1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

mardi 17 avril 2007

Nền tảng quyền lực- Ý Dân hay Ý Đảng?

Nền tảng quyền lực- Ý Dân hay Ý Đảng?
17/01/2007

Hoàng Lan



Trong mấy tuần vừa qua, bài viết “Độc lập và độc đảng” của bạn Nguyễn Tiến Trung đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Tuy nhiên, tiếc rằng thông điệp chính mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc dường như ít được chú ý đến: đó là vấn đề Vi phạm Hiến pháp của việc Độc đảng.

Điều mà chúng tôi muốn nêu lên trong các bài viết là vấn đề vi phạm luật pháp chứ không phải là những nhận định theo cảm tính. Những cuộc tranh cãi về các thể chế chính trị sẽ luôn là vô tận. Nhưng việc đúng hay sai trong lĩnh vực Hiến pháp và pháp luật là những điều không thể quanh co, chối cãi. Mọi vi phạm pháp luật cần phải có biện pháp ngay lập tức để ngăn chặn, không thể chần chừ hay phớt lờ.

Qua bài viết của bạn Tiến Trung, rõ ràng độc đảng là vi phạm Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để chấm dứt tình trạng này, thực hiện bầu cử tự do, công bằng là điều thiết thực. Đó là cũng là điều kiện thiết yếu của Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”- quy định ở điều 2 Hiến pháp 1992.

Chính quyền “của dân” bởi chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân.

Chính quyền “do dân”, có nghĩa rằng Ý dân là nền tảng của quyền lực. Chính quyền hợp pháp chỉ có thể là chính quyền được bầu ra bởi nhân dân qua bầu cử tự do và công bằng. Chính quyền là tập hợp những người đại diện cho nhân dân để giải quyết các công việc quốc gia, cũng là để phục vụ cho nhân dân.

Bầu cử tự do công bằng là điều kiện tiên quyết để tạo ra chính quyền và đảm bảo tính hợp pháp của chính quyền. Tính hợp pháp và tính đại diện của chính quyền chỉ được công nhận khi bầu cử hội tụ đủ 3 yếu tố:

1. Mọi thành phần xã hội đều có quyền tham gia ứng cử.

2. Nhân dân có quyền đi bỏ phiếu hoặc không đi bỏ phiếu.

3. Hội đồng tổ chức và giám sát bầu cử bao gồm đại diện của nhiều thành phần, đảng phái khác nhau để bảo đảm tính độc lập, công minh
.

Chính quyền phải “vì dân”, bởi nhân dân bầu ra những người đại diện là để họ phục vụ cho lợi ích chung và đảm bảo những điều kiện cơ bản như an ninh, an sinh xã hội… chứ không phải để nhũng nhiễu dân.

Tính vi hiến về bầu cử từ bấy lâu nay tại Việt Nam

Nói đến bầu cử tự do và công bằng là phải nói đến một nền chính trị đa nguyên, đa đảng. Ở Việt Nam, nơi có chế độ độc đảng, người dân không hề có sự lựa chọn các vị lãnh đạo. Như vậy, nhân dân mất đi quyền quyết định vận mệnh quốc gia và vận mệnh của chính mình. Điều này thể hiện ở cả giai đoạn ứng cử và giai đoạn bầu cử.

Ở giai đoạn ứng cử, các ứng cử viên cho kỳ bầu cử Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân Dân các cấp đều do Mặt trận tổ quốc độc quyền tổ chức và giới thiệu. Thế nhưng, Mặt trận Tổ quốc trên thực tế chỉ là một bộ phận của Đảng Cộng sản cầm quyền. Thế nên các đảng phái khác không được tham gia ứng cử. Như vậy, ứng cử ở Việt Nam không hề công bằng.

Ở giai đoạn bầu cử, trong chế độ độc đảng, mọi người bị bắt buộc đi bầu, nếu không sẽ bị chính quyền gõ cửa răn đe và bị để ý như một “phần tử chống đối”. Bầu cử không phải là một quyền của người dân nữa, mà là một nhiệm vụ bắt buộc, bắt buộc ngay cả khi nhiều người dân Việt Nam chẳng hiểu bầu cử để làm gì. Bởi chỉ có một đảng chiếm giữ độc quyền chính trị thì hiển nhiên chính quyền được chọn ra chỉ là bình mới với rượu cũ mà thôi.

Bầu cử ở Việt Nam như vậy là không hề tự do.

Bầu cử “độc diễn” của Đảng cộng sản chỉ phản ánh ý Đảng chứ không phải ý Dân. Thể thức bầu cử như vậy là vi phạm Hiến pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Điều 7 Hiến pháp Việt Nam quy định: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Điều 21 của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc cũng ghi rõ: “Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.”

Như vậy, trên tinh thần Hiến pháp quốc gia và luật pháp quốc tế, ý dân là nền tảng của quyền lực.

Liệu ý dân và ý đảng có trùng hợp với nhau không? Đảng đưa ra khẩu hiệu “lòng dân, ý đảng”, nhưng ý dân là pháp trị, ý đảng là toàn trị thì làm sao mà gặp nhau được. Sự lãnh đạo của Đảng là “tuyệt đối và toàn diện”. Mọi lĩnh vực đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, nhất là pháp luật đều có sự can thiệp của Đảng. Đó là minh chứng của sự lãnh đạo toàn trị. Đã toàn trị thì làm sao mà xây dựng Nhà nước pháp quyền và thực hiện bầu cử tự do, công bằng?

Với những cuộc bầu cử ở nước ta hiện nay, dân đang phải làm theo ý đảng chứ đảng không hề theo ý dân.

Mà nền tảng quyền lực không phản ảnh ý dân thì quyền lực đó là quyền lực của một thiểu số độc đoán.

Do đó, kết quả bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ bấy lâu nay tại Việt Nam là bất hợp pháp.

Làm sao để hợp pháp hóa các cuộc bầu cử?

Sự vi phạm hiến pháp này cần phải chấm dứt. Ba yếu tố cơ bản cần phải được thực thi để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua bầu cử:

- Cụ thể hóa “xã hội công bằng, dân chủ”, như quy định tại điều 3 Hiến pháp, bằng nền chính trị đa đảng.

- Tôn trọng quyền tự do ứng cử của công dân và các đảng phái.

- Tổ chức một hội đồng giám sát bầu cử độc lập, nhiều thành phần, đảng phái để đảm bảo tính công minh. Trong tình hình Việt Nam hiện nay cần thêm sự giám sát của quốc tế
.

Bầu cử trong thể chế độc đảng là hình thức. Cơ chế “đảng cử dân bầu” chỉ có ý nghĩa khi có ít nhất hai đảng. Nếu chỉ có một đảng cử ra ứng cử viên thì dù dân bầu cho ai cũng chẳng thay đổi là bao. Trái lại nếu như chúng ta có ít nhất hai đảng, thì khi người dân mất niềm tin vào đảng cầm quyền, họ có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng đối lập với hi vọng đảng đó sẽ thực hiện những chính sách thiết thực hơn cho đời sống của họ. Trong nền chính trị có nhiều đảng cạnh tranh, nhân dân là người hưởng lợi, bởi đảng đối lập biết lắng nghe nguyện vọng của nhân dân và đề nghị những chương trình phục vụ tốt hơn nếu muốn thắng cử. Làm được như vậy, chính quyền mới có trách nhiệm trước cử tri của mình, và nhân dân nắm trong tay quyền làm chủ thông qua lá phiếu.

Có một vài bạn thanh niên phản đối thể chế đa đảng, với cùng một lập luận của Đảng Cộng sản rằng “sẽ gây ra loạn lạc”. Thực tế hiển nhiên không phải như vậy. Bản chất của mọi xã hội là đa nguyên, là có nhiều ý kiến khác nhau cùng tồn tại trong xã hội. Sự tôn trọng mọi luồng tư tưởng khác biệt và sự tự do hoạt động của các tôn giáo, đảng phái, tổ chức xã hội khác nhau là những yếu tố quyết định của việc chung sống hòa bình. Chủ trương dùng bạo lực trong chính trị của Đảng Cộng sản không còn phù hợp với xã hội pháp quyền ngày nay. Việc dùng lá phiếu để giải quyết các vấn đề chính trị không chỉ ôn hòa, đúng pháp luật mà còn là sự tiến bộ của nhân loại. Đó là sự khác biệt cơ bản so với chế độ phong kiến, nơi lá phiếu không hề tồn tại.

Nếu chúng ta tôn trọng đa nguyên như bản chất của xã hội loài người thì việc đa đảng, hệ quả của đa nguyên, là lẽ tất nhiên. Đa đảng là sự thể chế hóa của đa nguyên, để những người có cùng nguyện vọng tập hợp lại, tạo nên sức mạnh cho tiếng nói của họ và có cơ hội biến nguyện vọng đó thành hiện thực qua việc tham gia ứng cử vào chính quyền.

Việc đảm bảo một “xã hội công bằng, dân chủ” tùy thuộc vào sự tôn trọng và nghiêm túc thực hiện một cuộc bầu cử đa đảng dưới sự giám sát của một hội đồng tổ chức và giám sát bầu cử độc lập. Đó là điều hiển nhiên không cần phải tranh cãi nữa mà hãy cùng nhau thực hiện. Kỳ bầu cử Quốc hội 2007 sắp tới là một cơ hội lớn để nhân dân thực thi quyền làm chủ thực sự của mình. Việc vi phạm Hiến pháp quốc gia và công ước quốc tế cần phải chấm dứt, không nên tiếp tục.

Hoàng Lan – sinh viên cao học Luật, Pháp quốc

Thành viên Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ

Aucun commentaire: