LIÊN MINH DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM
Alliance for Democracy and Human Rights for Viet Nam
vplmdcnqvn@gmail.com
---------------
Phát biểu của Ks Đỗ Nam Hải từ Việt Nam với TT Bush và Ủy Ban An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ
ngày 29-5-2007
Phương-Nam Đỗ Nam Hải
Tôi là kỹ sư Phương Nam Đỗ Nam Hải đang phát biểu từ thành phố Sai Gòn, Việt Nam.
Kính thưa Quý Vị,
Hôm nay tôi rất hân hạnh được Ủy Ban An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ mời tham gia buổi thảo luận về vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Tôi cũng được biết rằng hôm nay có sự hiện diện của quý ông Đỗ Hoàng Điềm, Việt-Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng; ông Đỗ Thành Công, Đảng Dân Chủ Nhân Dân; ông Lê Minh Nguyên, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt-Nam, và BS Nguyễn Quốc Quân, Phong Trào Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản… Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả Quý Vị. Nếu như có ai lúc này hỏi tôi rằng : hôm nay ở Việt Nam đã có được tự do dân chủ, mà cụ thể là các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí, tự do lập hội lập đảng, v.v… một cách thực sự hay chưa, thì câu trả lời rõ ràng và dứt khoát của tôi là CHƯA! Và đó chính là nguyên nhân đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nhiều người dân chúng tôi ở cả trong và ngoài nước đã và đang đứng lên quyết giành lại các quyền tự do thiêng liêng ấy.
Tôi nói giành lại là vì: cách nay trên 60 năm dân tộc chúng tôi đã có được các quyền ấy. Chúng được xác định rõ trong bản hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH được thông qua bởi 1 quôc hội đa đảng vào ngày 9 tháng 11 năm 1946. Thế nhưng điều bất hạnh cho dân tộc Việt Nam chúng tôi là các quyền tự do ấy đã bị các thế hệ lãnh đạo trong đảng CSVN ngang nhiên cướp đoạt. Vì vậy, mục tiêu tốt đẹp ban đầu của cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 là độc lập dân tộc cũng đã bị đánh tráo một cách rất không lương thiện thành mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Lịch sử đã chứng minh rằng trong suốt gần 62 năm qua từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 5 năm 2007 dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chọn mục tiêu chủ nghĩa xã hội cho mình cả.
Có 3 văn kiện quan trọng trong những ngày đầu thành lập nước VNDCCH:
- Nghị quyết đại hội quốc dân họp ở Tân Trào-Thái Nguyên ngày 16 tháng 8 năm 1945 thông qua lệnh tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh.
- Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.
- Bản hiến pháp đầu tiên ngày 9 tháng 11 năm 1946
đều không có một từ nào nói về chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản cả. Bởi vì theo nhận xét của cựu chủ tịch Công Đoàn Đoàn Kết, cựu tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, thời hậu cộng sản thì "đó là con đường dài nhất để đi từ Chủ Nghĩa Tư Bản đến Chủ Nghĩa Tư Bản". Đại tướng W. Jaruzelski và cũng là cựu tổng thống Ba Lan thời cộng sản trong cuốn hồi ký "Xiềng Xích và Nơi Trú Ẩn" xuất bản năm 1992, cũng đã phải ngậm ngùi nhận xét về con đường ấy như sau: "... mô hình đã bị phá sản. Những lời nói của chúng ta không còn ý nghĩa gì nữa. Các lý tưởng của chúng ta ngày nay đang bị dìm trong bùn, ném vào hố rác của lịch sử ...".
Dân tộc Việt Nam đã không cam chịu tình trạng mất dân chủ, tự do nên có biết bao người con ưu tú dũng cảm đứng lên, bất chấp bạo lực của bộ máy chuyên chính vô sản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Chính họ đã đặt nền móng vững chắc để phong trào dân chủ Việt Nam được phát triển về cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong năm 2006 vừa qua.
Mở đầu là sự ra đời của bản tuyên ngôn Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam vào ngày mùng 8 tháng 4, 2006 với sự tham gia đầu tiên của 118 người Việt Nam trong nước. Chỉ một thời gian ngắn sau, con số ấy đã được tăng lên hàng ngàn rồi hằng chục ngàn người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, còn được gọi là Khối 8406. Ngoài ra Khối 8406 còn được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nhà hoạt động chính trị, ngoại giao, nhân quyền, v.v… trên thế giới. Tiếp theo sự kiện lịch sử trên là sự xuất hiện của các tờ báo như Tự Do Ngôn Luận, Hoa Mai, Canh Tân, Tổ Quốc; sự xuất hiện của các đảng phái như Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21, Đảng Thăng Tiến Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, v.v… Tất cả những sự kiện trên, đánh dấu một bước ngoặt lớn của chặng đường đấu tranh giành lại tự do dân chủ nhân quyền cho dân tộc Việt Nam chúng tôi: Phong Trào đã đi từ tự phát đến tự giác, từ đơn lẻ cá nhân đến có tổ chức, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh.
Hốt hoảng trước sự lớn mạnh vượt bực của phong trào dân chủ, nhà cầm quyền CSVN sau khi tổ chức xong Hội Nghị APEC, được giải tỏa PNTR, CPC, gia nhập với WTO, đã mở một chiến dịch đàn áp khốc liệt những chiến sĩ dân chủ Việt Nam ở khắp 3 miền Bắc Trung Nam vào cuối năm 2006 đầu năm 2007 vừa qua. Hằng chục người đã bị bắt giữ và đưa ra tòa xét xử với những bản án oan sai. Thế nhưng chiến dịch đàn áp này đã hoàn toàn thất bại. Phong trào dân chủ Việt Nam qua cơn thử thách khốc liệt vừa qua chẳng những không dừng lại mà lại còn trưởng thành và lớn mạnh hơn rất nhiều.
Một người bị đàn áp thì có hàng chục người khác đứng lên. Bạo lực của nhà cầm quyền đã không thể đè bẹp, không thể đập nát được ý chí mãnh liệt quyết đứng lên đấu tranh giành lại tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam mà biểu hiện cụ thể là Khối 8406 và các tờ báo tự do, cùng các đảng phái, và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Tất cả ngày càng nhận được sự ủng hộ và tham gia của nhân dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế.
Kính thưa Quý Vị,
Chúng tôi những người đang đứng lên đấu tranh giành lại tự do dân chủ thực sự cho đất nước từ tay các thế lực bảo thủ trong đảng CSVN luôn ý thức sâu sắc rằng: lực lượng của cuộc đấu tranh này là dân tộc Việt Nam! Tuy nhiên, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các chính phủ, các tổ chức nhân quyền, và nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới đã và đang ủng hộ nhiệt tình và ngày càng có hiệu quả sự nghiệp chính nghĩa này của dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ những suy nghĩ ấy, tôi xin được đề nghị sự ủng hộ của Quý Vị vào một số điểm cụ thể sau đây:
1/ Yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những tù nhân chính trị đang bị giam giữ.
2/ Chấm dứt việc cho công an theo dõi và sách nhiễu các nhà dân chủ; tùy tiện cắt điện thoại, cắt internet và ngăn chận các quyền tự do đi lại, tự do sinh sống v. v. của họ.
3/ Ủng hộ cho việc ra đời một tờ báo tư nhân ở Việt Nam.
4/ Ủng hộ cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Việt Nam với sự giám sát của quốc tế, để nhân dân Việt Nam được thực hiện quyền dân tộc tự quyết của mình là lựa chọn thể chế chính trị độc đảng hay đa đảng nhằm mở đường cho một cuộc bầu cử thật sự tự do, dân chủ, cho dân tộc chúng tôi trong tương lai.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn Quý Vị và chúc Quý Vị cùng gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc.
Sài Gòn, Việt Nam, ngày 29 tháng 5 năm 2007
Kỹ sư Đỗ Nam Hải
(v v v)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire