điều, những tâm tình của chúng tôi đáp lại Lòng Thương Xót của Chúa. Tôi thấy đây là dịp rất tốt, cho nên tôi đã nhận lời và đã sang Hoa Kỳ lần này.

Cha Nghị: Cám ơn Đức Cha. Nhân dịp này Đức Cha có thể cho chúng con con biết qua về hiện tình của giáo phận Nha trang nơi Đức Cha đang làm việc có những gì tiến triển mới không thưa Đức Cha?

ĐC Hòa: Thưa cha, năm nay Giáo phận Nha trang mừng 55 thành lập Giáo phận cho nên cũng có những tổ chức đặc biệt, tỉ dụ như chúng tôi tổ chức triển lãm, bây giờ vẫn còn đang tiếp diễn và sẽ kéo dài cho đến tháng 7, là ngày chính thức tổ chức đỉnh cao Năm Thánh, mừng Kim khánh Giáo phận. Song song với công việc đó, sẽ hình thành cuốn kỷ yếu, rồi có các cuộc hành hương viếng nhà thờ chính tòa, để có dịp biết được đời sống chung của Giáo phận. Cùng với công việc về vật chất đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho biến cố 55 năm Giáo phận này, tôi đã gởi người đi học các nơi để có đủ nhân sự cho đại chủng viện cũng như các nhu cầu mục vụ khác trong Giáo phận. Có thể nói cho tới nay, theo tỉ lệ thì có lẽ là Giáo phận Nha Trang đã chuẩn bị nhiều nhất về phương diện nhân sự cho Giáo phận.

Cha Nghị: Thưa Đức Cha, Đức Cha có thể cho biết hiện nay có bao nhiêu linh mục hoặc nữ tu của Giáo phận đã du học và có trở ngại gì cho những tu sĩ này được đi ngoại quốc để du học không?

ĐC Hòa: Tôi gởi như vậy số linh mục cũng nhiều lắm. Hiện nay chúng tôi đã có một số linh mục học ở Paris, học ở Rôma, học ở Hoa kỳ, ở Philiphine. Một số linh mục đã về, một số còn đang tiếp tục học. Cùng với việc gởi linh mục du học, chúng tôi cũng gởi tu sĩ nam nữ đi nhiều nơi. Số chủng sinh cũng gởi đi, tất nhiên khi gởi đi chúng tôi gởi đi với tư cách sinh viên. Bây giờ những người đó tiếp tục, có người thì đã lãnh chức linh mục và ở lại làm việc hay được sai đi truyền giáo ở nuớc này, nước khác. Hiện nay có gởi đi Nhật, Hàn quốc, Pháp, Hoa kỳ. Về số tu sĩ, Giáo phận Nha trang có gởi đi Na Uy, có gởi sang Pháp, Hàn quốc và Nhật.

Cha Nghị: Riêng nói về linh mục, Giáo phận Đức Cha có bao nhiêu linh mục và bao nhiêu linh mục đã được gởi đi để du học?

ĐC Hòa: Hiên nay, Giáo phận có khoảng 190 linh mục cho Giáo phận Nha trang. Số gởi đi du học có lẽ trên 20, và một số đã về làm việc.

Cha Nghị: Thưa Đức Cha, bây giờ con muốn sang một viễn tượng khác có vẻ rộng lớn hơn. Thưa Đức Cha đã làm chủ tịch của Hội Đồng Giám mục Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ thì phải. Trong những năm gần đây Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tiếp cận và trao đổi nhiều với các Hội Đồng Giám Mục thế giới, đặc biệt là Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Các Đức Cha đã thường xuyên đi tham dự các đại hội tại Á Châu, vậy xin Đức Cha cho biết đây có phải là bước tiến mới hay không? và các Đức Cha có gặp trở ngại gì khi đi tham dự các đại hội này không?

ĐC Hòa: Vào những năm đầu khi chúng tôi đi tham dự các cuộc họp của Giáo hội tại Á châu thì chúng tôi vẫn được đi và khi đó chỉ đi với tính cách cá nhân. Vài năm gần đây, chúng tôi đi với tính cách là thành viên của liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Hai tư cách đó có khác nhau. Khi khác nhau như vậy chúng tôi gặp phải cái điểm chưa thực hiện được, tức là mình phải đảm nhận các công việc người ta sẽ phân phối cho mình. Hiện nay, mình chưa đủ điều kiện để đảm nhận công việc đó. Tỉ dụ như người ta muốn luân phiên đi họp ở nước này, nước kia mà họ cũng muốn tới Việt Nam để họp vì họ nghe biết rằng là sức sống đạo ở Việt Nam rất mạnh mẽ. Thế thì chúng tôi thấy ngay một cản trở vì chúng tôi chưa có cơ sở nào đủ phương tiện để đón tiếp một cuộc họp tầm cỡ là Á châu như vậy. Như chúng tôi thấy các cơ sở ở bên Thái lan hay bên Philipine, Hàn quốc. Chúng tôi thấy họ có phương tiện để dùng cho cuộc họp tầm cỡ quốc tế như vậy. Việt Nam chúng tôi chưa có được.

Cha Nghị: Mới đây con cũng có dịp sang tham dự cuộc họp ở bên Á Châu, trong đó có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn thì ngài cũng đã nói lên cái tư tưởng là bây giờ Việt Nam rất bối rối vì đã nhiều lần Hội Đồng Giám Mục Á Châu xin được họp ở Việt Nam nhưng chưa có một nơi nào để có thể họp tầm cỡ như Đức Cha vừa mới nói. Con biết rằng tháng 10 vừa qua khi họp ở Huế, thì trụ sở ở Huế trong tương lại hy vọng có thể làm trung tâm to lớn để mà tiếp đãi các phái đoàn ngoại quốc đến tham dự cuộc họp. Và gần đây Đức Cha cũng có ý định rằng trong địa phận của Đức Cha, một cách nào đó cũng muốn có một trung tâm. Bởi vì với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì cần có một nơi để tiếp đãi phái đoàn ngoại quốc, vậy tiến trình đó đi như thế nào và bây giờ có những dự án nào cụ thể chưa, thưa Đức Cha?

ĐC Hòa: Tại Huế thì tôi được biết rằng là từ trước đến nay Hội Đồng Giám Mục có tổ chức những cuộc họp về văn hóa tại Huế. Trước đây không có đủ cơ sở, họ cũng tìm đủ mọi cách có một cơ sở để dung nạp số người cần thiết để họp cấp tầm cỡ quốc gia. Hiện nay cở sở đó đã xong. Đây cũng là một cố gắng đặc biệt. Tất nhiên là cơ sở có thể dùng ở tầm cỡ quốc gia thì cũng có thể dùng cho tầm cỡ của Á châu, với cái nghĩa là họp từng ban một của Á châu, chứ không phải là họp toàn thể. Cũng theo cái mẫu đó, tòa Giám mục Nha trang chúng tôi nhiều năm rồi, ban phụng tự của Hội Đồng Giám Mục tới Nha trang họp hằng năm, và ban Giáo lý đức tin cũng đã họp mấy lần. Tôi thấy cái nhu cầu họ muốn tới Nha trang là vì trung tâm có điều kiện tốt về khí hậu cho sức khỏe, nhất là trong mùa hè nóng bức, là mùa thuận tiện cho các cuộc họp của Giáo hội. Vì lý do có nhu cầu trong giáo phận và vì có nhu cầu nữa trong Hội Đồng Giám Mục, đôi khi có những cái ban của Hội Đồng Giám Mục Á châu cũng muốn tới cho nên chúng tôi cũng muốn xây một cơ sở cho xứng đáng có những phương tiện cần thiết cho các cuộc họp. Các nước Á châu rất là mong biết Việt Nam, họ muốn tới và mình lúng túng không biết làm cách nào. Chúng tôi ở trong tình trạng như vậy.

Cha Nghị: Vâng, chúng con mong mỏi như vậy và hy vọng rằng tất cả anh em Công Giáo các linh mục và toàn thể các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam hải ngoại vì đại cuộc của Giáo hội Việt Nam, chúng con nguyện sẽ cố gắng hết sức, để giúp các Đức Cha Việt Nam, đặt biệc Đức Cha chủ tịch có thế sớm hoàn thành được nhu cầu rất là quan trọng đối với thế giới bên ngoài, để có một trung tâm có khả năng dung nạp các cuộc họp quốc tế như vậy. Bây giờ con xin phép Đức Cha để sang một vấn đề khác. Đã từ nhiều năm nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mỗi một năm có những cuộc họp định kỳ vào tháng 10 như vậy và cũng đưa ra một số bàn thảo rất là quan trọng, thế thì Đức Cha có thể chia sẻ với chúng con hiện nay đối với Hàng Giám Mục Việt Nam thì đâu là những quan tâm hàng đầu ở Việt Nam?

ĐC Hòa: Thưa cha, vấn đề chúng tôi quan tâm ở Việt Nam là nhân sự cho Giáo hội. Thế thì phải đào tạo chủng sinh như thế nào, để mở các chủng viện ra sao và cũng quan tâm tới bồi dưỡng cho các tu sĩ, bồi dưỡng cho giáo dân, cho giới trẻ, cho hội đoàn có thể hoạt động. Riêng Giáo phận Nha trang, việc quan tâm tới đào tạo này tôi đã tổ chức sớm. Hằng năm vào tháng 7, tôi có những khóa cho giáo dân, khóa hội đồng giáo xứ, khóa cho giáo lý viên, khóa cho ca đoàn, rôì cũng có khóa cho các tu sĩ. Chúng tôi mở các đại hội giới trẻ. Chúng tôi vẫn làm được những sinh hoạt như vậy cỡ khá lớn. Đó là đối với vấn đề bên trong, còn đối với nhà nước thì hằng năm chúng tôi vẫn có cuộc gặp gỡ hoặc có những đề nghị với nhà nước về các vấn đề tự do tôn giáo, văn hóa, đạo đức, luân lý, giáo dục giới trẻ, vấn đề công bằng sự thật. Có khi chúng tôi là đơn vị duy nhất dám nói lên điều đó với nhà nước và chúng tôi vẫn còn tiếp tục nói những điều như vậy.

Cha Nghị: Kính thưa Đức Cha, Đức Cha vừa nhắc đến vấn đề tự do tôn giáo, công bằng xã hội và Giáo hội Việt Nam có thể nói là một Giáo hội đã có những đòi hỏi cụ thể với chính quyền Việt Nam. Vậy xin Đức Cha có thể chứng dẫn một vài việc cụ thể để chúng con biết rõ như thế nào được không, thưa Đức Cha?

ĐC Hòa: Cụ thể về vần đề đất đai, thì có những đơn để dòi tòa khâm sứ tại Hà nội, đơn để dòi đất tại Lavang và trong tương lai chúng tôi còn thêm những đơn khác trên bình diện tất cả các Giáo phận. Riêng ở Nha trang, thì có hai việc đòi đất, đất nhà thờ chính tòa và đất dòng Giuse. Đất nhà thờ chính tòa tôi là người làm đơn chính và hiện nay nhà nước đã trả lại đất đó. Còn đất dòng thánh Giuse thì tôi giao cho linh mục Lưu Minh Hoàng để nhân danh tòa Giám mục đứng lên đòi lại đất đó. Về vấn đề tự do tôn giáo, chúng tôi có nêu thẳng với chủ tịch nước về tự do tại Hưng Hóa, tự do tại Kontum thì tôi thấy cũng có một số biến chuyển. Chuyện nó được ngay thì chưa được ngay, nhưng tôi thấy có biến chuyển.

Cha Nghị: Thưa Đức Cha, có một vấn đề tế nhị hơn, mà trong ngày tháng vừa qua chắc Đức Cha đã nghe về tin cha Lý bị kết án 8 năm tù mới đây, và rất nhiều người Việt ở hải ngoại đã xôn xao về tình trạng này. Nhiều người đã tố cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn bảo vệ thế đứng riêng tư của mình, lợi ích về vật chất cho nên đã không có phản ứng, vậy Đức Cha suy nghĩ như thế nào về trường hợp của cha Nguyễn Văn Lý?

ĐC Hòa: Thưa cha, việc cha Lý hay bất cứ ai bị ra tòa và bị đi tù thì đó là trường hợp thương tâm. Riêng hình ảnh bịt miệng thì tự nó nói lên rất nhiều điều.

Cha Nghị: Câu hỏi này con xin lỗi Đức Cha trước vì nó hơi tế nhị, một số người ở bên này cũng như tổ chức này tổ chức kia, hay thành phần này, thành phần kia đang là có những cao trào nói rằng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hèn nhát không dám nói lên tiếng nói lương tâm của mình hoặc bị cái lợi thế trần gian, hoặc là muốn xây dựng nhà cửa hoặc chuyện nọ chuyện kia mà không dám lên tiếng để bênh vực cho những người không có tiếng nói. Đấy là những dư luận, một số báo chí hay cá nhân ở hải ngoại đã nêu ra tiếng nói như vậy, thưa thế có đúng không ạ?

ĐC Hòa: Tôi xin nói trường hợp cụ thể của tôi. Nhiều người đã biết rằng tòa thánh chỉ định tôi về Hà nội nhưng cuối cùng điều đó không được chấp nhận. Sự kiện ấy cũng nói lên là lập trường của tôi như thế nào. Tôi đã phải tranh đấu làm sao, kiên trì trong lập trường đó như thế nào.

Cha Nghị: Vậy, thưa Đức Cha nghĩ gì về vấn đề linh mục làm chính trị hay Giáo hội dấn thân vào vấn đề chính trị, thì sự suy nghĩ của Đức Cha như thế nào? Đức Cha có thể chia sẻ với chúng con được không?

ĐC Hòa: Theo chúng tôi, ai cũng có quyền phát biểu về công bằng, về sự thật, về các quyền lợi xã hội, nhưng (các linh mục) tham gia vào chính trị đảng phái đó thì sẽ gây chia rẽ. Lý do là thế này vì đó chỉ một phần thôi, đảng tức là một phần thôi, theo phần này bỏ phần kia và mỗi một phần đó lại thay tuỳ theo cái nhu cầu tuỳ theo trường hợp, mà chân lý của Chúa thì không có thể xoay như cái chong chóng như vậy được đâu. Chúa muốn sai linh mục tới làm việc cho mọi người, chứ không phải cho nhóm này chống lại nhóm kia. Thành ra, nếu linh mục làm chính trị thì thay vì gây sự đoàn kết, thì gây thêm sự chia rẽ. Tôi cũng được biết thêm nữa là linh mục Nguyễn Văn Lý, sau khi ra tù lần thứ hai, thì cha Lý được Đức tổng Giám mục Huế đưa tới xứ An truyền giới thiệu với cộng đồng dân Chúa ở đó, và trong khi đáp từ thì cha Lý đã xin lỗi và cũng nói lên ý rằng sẽ vâng lời Đức Tổng trong mọi sự ngoại trừ công việc chính trị thì cha Lý xin phép là không vâng lời Đức Tổng. Đây là điều không những tôi mà nói chung là các Giám mục không thể hiểu được. Như cha, cha cũng biết đó, cha sống ở bên Hoa kỳ này nếu một linh mục không vâng lời Giám mục thì cha thấy cái gì sẽ xảy ra.

Cha Nghị: Con xin cám ơn Đức Cha rất nhiều đã chia sẻ với chúng con cách rất thành tâm về những vấn đề Giáo hội đang phải đối diện. Vậy trước khi kết thúc buổi phỏng vấn này, Đức Cha còn điều gì nhắn nhủ chia sẻ với chúng con ở hải ngoại không, thưa Đức Cha?

ĐC Hòa: Thưa cha, tôi thấy nhiều người có thiện chí là muốn cho Giáo hội thăng tiến mọi mặt nhưng mà có điểm mà chúng ta cần ngồi lại với nhau trao đổi, lắng nghe thì tôi thấy nó mới có kết quả tốt được. Bởi vì trong việc gì thì việc, phải tìm hiểu sự thật đến nơi đến chốn, nhất là những người lo việc truyền thông là phải cân nhắc điều mình viết ra, nói ra. Một điều sai thì dẫn tới nhiều tai hại lắm. Tôi thấy những người nào nghiên cứu mà biết được điều thật đi chăng nữa thì khi phát biểu điều thật mà mình đã biết chắc rồi cũng phải phát biểu trong tình bác ái nó mới có kết quả. Còn nói trong sự giận tức thì nói chỉ gây tai hại thêm thôi. Mặt khác chúng ta phải có đời sống thế nào quy tụ mọi cố gắng của mọi người trong một đời sống hiệp nhất. Nếu không có hiệp nhất, nếu người này chống đối người kia, người ở ngoài chống đối người ở trong v.v... thì tất cả những thế lực chống đối giáo hội, người ta mừng lắm. Người ta chỉ mong có bấy nhiêu thôi. Vô tình mình tiếp tay cho những người như vậy.

Cha Nghị: Chúng con cám ơn Đức Cha rất nhiều. Chúng con cầu chúc cho Đức Cha thành công và nhất là cho Giáo hội Việt Nam ngày càng được phát triển, nhất là với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần sẽ luôn tiến bước trên những bước đường mà Chúa mong muốn cho Giáo hội Việt Nam.


+Đức GM Nguyễn văn Hòa

Vài Suy nghĩ về bài: Người trong cuộc biết chuyện Cha Lý
http://www.luongtamconggiao.com/pages/tp.asp?topicID=2937&categoryID=2&subcateID=7

Aucun commentaire: