1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) [tddc] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] - 7.[Thu doan cs d/v Ton giao] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 1 juin 2007

Những vụ xử làm Việt Nam mất bạn

Những vụ xử làm Việt Nam mất bạn

Nguyễn Giang
BBC Luân Đôn


Thượng nghị sĩ John Kerry của đảng Dân chủ từng là ứng viên tổng thống
Hai nhân vật đầy ảnh hưởng trong chính trị Hoa Kỳ vốn theo xu hướng thân thiện với Hà Nội cũng đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao hãy đề cập đến vấn đề nhân quyền “nghiêm trọng” ở Việt Nam.
Hai thượng nghị sỹ Edward Kennedy và John Kerry trong thư ngày 9.04 đã bày tỏ lo ngại của họ trước các vụ án xử linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

Họ đề nghị tiến sĩ Rice cập nhật cho họ “những biện pháp bà đưa ra để nêu đề tài nhân quyền với chính quyền Hà Nội và chính sách của Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam’.

Khi đến Hà Nội hồi tháng 11.2006 để dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã khen ngợi nước chủ nhà về công cuộc cải cách.

Bà nhắc nhở Bắc Hàn cùng Miến Điện hãy noi theo ví dụ Việt Nam để “gia nhập cộng đồng thế giới với một con đường mới của hoà bình và cơ hội " (a new path of peace and opportunity).

Nhưng các vụ xử những người bất đồng chính kiến diễn ra dồn dập sau khi không khí hồ hởi của APEC đã lắng xuống và Việt Nam đã thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới đã khiến dư luận Phương Tây nghĩ lại về Việt Nam.

Truyền thông quốc tế

Cuộc gặp của TT George Bush và bộ tham mưu chính trị, an ninh và ngoại giao của ông hôm 29.05 với bốn nhân vật vận động đối lập Việt Nam ở Mỹ đã được báo chí toàn cầu loan tải rộng rãi.

Các báo Mỹ cũng đăng tin về vụ dân biểu Dân chủ từ Oregon, ông Earl Blumenauer từ chức Nhóm nghị sĩ thân Việt Nam (US-Vietnam Caucus) tại Hạ viện để phản đối “cách đối xử của nhà cầm quyền ở Hà Nội đối với những tiếng nói đối kháng ôn hòa”.


Chúng tôi chia sẻ quan điểm cần cổ vũ cho quyền con người ở Việt Nam


Hai Thượng nghị sĩ Edward Kennedy và John Kerry

Cho đến 30.05 gần như tất cả các báo lớn của Hoa Kỳ như International Herald Tribune, Boston Globe, trang ABC News đến các báo nhỏ ở Philadelphia, Oregon, Wyoming đều có bài nói ‘TT Bush lo ngại về nhân quyền ở Việt Nam’ hoặc về vụ từ chức của ông Blumenauer.

Điểm báo quốc tế thì có hàng chục báo trên toàn cầu đã chạy tin về đề tài ‘Nhân quyền ở Việt Nam’, từ tờ The Guardian thiên tả ở Anh đến các báo ở Áo và Nam Phi.

Cách nhìn nhận chung là Việt Nam đã tạo ra hy vọng trên trường quốc tế về một “con đường mới” nhưng nay thì lại “thắt chặt gọng kìm” về chính trị.

Đặc biệt, các vụ xử án, nhất là vụ xử linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý với bức hình 'bịt miệng' nổi tiếng đã khiến Hà Nội thêm thù mất bạn.

Bạn bè nay còn đâu


Lá thư của hai Thượng nghị sĩ Edward Kennedy và John Kerry
Ngoài Liên hiệp châu Âu đã lên tiếng thì nhiều nhân vật chính trị ở Canada và Úc cũng tỏ thái độ tương tự.

Việc bị ông Bush và phe hữu phê phán tuy đáng ngại cho Việt Nam nhưng không nghiêm trọng bằng việc mất sự ủng hộ của phe tả.

Theo truyền thống, các đảng phái thiên tả ở Phương Tây thường có cái nhìn thông cảm hơn với Hà Nội. Lý luận của họ là cứ nhẹ nhàng, tình cảm thuyết phục thì chế độ chính trị kiểu Lenin ở Việt Nam sẽ dần dần chuyển hóa.

Họ thông cảm là để Việt Nam tiến đến chế độ dân chủ đại nghị chứ không phải để Việt Nam lùi về thời Chiến Tranh Lạnh và cứ duy trì cách cầm quyền chuyên chế.

Đáng tiếc là cách nhìn đó lại được truyền thông Việt Nam diễn giải thành thứ tình cảm vô điều kiện cho đảng cầm quyền.

Nay thì như dân biểu Blumenauer tuyên bố: “Tôi từng là một người bạn kiên trì bên cạnh Việt Nam nhưng tôi không thể làm hại sự ủng hộ đối với quyền con người” (I have been a consistent friend to Vietnam, but I cannot compromise my support for human rights).

Tranh cãi nội bộ

Được biết các vụ xử và nhất là bức hình cha Lý trước tòa đã gây ra những tranh luận mạnh mẽ ngay bên trong bộ máy chính trị của Việt Nam.

Ngành ngoại giao như gặp khó khăn trong công tác đối ngoại sau các sự kiện đó vì hình ảnh họ nỗ lực xây dựng về một nước Việt Nam khác hẳn Bắc Hàn và Myanmar nay bị hạ điểm nhanh chóng.


Nghị sĩ đảng Lao Động Úc (phe tả) Luke Donnellan đã bí mật đến gặp linh mục Nguyễn Văn Lý hồi 2006 tại Việt Nam

Có cách giải thích rằng xu hướng trấn áp, ngăn cản cải tổ chính trị đã phải “nín chịu’ nhiều tháng trước APEC để nay được quyền tiến hành các vụ án đã lên kế hoạch từ trước.

Thậm chí những lời đồn đoán trong và ngoài nước còn nói về một âm mưu ngăn cản các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ trong năm nay.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính ban lãnh đạo mới muốn giải quyết nhanh gọn một loạt đảng phái đối kháng tự ra đời theo phong cách “nhanh, mạnh” để tỏ rõ sự dứt khoát không chấp nhận đa nguyên chính trị.

Nhìn sâu rộng thì các vụ xử, dù diễn ra vào thời điểm tế nhị, lại nằm trong logic của một hệ thống chính trị vừa muốn duy trì các biện pháp kiểm soát kiểu cũ, vừa muốn tỏ ra công khai hơn trước.

Chính thế mới có hiện tượng để báo chí và giới ngoại giao và dự các phiên xử dù nhà chức trách đã không ý thức được tác động của hình ảnh trong thời đại truyền thông.

Mặt khác, còn có tư duy coi WTO là điểm đến, là thành quả đã có trong tay, sau đó khỏi cần làm gì nhiều chứ không nhìn WTO là điểm khởi đầu cho quá trình hiện đại hóa lâu dài, trong đó, hiện đại hóa chính trị là không tránh khỏi.

Điều rất có thể là khi đưa ra các vụ xử bất đồng chính kiến, nhà chức trách đã không lường hết phản ứng quốc tế và thiếu một sự bàn thảo liên ngành có tầm nhìn quốc tế.

Ai làm đối ngoại?

Hiện tượng để “công an, toà án làm đối ngoại” đã gây ra những tác hại không lường hết cho toàn hệ thống.

Với hội nhập kinh tế đang tăng tốc, truyền thông quốc tế, người nước ngoài xuất hiện thường trực ở Việt Nam, giao lưu trong ngoài tăng nhanh và nhận thức về pháp luật của dân chúng đã khác nên việc cần thiết cho nhà cầm quyền là có chiến lược rõ về chính trị.

Hiện nay được biết các giới chức Việt Nam đang ráo riết vận động các công ty Hoa Kỳ làm ăn tại Việt Nam để cho chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết diễn ra như đã định.

Dựa vào giới doanh nghiệp không phải là giải pháp tốt vì các đại công ty Mỹ cũng thường xuyên bị báo chí và dư luận xoi xét.


Hà Nội lâu nay chỉ đón tiếp các tỷ phú chứ không còn quan tâm đến phe tả và phong trào công nhân Phương Tây

Nếu chú ý đến ngôn ngữ của các phát biểu thì kể cả TT Bush và các nhân vật cao cấp của cả phe Dân chủ vẫn chưa dùng từ "lên án" (condemn) mà mới chỉ bày tỏ lo ngại.

Điều này chứng tỏ họ vẫn hy vọng Việt Nam có những cử chỉ "sửa sai" được chính thức hóa bằng cam kết cải tổ chính sách thực tâm nhân một Quốc hội mới và nội các mới ra mắt tới đây.

Chuyến đi của ông Triết nếu cứ diễn ra tháng Sáu này chắc chắn sẽ vẫn được truyền thông trong nước mô tả là một thắng lợi to lớn.

Những hoạt động biểu tình, phản đối của người Việt hải ngoại sẽ được coi do những thế lực thù nghịch gây ra.

Điều truyền thông Việt Nam sẽ không nói là chính sách như hiện nay đang khiến Việt Nam mất đi những người bạn nước ngoài quan trọng.

Phe thiên tả châu Âu và trên thế giới vốn từng ủng hộ miền Bắc trong cuộc chiến nhưng nhiều người đã thất vọng với chính sách của chế độ sau 1975 ở miền Nam.

Nay thì những người cuối cùng cũng đã chia tay vì các vụ xử gây phản cảm khắp nơi, nhất là khi chính đảng cầm quyền cũng bỏ rơi lý tưởng vì công nhân và giới lao động để nhắm tới những người bạn triệu phú bên ngoài.

Đó mới chính là khó khăn cho việc hội nhập theo ý của đảng cầm quyền.

Thiếu chỗ dựa từ những nhân vật ôn hòa và thân thiện với họ trên thế giới, các nhà chính trị Việt Nam sẽ hoàn toàn cô đơn khi phải dấn thân vào một thế giới phức tạp hơn nhiều so với họ tưởng.


BBC

Aucun commentaire: