Đảng cộng sản Việt Nam sau khi hội nhập quốc tế
--------------------------------------------------------------------------------
• Bùi Tín Paris, 4.6.2007
Nhà báo Bùi Tín
Việc hội nhập quốc tế là một sự kiện sâu sắc nhất của đảng CS VN cũng như của nước VN ta trong lịch sử hiện đại.
Sự hội nhập được đặt ra sau khi phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ rồi tan rã, từ khi bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989, các nước XHCN Đông Âu biến mất trên bản đồ chính trị. Sự hội nhập quốc tế được đánh dấu bằng việc nước Việt nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc từ tháng 9-1977, ký văn bản Công ước Quốc tế về Nhân quyền(1948) vào năm 1982. Cuộc hội nhập được thúc đẩy mạnh sau khi đảng CS Liên xô và Liên bang Xô viết tan rã tháng 8 năm 1991; VN bình thường hóa quan hệ với Trung quốc tháng 11-1991; bình thường hóa quan hệ với Hoa kỳ tháng 7-1995 và ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ BTA tháng 7-2000.
Có thể nói việc hội nhập quốc tế của VN được coi là sâu sắc, hoàn thiện sau khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO vào cuối năm 2006.
Cuộc hội nhập vào cộng đồng quốc tế đặt ra cho đảng CS VN những đòi hỏi to lớn, mới mẻ, những trách nhiệm và nghĩa vụ trọng yếu đối với nhân dân cũng như đối với cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, đảng CS đã đáp ứng những yêu cầu ấy ra sao ?
Những yêu cầu quan trọng nhất đối với chính quyền CSVN sau khi hòa nhập là gì ?
Đó là :
- thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, kể cả các cam kết đối với nhân dân VN mình, không có thể tránh né sau bức màn chủ quyền quốc gia, như họ thường viện ra trước đó ;
- các nước là bình đẳng, đều bị ràng buộc như nhau, dù to, nhỏ, chế độ chính trị, trình độ kinh tế , pháp chế, văn hóa, không có trường hợp ngoại lệ, miễn trừ…
- có đi có lại, có trách nhiệm với nhau, không thể một chiều, vô lý, bất công, bất bình đẳng, chỉ đòi điều có lợi, không làm đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ, cam kết với nước khác, chỉ thực hiện theo lựa chọn những cam kết và điều khoản có lợi.
- toàn bộ các cam kết quốc tế là một thể thống nhất về chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, pháp lý, an ninh… không thể tách rời, chỉ thực hiện những mặt này mà bỏ qua những mặt khác.
Những lợi và bất lợi của chính quyền CS VN sau khi hội nhập.
Những điều lợi chủ yếu là :
- có nguồn đầu tư lớn để khôi phục và xây dựng kinh tế sau chiến tranh, sau khi phe XHCN tan vỡ và trụ cột là Liên xô gẫy gục ; có điều kiện để xây dựng lại toàn bộ hạ tầng cơ sở, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đất nước với tốc độ khá cao ;
- thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị sau khi gia nhập tổ chức ASEAN và vào Liên Hợp Quốc , nay lại vào WTO ; có điều kiện để nâng cao uy tín quốc tế.
- tăng thêm các nước bạn bè, mở rộng giao thương, hợp tác hữu hảo nhằm giữ vững hòa bình ổn định cho đất nước sau chiến tranh lâu dài.
Những điều bất lợi cho chính quyền độc đảng :
- việc hội nhập quốc tế là việc làm miễn cưỡng của đảng CS VN vì họ hiểu rằng nó đe dọa ngày càng lớn đến nền thống trị độc đảng kiểu chuyên chính toàn trị của họ.
- gia nhập sân chơi quốc tế gồm phần lớn là các nước dân chủ đa đảng theo chế độ dân chủ đại nghị , với những luật chơi dân chủ, công khai, minh bạch, thượng tôn luật pháp, chống lại độc đoán và chuyên chế, VN sẽ hoặc là buộc phải thích nghi, buộc phải thực hiện dân chủ hóa để hòa nhập trọn vẹn và thuận lợi, hoặc vẫn giữ nguyên bản chất độc đoán để cưỡng lại nề nếp chung, để bị cô lập và gặp nhiều vấp váp trở ngại, tổn thất, thua thiệt và thất bại cho đất nước .
- những bất lợi và mâu thuẫn chủ yếu nhất là : những giá trị được công nhận và thực hiện phổ biến trên sân chơi quốc tế là dân chủ đa nguyên đa đảng, nhân quyền, bình đẳng, các quyền tự do rộng rãi của công dân như tự do tư tưởng và ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản, tự do bầu cử và tín ngưỡng, ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp tách rời, độc lập với nhau để kiểm soát, cân bằng quyền lực, tính công khai, minh bạch mâu thuẫn với chế độ độc quyền chuyên chế của đảng CS, với bản chất toàn trị của chế độ đàn áp mọi sự bất đồng chính kiến, với bộ máy tuyên truyền kiểu cưỡng ép, nhồi sọ và lừa dối mỵ dân, với chế độ lập pháp, hành pháp và tư pháp đều là công cụ của đảng phục vụ đảng.
Vừa qua lãnh đạo đảng đã khôn ngoan kiểu khôn vặt, làm ra vẻ tôn trọng và thực thi những cam kết quốc tế theo luật chơi chung, bằng cách áp dụng chiến lược chọn lọc – select approch - , thực hiện những cam kết kinh tế, tài chính trước những cam kết liên quan đến chính trị, những cam kết với quốc tế trước những cam kết liên quan trực tiếp đến người dân trong nước.
Do đó họ đã khẩn trương sửa chữa bổ sung các luật lệ liên quan đến tiếp nhận vốn đầu tư ODA và FDI, thu hút thêm vốn nước ngoài vào các công trình chung, đến thuế xuất nhập cảng, cải cách hành chính, nhưng cố trì hoãn những thay đổi về chính trị liên quan đến sự lãnh đạo duy nhất độc đoán của đảng CS, tù chối quyền công dân là tư nhân ra báo và xuất bản, trao đổi bình đẳng các văn hóa phẩm…Họ làm ra vẻ ‘’khôn ngoan’’ chọn ăn những món ngon ngọt trước, để lại những món cay đắng khó nuốt sau, để với thời gian họ càng gặp những trớ trêu gay gắt, tiến lui đều khó.
Khởi đầu, cuối năm 2006, họ trưng ra những nụ cười cố làm ra vẻ chân thành và đậm đà, bắt tay khá chặt, còn lắc lên lắc xuống vài lần, gọi nhau là ‘’bạn thân thiết’’, nhưng trong nội bộ thì căn dặn nhau phải cảnh giác, thực chất Hoa kỳ và các nước tư bản phương Tây vẫn là ‘’thù’’, không phải là đối tác – partner - gì hết, vì nguy cơ chết người ‘’diễn biến hòa bình ‘’ đến từ đấy.
Họ mở hội, cờ quạt trống kèn, chiêu đãi linh đình, áo gấm sặc sỡ để ‘’lại quả’’ 2 món quà lớn của Tòa Bạch Ốc là gỡ bỏ cái mũ lừa CPC xấu xí và cấp cho cái PNTR béo bở.
Họ còn mừng rơn khi ông Bush đến tận Hànội xoa đầu các quan chức chóp bu, phong cho xã hội chủ nghĩa VN là ‘’chú hổ con ‘’, để từ cái danh hiệu ấy chính quyền CS rắp tâm thực thi cái bản chất ‘’hổ báo’’ của mình nhằm lăm le xơi thịt một loạt các chiến sỹ dân chủ ngay sau đó.
Họ nghĩ sai lầm rằng khi tư bản đã đầu tư sâu, quen mùi lợi nhuận thì sẽ cắn câu không thể nhả mồi theo lời dạy của Marx, do đó họ mặc sức thực hiện một loạt phiên tòa ‘’bịt miệng’’ thời trung cổ, không hiểu rằng ở các nước dân chủ còn có ngành lập pháp, công luận, ngành truyền thông và các cơ quan nhân quyền làm đối trọng trong cán cân quyền lực.
Theo đà chủ quan và tùy hứng, họ làm một số việc quá đáng, làm tràn ly, như ngoại trưởng Khiêm hứa hẹn với ngoại trưởng Rice trả tự do cho anh Nguyễn Vũ Bình rồi lờ tịt, như các phiên tòa ‘’ bịt miệng ‘’ ô nhục ở Huế, Sàigòn, Hànội, như ông Triết hẹn đi Mỹ rồi lại thay đổi hành trình sang Bắc kinh trước, như công an gây sự kiểu mất dạy với các bà Việt nam và Hoa kỳ, Na uy ngay trước tòa đại sứ Mỹ, rồi báo công an Hànội dùng những từ ngữ xấc xược với các dân biểu và nhà ngoại giao Mỹ…
Việc hội nhập thế giới sẽ thuận buồm suôi gió nếu như ĐCS nhận ra sâu sắc những đặc điểm và giá trị cơ bản của thế giới ngày nay, nhận ra những bất cập của mình để thay đổi tận gốc cách nghĩ của mình, thay đổi tận gốc não trạng cũ của mình cho thích hợp, lấy lợi ích nhân dân làm mục đích tối cao, từ bỏ những tư duy bè phái, ích kỷ, lấy lợi ích riêng của đảng CS làm trọng. Thế nhưng đCS đã bị lãnh đạo theo một hướng khác hẳn, giữ nguyên não trạng chính trị cũ, lấy độc quyền lãnh đạo của đCS làm mục tiêu để duy trì đặc lợi, nên việc hội nhập gặp vô vàn trở ngại và đổ vỡ, để vấp phải bế tắc và thất bại tất yếu. Vì lẽ ấy, chính quyền độc đảng toàn trị đang học những bài học vỡ lòng sâu sắc ngay sau khi vừa hội nhập vào cộng đồng quốc tế.
Những bài học và sức ép như thế sẽ ngày càng nhiều, thêm sâu sắc và phong phú, đến từ mọi phía :
- 1/ trước hết từ các chiến sĩ dân chủ tiêu biểu cho khát vọng tự do vốn có của xã hội, tiêu biểu cho lương tâm thời đại, hàng ngũ ngày càng đông đảo, dày dạn và ngoan cường, mà những cuộc đàn áp tàn bạo của cường quyền chỉ thúc đẩy mạnh mẽ thêm; nhân dân hiểu rõ thêm về các chiến sỹ dân chủ và thêm quý mến các anh chị em dân chủ.
-2 / từ xã hội công dân vốn bị bóp ngẹt chặt đang ngày càng có điều kiện nảy nở và lớn lên nhanh trong quá trình mở cửa, mở rộng giao lưu, thông thương, tự do thông tin, tự do ngôn luận và tự do báo chí cũng như bước đầu tự do xuất ngoại du lịch và du học, mà đảng phải buộc lòng mở ra theo mức độ, lan vào cả trong quốc hội và bộ máy chính quyền cũng như trong các đoàn thể và cả vào đảng cộng sản. Văn nghệ sỹ, trí thức, tuổi trẻ, lao động, nông dân, đảng viên thường ở cơ sở và công dân bình thường không còn sợ bạo quyền như xưa, đang và sẽ đòi quyền tự do nhiều hơn, đòi quyền lợi, đòi công bằng, bình đẳng cho đến cả tự do bầu cử, ứng cử và đa nguyên đa đảng…
-3 / sức ép từ bên ngoài, trước hết từ cộng đồng người Việt ngày càng giàu kinh nghiệm, giàu ý chí và quyết tâm, tiếp sức mạnh mẽ cho trong nước và vận động quốc tế có hiệu quả, từ Bắc Mỹ, châu Âu đến Úc châu và các nước khác ;
-4 / sức ép từ ngay các nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức kinh tế tài chính của thế giới như WB, IMF, ADB – Ngân hàng phát triển châu Á; họ đòi hỏi quản lý vốn đầu tư chặt chẽ, giải ngân gọn đúng thủ tục, chống tham nhũng ngiêm, có luật pháp minh bạch và ngành tư pháp độc lập, xử án công bằng phù hợp luật quốc tế. Những thông báo định kỳ xếp thứ bậc về tham nhũng, về tự do báo chí, về tính công khai minh bạch, về tư pháp công bằng, về hành chính thuận lợi, về rủi ro trong kinh doanh, về môi trường kinh doanh … có tác dụng phơi bầy thực trạng VN ra công luận mà bộ máy tuyên truyền trong nước không có cách gì che dấu. Nó tạo nên sức ép quốc tế và trong nước khá mạnh trong đổi mới thật sự.
-5 / ngay ở trong đảng CS sự rạn nứt là không tránh khỏi, sự chia rẽ là tất yếu, với nhiều nhận thức khác nhau, đối lập nhau không thể điều hòa, về cả lý luận và thực tiễn trên hầu hết các vấn đề của cuộc sống.
[Về thành tích lịch sử của ĐCS ; về sai lầm của đảng ;về các nhà lãnh đạo; về vai trò lý luận Mác Lênin ; về đổi mới ; về chống tham nhũng ; về quan hệ quốc tế, quan hệ việt – Trung, Việt - Mỹ ; về xây dựng văn hóa ; về hội nhập quốc tế. ..]
Những người bảo thủ giáo điều thường ở hàng ngũ quan chức trung cao cấp có quyền chức bổng lộc nhiều, nghĩ nhiều đến danh dự, vinh hạnh, thành tích, lợi ích cá nhân, thường tự mãn, ít chịu học tập, suy nghĩ, tự rèn luyện, lại ưa dạy dỗ người khác. Chưa có khuynh hướng hay phe cấp tiến trong lãnh đạo (trong trung ương và bộ chính trị ).
Những người có cách nhìn thức thời, cấp tiến, phóng khoáng, dân chủ thường là người có tư duy độc lập, ham tìm hiểu thế giớí, lòng mở đón cái mới , có phương pháp hoài nghi khoa học để tự tìm ra sự thật lẽ phải, tự vượt lên hiểu biết cũ của chính mình, cầu tiến bộ, không chịu kém người, không chịu để dân mình hèn kém dân tộc khác. Nhiều nhà văn hóa, giáo dục, văn nghệ sỹ, trí thức có ít nhiều phẩm chất như thế. Sinh viên, học sinh trung học, du sinh được hướng dẫn tốt cũng có phẩm chất ấy. Đảng viên thường, không quyền lực, về hưu và dân thường , với ‘’ tính bổn thiện ‘’, với bản năng trong sáng, hiền hậu cũng có nhận thức như thế tuy đơn giản, còn tự phát. Không ít nhà kinh doanh chân chính muốn làm ăn lương thiện, làm giàu bằng tài trí bản thân, giới ngoại giao tiếp xúc nhiều với thế giới và tiếp thu được những thành tựu của nền văn minh quốc tế cũng có ít nhiều phẩm chất này.
Giữa 2 lọai người này là đông đảo đảng viên bị rập khuôn, thực dụng, cuộc sống dễ chịu, khấm khá sau gian khổ thiếu thốn kéo dài, vừa lòng với vài cải thiện trong đổi mới, có thái độ tùy thời, chưa thức tỉnh để dấn thân làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời mình và gia đình. Đây là đại khối cần tiếp cận và thức tỉnh dần, khi có thời cơ, họ có thể bừng dậy và dấn thân hàng loạt, thành phong trào, cao trào.
Trong chính sách đối ngoại, đảng CS vẫn đang bị chi phối bởi 2 hướng : ngả theo TQ hay ngả theo các giá trị phổ quát của thời đại là dân chủ, nhân quyền và phát triển bền vững . [Hồi ký của Trần Quang Cơ nguyên thứ trưởng ngoại giao, từng chuẩn bị lên bộ trưởng, cho thấy cuộc đấu tranh gay gắt này.]
Từ Đại hội VII /1991, đCS ngả theo TQ nhưng cố làm ra vẻ thăng bằng, đi trên dây, làm cho hội nhập đầy mâu thuẫn, trồng tréo ; tiến lên lại lùi lại, không nhất quán, vừa tiến vừa ghè lên chân mình,. TQ tận dụng để lấn đất, lấn biển, kiềm chế để kiếm lợi.
Mâu thuẫn nội bộ về sự lựa chọn chính sách đối ngoại trong thời hội nhập càng thêm gay gắt, biểu hiện ngày càng công khai và đòi hỏi giải quyết rõ ràng vì lợi ích lâu dài của dân tộc.
Đã có ý kiến trong đảng CS là thái độ phụ thuộc TQ chỉ có hại cho đất nước, bị khinh thường và uy hiếp, mất đất mất biển mất tài nguyên. Thời đại mới, thuyết địa lý – chính trị - geo politic – không còn tác dụng, nên dựa hẳn vào các giá trị và lực lượng dân chủ của thời đại, vào Liên Hợp Quốc và pháp luật quốc tế trong khi vẫn giữ quan hệ láng giềng tốt với TQ.
Trở ngại nguy hiểm nhất cho quá trình hội nhập quốc tế là một thế lực cực kỳ nham hiểm được Bắc kinh nuôi dưỡng theo bản chất bá quyền nước lớn, biểu hiện qua uy quyền còn tồn tại của 2 vị thái thượng hoàng Mười và Anh, với ‘’tay trong’’ hiện nay là viên tổng bí thư Nông Đức Mạnh, và những người thực sự cầm đầu ngành cảnh sát + an ninh+ bảo vệ đảng CS + bảo vệ quân đội+ tình báo + phản gián. Chính thế lực này đã cản phá, trì hoãn việc bình thường hóa và ký Hiệp định buôn bán với Hoa kỳ, trì hoãn Việt nam vào WTO, ép ông Triết phải bái yết Bắc triều trước chuyến đi Mỹ... Tình hình đổi mới và hội nhập tùy thuộc ở sự lộng hành của thế lực nguy hiểm này và khả năng đẩy lùi để đi đến loại bỏ.
Đảng CS đang trên quá trình đi xuống vì lý luận bế tắc, đổi mới chồng chéo không đồng bộ, nhận thức của xã hội đang thức tỉnh khá nhanh thời mở cửa , giao lưu quốc tế và internet; và họ cũng bị quốc tế thúc ép đi vào những giá trị thời đại.
Khó khăn của ĐCS là đội đá vá trời khi cố bảo vệ cái không thể bảo vệ (lý luận CS), duy trì cái không thể duy trì (chế độ chuyên chế độc đoán độc đảng). Một cán bộ CS lão thành đã ‘’nhạt đảng‘’ gần 20 năm, vừa bỏ đảng, tâm sự : ta nên có chút lòng thương hại cho bọn quan chức chóp bu đang ‘’cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng’’; họ biết rõ là chủ nghĩa Mác Lênin đã hết thiêng, họ biết tỏng cụ Hồ của họ vô đạo đức đến đâu, họ thấy rõ đang bị dân khinh và dân chửi, họ cũng thừa biết chủ nghĩa CS hiện thực bị cả thế giới nguyền rủa vì tội ác chồng chất thật sự ra sao, nhưng họ không có đủ dũng khí để thừa nhận sự thật. Họ đang cố bảo vệ những điều mà chính họ không còn mảy may tin tưởng. Bi kịch đáng thương mà cũng đáng trách, và đáng đời !
Lối thoát duy nhất của đCS là trở về với dân tộc, thực hiện một cuộc đột phá chiến lược đồng bộ theo 4 hướng :
- đổi mới mọi mặt (trọng yếu nhất là về chính trị),
- trả lại đầy đủ mọi quyền tự do cho nhân dân,
- hòa giải với cộng đồng ta ở nước ngoài trên cơ sở bình đẳng,
- gắn bó với thế giới dân chủ, văn minh.
Nếu 4 hướng được thực hiện đồng thời tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội, tạo nên một thế chiến lược mới hoàn toàn, một tốc độ phát triển vượt bậc- vượt xa 10% PNB/năm, uy tín của đảng CS sẽ lên, hòa giải dân tộc sẽ đạt, nước Việt sẽ đổi mới thật với tín nhiệm quốc tế vượt bậc, hạnh phúc lâu bền toàn dân được bảo đảm.
[đang có một dòng tuyên truyền trong và ngoài nước cố tô vẽ cho sức mạnh, uy thế của ĐCS và chế độ độc đảng, rằng chế độ rất mạnh, rất chủ động, vững chắc, ổn định, được dân tin cậy, lúc này không thể chống lại, nhằm hù dọa cuộc đấu tranh đòi tự do, đồng thời hạ thấp, thổi phồng những nhược điểm, chê bai, chia rẽ hòng làm suy yếu cuộc đấu tranh. Ý kiến tôi: thế và lực giữa ĐCS toàn trị với thế lực đòi tự do dân chủ trong xã hội đang ở thế giằng co, có thể nói là giáp lá cà, ngày càng gay gắt, trong đó ĐCS già cỗi còn ta là sức trẻ]
Thời gian ủng hộ chúng ta. VN hội nhập hoàn toàn vào thế giới mới là thời cơ hiếm quý chưa từng có. Cố gắng kiên trì theo phương hướng đấu tranh đúng, phối hợp chặt chẽ trong ngoài nước, phong trào dân chủ trong nước sẽ còn phát triển mạnh, những hạt giống đã nảy mầm, thành hạt, thành cây, thành vườn cây xanh, đang thành rừng .
Vì những hoạt động kiên trì có hiệu quả theo chủ trương đường lối đúng đắn của chúng ta thích hợp hoàn toàn với thời kỳ hội nhập trọn vẹn của VN vào cộng đồng thế giới và đang biến thành hiện thực sinh động hàng ngày.
Bùi Tín, Paris 4.6.2007
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire