1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mercredi 4 avril 2007

QUỐC HỘI LÀ GÌ?

QUỐC HỘI LÀ GÌ?


NGUYỄN HỌC TẬP


Ai trong chúng ta cũng nghe nói đến quyền lực Quốc Gia được phân chia ra thành các quyền Lập Pháp (Quốc Hội), Hành Pháp (Chính Phủ) và Tư Pháp (Tòa Án).

Trong một Quốc Gia dân chủ, Quốc Hội Lập Hiến (hay Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp) được đề cử để đề thảo ra Hiến Pháp và Quốc Hội Lập Pháp, được dân chúng tuyển chọn ra để soạn thảo luật pháp.

Quốc Hội là cơ quan Lập Pháp của quốc Gia, có nhiệm vụ soạn thảo luật pháp.

Nhưng đó có phải là nhiệm vụ chính yếu của Quốc Hội không? Từ ngữ "Lập Pháp“, được gán cho là nhiệm vụ của Quốc Hội phải được hiểu theo ý nghĩa nào cho đúng đắn.

Những dòng dưới đây được viết ra để chúng ta trả lời câu hỏi trên, đồng thời giúp chúng ta hiểu biết về nguồn gốc lịch sữ Quốc Hội của các Quốc Gia tân tiến trên thế giới, xác định rõ vai trò chính của Quốc Hội, cũng như những hệ tại của vai trò đó trong cuộc sống Quốc Gia.


I - Quốc Hội ở Thế Kỷ XII - XIV.

Quốc Hội trong thời quân chủ không được thiết lập và có vai trò của Quốc Hội trong các Quốc Gia dân chủ Tây Âu hiện tại.

Quốc Hội của Vương Quốc Sicilia ở thế kỷ XII chẳng hạn là Hội Đồng Tư Vấn của Vua, thành viên được Vua chỉ định, có nhiệm vụ bàn thảo góp ý với Vua trong việc cai trị đất nước. Nhưng mọi quyết định đều do Vua định đoạt lấy. Cơ chế của Quốc Hội Vương quốc Sicilia bắt nguồn từ thời Đế quốc Roma.

Quốc Hội của các tổ chức Xã Ấp ( Comuni) thời Trung Cổ cũng có thể chế tương tợ như Quốc Hội của Vương Quốc Sicilia, là những Hội Đồng Tư Vấn của thành phố, thôn ấp như thời Thị Xã ( Polis) của Hy Lạp.

Các tổ chức vừa kể chỉ họp khi được Vua hay giới cầm quyền Xã Ấp triệu tập để bàn thảo các vấn đề được trình bày, rồi giải tán sau đó.

Ở Tây Ban Nha thời kỳ nầy có „ Cortes“ và ở Pháp có „États Généraux de Paris “, là những Hội Đồng Tư Vấn và Cơ quan Tư Pháp của Vua. Quốc Hội của thành phố Paris chỉ có nhiệm vụ ghi vào hồ sơ ( enregistrer) các ấn chỉ của Vua.

Mặc dầu các Quốc Hội „ Tư Vấn và Tư Pháp “ trên được Vua hay dân chúng triệu tập, chỉ định một cách nào đó để giải quyết những vấn đề cần thiết, nhưng những tổ chức manh nha rời rạc trên không có cách gì đâm chồi nẩy mậm thành Quốc Hội theo ý muốn mà chúng ta hiểu hiện nay, bởi lẽ ở các Quốc Gia trong thời Trung Cổ, thể chế quân chủ tập quyền các lãnh chúa là tối thượng , bóp nghẹt hết mầm mống dân chủ manh nha trong các „ Tiền Quốc Hội „ ( Préparlementaire) trên.


II - Nguồn Gốc Quốc Hội.



Quốc Hội Anh quốc thế kỷ XVI.

Một tổ chức muốn trở thành cơ cấu Quốc Hội theo ý nghĩa của chúng ta, nhứt phải thỏa mãn 3 điều kiện sau đây:

a) phải là một tổ chức có tính cách dân cử,

b)Tư cách đại diện phải có tính cách phổ quát. Nói cách khác, cơ cấu đại diện phải là đại diện cho đa số dân chúng trong cộng đồng Quốc Gia, để tiếng nói của mình là tiếng nói của đại chúng.

c)Tư thế của tổ chức đại diện hay Quốc Hội phải đặt Quốc Hội có khả năng thảo luận, mặc cả với Hành Pháp ( Vua , trong trường hợp Anh quốc).

Điều đó có nghĩa là Hành Pháp ( Vua) nếu muốn được Quốc Hội chấp thuận, Hành Pháp ( Vua) phải nhượng bộ một phần quyền bính nào đó. Nói cách khác, Quốc Hội có khả năng đối thoại với Hành Pháp ( Vua), là phía bên kia đối với Hành Pháp ( Vua), là chiếc cầu gạch nối giữa Hành Pháp và dân chúng.

Ba điều kiện vừa kể đã được thể hiện tại Quốc Hội Anh vào thế kỷ 15. Trong lúc Cách Mạng đang diển tiến cũng như sau đó, vào thế kỷ 16, Quốc Hội Anh luôn luôn xác định mình là xướng ngôn viên chính thức của Quốc Gia đối với Vua.

Đọc lại những văn kiện đòi hỏi quyền hành của dân chúng Anh trong thế kỷ 17 và 18, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Văn kiện Statute Book là khế ước Magna Carta của năm 1225 được thay đổi ( C. Fraith Thompson, Magna Carta, Ist Role in the Making consstitution 1300-1629, Minesota University Press, 1948).

Văn kiện Habeas Corpus Act 1679, văn kiện Bill of Rights 1689, văn kiện Act of Settlement 1701 là những tài liệu nói lên ý thức của dân Anh về quyền hạn của mình đối với Vua.

Viên đá nền tảng của cả tòa nhà ý thức Quốc Hội được dân chúng Anh tuyên bố ở thế kỷ 17 như sau:


“ Nhà Vua ở trong Quốc Hội ” ( The King in Parliament).


Quyền hành pháp vẫn nằm trong tay Vua, nhưng thuế má phải được Quốc Hội tán đồng. Luật pháp chỉ có thể ban hành ( enacted), với điều kiện là Nhà Vua ở trong Quốc Hội, tức là được Quốc Hội , gồm có Vua, các quân tước ( Lords) và đại diện làng mạc xã ấp chấp thuận. Sau đây là nguyên văn của điều kiện tiên quyết đó để cho luật lệ được ban hành có giá trị:

“ By the advice and consent of the King, the Lords and the Commons in this Present Parliamentassembled and by the autority of the same ” ( luật muốn được ban hành và có giá trị phải được sự đóng góp ý kiến và đồng thuận của Vua, các vị quân tước và đại diện xã ấp trong Quốc Hội nầy đang nhóm họp và được chính Quốc Hội cho phép) ( cit. by C.H. Mcllwain, Constitutionalism and the Changing World, Cambridge, Cambridge University Press 1939,227).


Điều đó nói lên nhiệm vụ của Quốc Hội Anh không phải chỉ có trách nhiệm kiểm soát luật pháp đối với Vua, để Vua không được ra luật tùy tiện, mà còn có quyền góp ý kiến vào đường lối chính trị của Vua, tức là bàn luận, góp ý sửa đổi luật pháp trước khi được ban hành.

Qua lịch sử Quốc Hội Anh vừa kể, chúng ta thấy rằng Quốc Hội


1 không chỉ thừa nhận nhiệm vụ đại diện cho dân chúng để chuyển đạt lên Vua nguyện vọng của dân,

2 mà còn kiểm soát không cho Vua tự do thao túng ra luật lệ tùy tiện,

3 cũng như có quyền tham gia vào việc biến cải đường lối chính trị Quốc Gia qua việc điều hành chính luật pháp cho thích hợp.


Quốc Hội Anh có tư cách trổi vượt khá xa đối với các Tiền Quốc Hội thời Trung Cỗ và cả đối với Quốc Hội Pháp cùng thời đó.

Không kể đến các Tiền Quốc Hội thời Trung Cỗ, là những cơ quan Tư Vấn và Tư Pháp của Vua, Quốc Hội Pháp chỉ được ( hay chỉ có) nhiệm vụ ghi vào hồ sơ án chỉ của Vua để rồi ban hành sau đó. Có lẽ Quốc Hội Pháp lúc đó cũng chỉ có tính cách Tư Vấn đối với Vua, tức là bàn góp ý kiến vói Vua trước khi ghi vào hồ sơ các ấn chỉ. Vua có toàn quyền định đoạt tất cả mọi vấn đề.

Nói cách khác, Quốc Hội Pháp lúc bấy giờ chỉ là tổ chức ngoại vi ( corps externe) đối với mọi quyết định của Quốc Gia.

Trái lại quốc Hội Anh qua văn kiện vừa kể là một cơ chế cấu trúc nội tại (structure interne) đối với các quyết định của xứ sở. Với viên đá nền tảng


“ Nhà Vua ở trong quốc Hội “,


Quốc Hội Anh ( Vua, quân tước và đại diện xã ấp) không những có quyền và bổn phận Tư Vấn ( bàn góp ý kiến với Vua), ghi hồ sơ luật pháp sắp được ban hành, mà còn có quyền “ bàn cãi, sửa đổi và biểu quyết đồng thuận , cho phép ( and by the authority of the same)”, thì luật pháp ban hành mới có giá trị.

Đọc qua nguyên văn với những dòng suy nghĩ vừa qua, chắc chắn chúng ta đã ghi nhận hai điểm nổi bật của quốc Hội Anh lúc bấy giờ:

1 Quốc Hội có quyền kiểm soát hành động của Vua đối với dân, hạn chế kiểm soát Vua không được ra luật thuế má cách nào đó tuỳ tiện .

2 Quốc Hội có quyền, nhiệm vụ bàn cãi cũng như sửa đổi làm cho luật pháp ban hành hợp với đường lối lợi ích cho quốc dân , hay quốc Hội có quyền tham dự vào việc định hướng đường lối chính trị Quốc Gia.

Một yếu tố quan trọng khác, chúng ta cần ghi nhận là mặc dù Quốc Hội Anh lúc bấy giờ đã trở thành một cơ chế cấu trúc nội tại trong việc định hướng và quyết định của guồng máy quyền lực Quốc Gia, Quốc Hội vẫn là một tổ chức tách biệt và độc lập đối với quyền Hành pháp ( Vua vẫn nắm gìữ quyền hành xử quyền bính trong tay).

Yếu tố quan trọng đó có những hệ tại thiết yếu đối với cuộc sống tự do dân chủ của người dân. Trong những dòng kế tiếp chúng ta sẽ có dịp dề cập đến điểm then chốt vừa kể cho cuộc sống Quốc Gia.


III - Cơ Quan Tư Pháp và Quốc Hội.

Qua phần trình bày trên, chắc chắn nhiều người sẽ đưa ra thắc mắc: quốc Hội Anh như vừa kể, hành xử quyền kiểm soát và định hướng chính của mình để bênh vực quyền lợi của dân chúng và mưu cầu lợi ích cho đất nước. Cơ quan Tư Pháp (Tòa Án) cũng dùng luật pháp để bênh vực quyền lợi cho dân. Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa cơ quan Tư Pháp và Quốc Hội?



a ) Như trên chúng đã có dịp trình bày, Hội Đồng Tư Vấn và Cơ quan Tư Pháp , những tổ chức Tiền Quốc Hội thời Trung Cỗ, là những cơ cầu do vua lập ra. Mặc dầu cũng có những tổ chức Tiền Quốc Hội cũng dùng vị thế của mình để bênh vực quyền lợi, sinh mạng và tài sản của dân, nhưng họ không phải là những tổ chức do dân bầu ra, nên họ không có tư cách đại diện cho dân.

Nói cách khác, Hội Đồng Tư Vấn khi đưa ra ý kiến về đường hướng chính trị hay luật pháp nào đó, thì ý kiến của Hội Đồng chỉ là ý kiến cá nhân hay cùng lắm cũng chỉ là ý kiến của một nhóm người đơn phương, họ không nhân danh dân chúng cử tri đã ủy thác nhiệm vụ cho họ để phát biểu ý kiến.

Ngược lại, Quốc Hội là một cơ chế dân cử. Tiếng nói của Quốc Hội là tiếng nói của dân chúng, phát biểu nguyện vọng của dân chúng. Quyết định của Quốc Hội là những quyết định nhân danh và thể hiện ý muốn của dân.


b ) Điểm khác biệt thứ hai là điểm khác biệt giữa Cơ Quan Tư Pháp và Quốc Hội. Cơ Quan Tư Pháp không làm ra luật ( lập pháp).Tư Pháp chỉ dùng luật lệ đã có sẵn, được soạn thảo sẵn hoặc theo luật tự nhiên ( lex naturalis) hoặc theo tập tục truyền thống (traditio) để xét xử.

Vị thẩm phán không làm ra luật ( jus dare), mà chỉ giải thích và áp đụng luật (jus dicere) đã có sẵn theo tinh thần của luật pháp ( secundum legem).

Trái lại, Quốc Hội (cơ quan lập pháp) với tư cách đại diện dân cử của mình ,

- không những để kiểm soát Hành pháp ( Vua, Chính Phủ), để bênh vực quyền lợi,

- mà còn phát biểu thể hiện ước vọng của dân chúng để định hướng đường lối chính trị của xứ sở qua việc ban hành những luật lệ mới.

Dĩ nhiên Quốc Hội , trong lúc thi hành nhiệm vụ lập pháp của mình cũng dựa vào tinh thần luật lệ và tập tục đã có sẵn, nhứt là những nguyên tắc nền tảng của Hiến Pháp.


IV - Quốc Hội và Chính Phủ.

Qua tư tưởng vừa đề cập, chúng ta thấy rằng Quốc Hội Anh ở thế kỷ 17 là một cơ chế độc lập và tách biệt đối với Hành Pháp.

Quốc Hội là chiếc cầu gạch nối giữa Hành Pháp và dân chúng. Vị trí khởi thủy của Quốc Hội Anh lúc bấy giờ là ở phân nửa cầu. Quốc Hội không thuộc về khối dân chúng, mà cũng không phải là thành phần của Hành Pháp ( Hoàng Gia).

Nhưng vị trí ban đầu đó dần dần không còn nằm ở chính giữa cầu nữa, nhất là Quốc Hội của các nước dân chủ ngày nay ( và còn đặc biệt hơn nữa Quốc Hội ở các Quốc Gia Đại Nghị Chế). Càng ngày Quốc Hội càng xích sát gần về phía Hành Pháp, (trong Đại Nghị Chế, thường thì đa số lãnh đạo Hành Pháp cũng là đa số trong Quốc Hội, do đó mà Chính Phủ phải được đa số thành viên Quốc Hội tín nhiệm mới lãnh đạo được việc cai trị đất nước, cf. Anh quốc và Đại Nghị Chế ). Thái độ vừa kể không có gì là kích lệ, nhứt là khi đất nước chỉ do một chính đảng lãnh đạo, như Đảng Cộng Sản ở Việt Nam chẳng hạn.

Như trên chúng ta đã nói, Quốc Hội được bầu lên để đệ đạt nguyện vọng của dân chúng đối với vua. Quốc Hội Anh đã hành xử tư cách đại diện của mình bằng cách kiểm soát hành động của Vua và cùng với Vua soạn thảo ra những luật lệ mới.

Vị thế khởi thủy đó của Quốc Hội Anh dần dần được Quốc Hội ở các Quốc Gia dân chủ hiện đại biến đổi.Quốc Hội hiện nay ở các nước dân chủ không những là cơ quan đại diện của dân chúng đối với Hành Pháp, mà còn là tiếng nói của Chính Phủ trước dân chúng theo đường lối chính trị của Chính Phủ ( dĩ nhiên là đã được Chính Phủ và Quốc Hội thỏa thuận trước khi soạn thảo chương trình và luật pháp). Nhiệm vụ của quốc Hội hiện thời là nhiệm vụ lưỡng diện.

Một mặt Quốc Hội là cơ chế dân cử, nên nhiệm vụ trước tiên của Quốc Hội là đại diện cho dân chúng, nói lên tiếng nói, nhu cầu và ước vọng của dân đối với cơ quan Hành Pháp.

Đàng khác Quốc Hội cũng có nhiệm vụ nói lên đường hướng chính trị , hướng đi của Quốc Gia nhằm mưu ích cho toàn dân. Do đó những quyết định luật pháp của Quốc Hội phải luôn luôn quan tâm đến nhu cầu chung của quốc Gia. Với vị trí vừa kể, Quốc Hội khó mà giữ được vị trí phân hai giữa dân và Chính Quyền. Đối với nhiều quyết định, Quốc Hội đã nhiều lần mặc nhiên trở thành cơ cấu nội tại của Chính Quyền. Quốc Hội đầu tiên của Anh Quốc và những quốc Hội kế tiếp đối thoại, tranh cãi với Chính quyền để bảo vệ dân. Quốc Hội của nhiếu quốc Gia hiện đại là cơ quan quyền lực của Chính quyền, là bình phong cho tư cách hợp pháp các hành động của Chính Quyền.


Tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn , khi Chính Quyền lũng đọan , mua chuộc được Quốc Hội. Ở hầu hết các nước dân chủ hiên đại, các chính đảng chiếm đa số đương quyền cũng là những chính đảng chiếm đa số trong Quốc Hội. Do đó ý muốn của chính đảng đương quyền cũng sẽ dễ dàng trở thành “ hợp pháp “, được Quốc Hội phê chuẩn.

Tiền liệu cho những điều bất trắc có thể xảy ra như vừa kể, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đặt nặng vai trò của Viện Bảo Hiến, quyền can thiệp hữu hiệu của Chính Quyền các Tiểu Bang và giao cho thành phần thiểu số đối lập ngay trong Quốc Hội Liên Bang có thực quyền can thiệp vào tính các hợp hiến hay vi hiến của các đạo luật có thể được giới Hành Pháp Liên Bang soạn thảo và được Hạ Viện Liên Bang ( Bundestag) “ bồ nhà ” có thể “ chuẩn y, nhất trí ” với phe nhóm đa số đương quyền (Điều 93, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, Cfr. QUỐC HỘI CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC, CƠ CHẾ CHỐNG DỘC TÀI VÀ BẤT ỔN).


V - Nhiệm vụ của Quốc Hội.

Qua những dòng vừa kể, mặc nhiên chúng ta đã đề cập đến nhiệm vụ của Quốc Hội.

Những nhiệm vụ trên được Walter Bagehot liệt kê như sau:

1 - Nhiệm vụ đại diện cho dân chúng.

2 - Kiểm soát luật pháp.

3 - Kiểm soát và hướng dẩn đường lối chính trị Quốc Gia .

4 - Chọn lựa đúng đắn một Chính Phủ để điều hành Quốc Gia ( Walter Bagehot, The English Constitution, London, Eyre and Spottswoods, 1959,322) .

Walter Bagehot cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhứt của quốc Hội là làm sao chọn lựa đích đáng cơ chế Hành Pháp để điều hành Quốc Gia. Nếu Quốc Hội lựa chọn được Chính quyền xứng đáng, thì nhiệm vụ kiểm soát luật pháp cũng như hướng dẩn đường lối chính trị quốc Gia sẽ giảm bớt đi.

Trong khi đó thì dường như kinh nghiệm thường nhật cho chúng ta những dữ kiện ngược lại. Người ta có cảm tưởng là nhiều Quốc Hội hiện tại có khuynh hướng “ bất tín nhiệm ” để cản trở, truất phế Chính Phủ hơn là cũng cố.

Dưới đây chúng tôi xin đơn cử một vài ví dụ về nhiệm vụ của Quốc Hội Ý đối với Chính Phủ, điển hình vai trò Quốc Hội trong một thể chế dân chủ.

Trước hết sau cuộc bầu cử và được Tổng Thống bổ nhiệm,

- Thủ Tướng và Nội Các Chính Phủ phải được Quốc Hội Lưỡng Viện bỏ phiếu tín nhiệm mới được hoàn toàn giao phó quyền hành xử quyền lực quốc Gia:


“ Trong vòng 10 ngày sau khi thành lập, Chính Phủ phải được Lưỡng Viện Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm ” ( Điều 94, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


-Và Quốc Hội( Thượng cũng như Hạ Viện) chỉ cần có 1/10 số dân biểu tỏ ý bất tín nhiệm, có thể đưa ra bàn cãi để thu hồi sự tín nhiệm trên bất cứ lúc nào (Điều 94, id.).

- Quốc Hội có nhiệm vụ và quyền chuẩn y hay bác bỏ ngân sách Quốc Gia hàng năm:

“ Quốc Hội chuẩn y mỗi năm ngân sách quốc gia do chính phủ đề ra..”

- Và một khi đạo luật về ngân sách được chuẩn y, chính phủ không có quyền tăng thêm thuế và ngân sách chi tiêu tùy ý”( Điều 81, id.).

- Quốc Hội có quyền tuyên bố tình trạng chiến tranh cũng như cho phép Chính Phủ ký kết các thỏa ước quốc tế ( Điều 78 và 80, id.).

- Và một trong những quyền hạn quan trọng là Quốc Hội có thể hạch hỏi và điều tra Chính Phủ bất cứ lúc nào mà Quốc Hội cho là cần phải can thiệp( Điều 82, id.).

Hiện nay chúng ta có khuynh hướng và theo ngôn ngữ thông dụng gọi Quốc Hội là cơ quan Lập Pháp.

Thật ra khi chúng ta chọn các vị đại biểu vào Quốc Hội, chúng ta không chọn họ theo tiêu chuẩn là họ có khả năng “ làm ra luật ” hay không, mà là có cùng chí hướng với chúng ta, có khả năng đại diện chúng ta hay không.

Nhiệm vụ chính của Quốc Hội Anh lúc đầu không phải là “ làm ra luật ” ( lập pháp) , mà là “ chuẩn y hay bác bỏ ” dự án luật. Đọc lại nguyên bản của điều kiện Quốc Hội:

“ Sự đóng góp ý kiến, sự đồng thuận... và phải được Quốc Hội cho phép “,

chúng ta sẽ thấy rằng nhiệm vụ chính của Quốc Hội là chuẩn y hay bác bỏ dự án luật sắp được công bố.

Dĩ nhiên có nhiều phương cách để chuẩn y hay bác bỏ . Có thể có loại chuẩn y “ nhắm mắt ký đại ”, hay nói theo ngôn ngữ của thời Việt Nam Cộng Hoà là làm “nghị gù, nghị gật ” .

Nhưng cũng có cách chuẩn y bằng cách duyệt xét kỹ lưỡng, đưa ra những phán đoán cân nhắc điều khoản nào nên giữ, điều nào cần bị cắt bỏ, thêm bớt sửa đổi đdể đạo luật thành đường lối chính trị Quốc Gia: “ phải có sự đóng góp ý kiến, sự đồng thuận...và được Quốc Hội cho phép ” là vậy.

Nhưng đù là đóng góp ý kiến, đồng thuận,..cho phép, nhiệm vụ chính của Quốc Hội không phải là lập pháp ( làm ra luật ), mà là góp ý kiến , chuẩn y hay bác bỏ luật.

Như vậy Lập Pháp không có nghĩa là làm ra luật , mà “ làm thế nào để luật được ban hành là một đạo luật hữu lý và có lợi cho quốc gia ”. Bởi lẽ khi chúng ta chọn dân biểu vào Quốc Hội chúng ta không đòi buộc họ phải có Cữ Nhân hay Tiến Sĩ Luật, có khả năng chuyên môn để làm luật, soạn thảo luật.

Vấn đề “ soạn thảo luật ” sẽ được giao cho một ủy ban chuyên môn có trách nhiệm soạn thảo chớ không phải Quốc Hội.

Chúng ta cần chú ý đến tư tưởng vừa kể về nhiệm vụ của Quốc Hội là chuẩn y hay bác bỏ luật cũng như hướng dẫn đường lối chính trị quốc gia bằng luật pháp. Đi ra ngoài nhiệm vụ chính yếu vừa kể , Quốc Hội có thể rơi vào cạm bẩy của danh từ Lập Pháp ( làm luật), nhứt la khi Quốc Hội xích lại gần Hành Pháp, nhất cử nhất động của Chính Phủ đều được Quốc Hội làm ra luật. Quốc gia sẽ tràn đầy luật, luật lớn ,luật nhỏ, luật con, luật cháu.., thay vì Quốc Hội đứng biệt lập với Hành Pháp để chuẩn y hay bác bỏ, duyệt xét và hạn chế, sửa đổi để Hành Pháp không được đưa ra những dự án, quyết định tùy hỷ.


Người Roma trong thời cực thịnh của đế quốc họ đã dưa ra nhận xét:


“ Khi nào luật pháp ( jus) bị ) hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý muốn tự tiện của những ai muốn làm ra luật ( jussum , để ra lệnh ), thì luật pháp sẽ mất đi mọi tính cách công bình của nó (justum) ”( G. Sartori, Elementi di teoria politica, Bologna, Il Mulino, 1990,244).


Câu nói vừa kể gợi cho chúng ta nhớ lại một trong những tư tưởng then chốt của Quốc Hội : Quốc Hội là một cơ quan chính trị của Quốc Gia, biệt lập và độc lập đối với Hành Pháp.

Trong một nước dân chủ thực sự, luật pháp muốn có hiệu lực và công bằng phải được Cơ Quan “ Chuẩn Y hay Bác Bỏ ” ( Quốc Hội) tách rời khỏi Hành Pháp quyết định, để giữ mức thăng bằng và giới hạn quyền lực của Hành Pháp đối với dân chúng.

Một ngày nào đó Quốc Hội không còn biệt lập và độc lập đối với Hành Pháp để “ chuẩn y hay bác bỏ ”, như trong thể chế “ Đảng Lãnh Đạo, Nhà Nước quản Lý, Dân Làm Chủ ”, làm chủ với hai bàn tay trắng, không còn một tất quyền lực trong tay, là " chủ không, kêu trời không thấu", chúng ta chỉ còn sống trong một Quốc Gia, trong đó quyền Hành Pháp (nhứt là hành pháp theo lệnh lãnh đạo của Đảng) thao túng áp đặt trên đầu chúng ta những gì họ thích.


Tin tức và hình ảnh phiên toà xử Cha Lý

- không có thân nhân chứng kiến,

- không có luật sư biện hộ,

- mà ngay cả quyền tự do tối thiểu con người được dùng lời ăn tiếng nói để giải thích và đứng ra tự biện hộ cũng không: Cha Lý vừa mở miệng, một công an đã đưa tay bịt miệng lại.

Phiên toà vừa kể cho thấy mức sống dưới mức văn minh của Cộng Sản Việt Nam.

Người ta sẽ tự hỏi kiểu sống " lấy thịt đè người " như vừa kể có phải là mức sống thú vật không?

Con người hơn thú vật, vì con người biết dùng lời ăn tiếng nói và lẽ phải để đối xử với nhau.

Mức sống thú vật đó là do

- " Đảng và Nhà Nước mình" " lấy thịt đè người ", quen với lối sống thú vật của XHCN Marc - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh dạy bảo cho,

- công an hồng hộc hung bạo, dùng chân cẳng, nanh vuốt ra trấn áp người yếu thế,

- hay do Quốc Hội không có kiến thức và khả năng và uy quyền " lập pháp", " chuẩn y hay bác bỏ ", tạo ra được ngay cả một đạo luật bảo vệ một quyền tối thiểu , quyền được biện hộ và tự biện hộ của con người cũng không?

Nếu đã như vậy, thì người Việt Nam ngày 20.5.2007 sắp tới đi bầu Quốc Hộiđể làm gì, một Quốc Hội không có khả năng bênh vực người dân, cảnh giác giới hành quyền?

Cha Lý và các nhà tranh đấu dân chủ kêu gọi tẩy chay buộc bầu cử sắp tới, là hành động có lý chứng!

Aucun commentaire: