KHÁNG THƯ CỦA NHÓM LINH MỤC NGUYỄN KIM ĐIỀN
KHÁNG THƯ CỦA NHÓM LINH MỤC NGUYỄN KIM ĐIỀN
về việc Nhà cầm quyền CSVN đàn áp
Giáo hội Công giáo tại Huế nhân Tết Đinh Hợi
Huế, Việt Nam, ngày 22 tháng 02 năm 2007
Kính thưa:
Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Quý lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo.
Các Chính phủ và Quốc hội Dân chủ.
Các tổ chức Nhân quyền Quốc tế.
Các tổ chức Truyền thông khắp hoàn vũ.
Ngày Tết của dân tộc Việt Nam là thời khắc thiêng liêng, được tổ tiên ngàn đời đặt ra để bà con thân thuộc sum họp, hòa giải, vui xuân trong tình tự dân tộc và tình nghĩa đồng bào. Thế nhưng, cách đây 39 năm, nhà cầm quyền Cộng sản miền Bắc đã lợi dụng những ngày Tết Mậu Thân thanh bình (1968) để đánh úp các thành thị miền Nam, gây máu đổ xương rơi, cụ thể là đã giết chết gần 5000 người dân vô tội tại Huế bằng những cách thức dã man nhất. Giải khăn sô cho Huế vẫn còn vấn trên đầu và hằn trong tâm của biết bao gia đình đất Thần Kinh. Trong những ngày xuân Đinh Hợi này, nhà cầm quyền CS lại giở thói man rợ, chà đạp truyền thống dân tộc, tổ chức một cuộc càn quyết dữ dội chống lại Giáo hội Công giáo tại Huế qua những sự kiện dưới đây:
1- Ngay từ ngày 29 tết (16-02-2007), người ta đã thấy rất đông đảo công an mặc thường phục vây quanh khu vực Tòa Tổng Giám mục và Nhà Chung Huế, gây một không khí hoang mang, ngột ngạt, đầy tính khủng bố. Sang ngày mồng một Tết (17-02), đám công an này vẫn không giảm bớt, trái lại còn gia tăng lực lượng, đặc biệt có những nữ công an mặc áo dài để dễ trà trộn và dễ ra tay. Chiều ngày mồng 2 Tết (18-02), sự căng thẳng tại khu vực Tòa TGM và Nhà Chung lại càng tăng bội khi đông đảo công an vừa thường phục vừa sắc phục tràn vào Nhà Chung, án ngữ cánh cổng trong lẫn ngoài, khiến nội bất xuất ngoại bất nhập! Đến 20g thì một số xâm chiếm phòng linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, cướp đi máy móc (vi tính, điện thoại), và còn phá tủ để lấy nhiều vật dụng khác. Xong xuôi, công an buộc linh mục phải về đồn để bị thẩm vấn. Linh mục cương quyết từ khước tuân lệnh, bảo rằng các ông chỉ còn cách trói gô tôi lại vất lên xe! Và ngài công bố tuyệt thực vô thời hạn, vừa để phản đối việc vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với Tòa TGM, đối với bản thân ngài, đối với các cộng sự viên, vừa để cảnh tỉnh nhà cầm quyền CSVN theo tinh thần bất bạo động. Công an đã phản ứng lại bằng cách đem ổ khóa riêng khóa chặt phòng ở của cha Lý, biến nó thành phòng giam.
2- Từ đó cho tới sáng ngày mồng 4 Tết (20-02), công an tiếp tục phong tỏa toàn bộ khu vực Nhà Chung và Tòa TGM, tự mình trấn giữ cánh cổng, tùy tiện quyết định chuyện ra vào, biến cơ sở Công giáo quan trọng và tôn nghiêm bậc nhất này thành một nhà tù, hay như một đồn công an của nhà nước. Thậm chí, tối ngày 03 Tết (19-02), lúc 21g, linh mục Quản lý Nhà Chung Giuse Võ Văn Phú ra đóng cổng theo thông lệ, thì một số công an đã cản trở bằng cách chửi bới, ném đá, khạc nhổ, hăm dọa linh mục : “Mày ra khỏi cổng, tụi tao đánh chết bỏ!” Thậm chí công an còn hành hung linh mục, gây vết thương còn rướm máu nơi cánh tay. Một số giáo dân bên ngoài có nhiệm vụ tế thuốc men và thực phẩm đặc biệt hằng ngày cho một số vị linh mục già yếu bệnh tật hưu dưỡng nơi đây đã bị ngăn cản thô bạo. Toàn bộ các hành vi đàn áp này gây chấn động tinh thần mãnh liệt cho các linh mục lão thành đáng kính ấy, ngoài ra còn khiến toàn thể Tổng giáo phận Huế hết sức đau xót và công phẫn, đến nỗi một số linh mục nói thẳng với lãnh đạo Công an rằng nếu không sớm giải tỏa, thì sẽ đem giáo dân tới đánh đuổi nhân viên công an khỏi khuôn viên Nhà Chung và Tòa TGM!
3- Ngoài ra, một số giáo dân Công giáo tại Huế có tinh thần yêu nước, tham gia các hoạt động dân chủ nhân quyền, đồng thời là cộng sự viên của linh mục Lý, như anh Nguyễn Phong, anh Nguyễn Bình Thành, cô Lê Thị Lệ Hằng thuộc giáo xứ Phủ Cam, cô Hoàng Thị Anh Đào thuộc giáo xứ Nguyệt Biều, đều bị công an đến nhà lục soát, đánh đập, cướp đi phương tiện làm việc rồi bắt giam chính trong những ngày Tết Nguyên đán. Công an thậm chí lường gạt, ép buộc họ làm nhiều điều trái lương tâm, ngoài ra còn khủng bố thân nhân và hăm dọa đuổi việc các giáo dân ấy.
Qua những sự kiện trên, chúng tôi:
1- Cực lực lên án trước Quốc nội và Quốc tế sự đàn áp Công giáo cách quy mô, ngang nhiên và trắng trợn chưa từng thấy của nhà cầm quyền Cộng sản VN. Đây là một sự lộng hành đáng lên án và không thể chấp nhận được. Việc này lại xảy ra chỉ gần một tháng sau cuộc viếng thăm Tòa thánh Vatican của thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng (25-01-2007) và chỉ gần ba tuần sau việc phát hành Sách trắng về Tôn giáo của Ban Tôn giáo (01-02-2007).
2- Quyết liệt đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản VN phải tôn trọng văn hóa cổ truyền của dân tộc, phải tôn trọng chủ quyền của cơ sở tôn giáo, danh dự, thân thể, an ninh, tài sản và quyền làm người của công dân, tôn trọng những bậc già lão và bệnh hoạn, đặc biệt phải tôn trọng các giới chức tôn giáo, mà cụ thể trong trường hợp này là Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Bản quyền Tổng Giáo phận Huế.
3- Mạnh mẽ kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hãy từ bỏ cuồng vọng dùng dối trá và bạo lực để trấn áp nhân dân và tôn giáo, để dập tắt tiếng nói của những nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân quyền. Mạnh mẽ kêu gọi các nhân viên công lực hãy hành xử đúng pháp luật, đạo lý, xứng tư cách những người bảo vệ công lý và nhân dân, chứ không phải như công cụ của nhóm lãnh đạo chuyên chế độc tài.
4- Tha thiết thỉnh cầu Quý Lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo, Liên Hiệp quốc, các Chính phủ, các Tổ chức Nhân quyền, các Cơ quan Truyền thông quốc tế và toàn thể Đồng bào Việt Nam hãy làm mọi cách bắt buộc nhà cầm quyền CSVN phải thực thi Hiến pháp quốc gia và các Công ước quốc tế mà VN đã cam kết tuân giữ, trong đó có việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội... cũng như các quyền cá nhân cơ bản.
Xin tất cả mọi người thành tâm thiện chí cùng chúng tôi cầu nguyện cho mọi người dân và toàn thể đất nước Việt Nam sớm có chân lý, công bình, tình thương và tự do.
Làm tại Huế, Việt Nam, những ngày đầu xuân Đinh Hợi 2007(22-02).
Đại diện nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
Linh mục Têphanô Chân Tín.
Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải.
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi.
(VT)
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire