Dân Chủ, Giá Trị Phổ Quát
Trần Khải
Trong khi nhiều khẩu hiệu kêu gọi tăng tốc hội nhập trên các báo quốc nội mang nhiều hình ảnh ấn tựơng như “Bay lên Việt Nam,” hay “Cất cánh thời hội nhập,” hay “Tiến ra biển lớn,” hay “Phát huy dân chủ cơ sở,” vân vân - tất cả cho người nghe một viễn ảnh khả dĩ hình dung rằng mọi chuyện sắp xong rồi, rằng Việt Nam mình chắc đang tăng tốc chạy đua cho bằng anh, bằng chị… thì ào một cái, bên Bắc Kinh bắn phát súng lệnh của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, rằng dân chủ có thể phải cần 100 năm nữa mới tới cho Trung Quốc. Thế là trong tháng 3 này, nhà nước Hà Nội mở các đợt bố ráp các nhà dân chủ. Và các ngôn ngữ khẩu hiệu kia tự nhiên có cái gì u ám, không hợp. Phải chăng dân chủ có giá trị phổ quát cho nhân loaị toàn cầu, hay chỉ thích hợp với các nước ở ngoài liên minh khủng long Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn?
Những hình ảnh này làm chúng ta có thể bi quan suy nghĩ về câu hỏi: bao giờ Việt Nam mới có thể có dân chủ đa nguyên? Có phải Việt Nam rồi cũng phải chờ 100 năm nữa như Ôn Gia Bảo nói về Trung Quốc? Hay là 70 năm, hay 50 năm?
Điều hết sức kỳ lạ, rằng cũng mới tuần trước, trong buổi họp báo thường niên trong khóa họp Quốc Hội Trung Quốc, chính Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã nhìn nhận rằng
Dân chủ, pháp trị, tự do, nhân quyền… là thành quả chung của văn minh nhân loại đạt được trong chiều dài lịch sử và là giá trị chung được toàn thể nhân loại theo đuổi… (Báo New Strait Times, bài “A faint China nod to the rights of its people” của Frank Ching, ngày 22/3/2007.)
Đúng vậy, nhưng ai đứng ra đòi các giá trị “Dân chủ, pháp trị, tự do, nhân quyền…” là kể như bị công an hỏi thăm liền. Nhưng cách nói của Ôn Gia Bảo thấy rõ là êm lỗ tai, dù là rất trình diễn kiểu sân khấu Hồ Quảng. Ngồi dưới ghế khán giả, nhìn lên thấy cả một thiên đường trên sân khấu, nơi vua quan thứ dân cùng vui mừng gặt hái những mùa lúa bội thu trong tiếng nhạc… nhưng bước tới gần mới thấy rằng trâu ngựa trên sân khấu làm ra lúa ngô thực sự không phải trâu ngựa, mà lại là người thật.
Nhưng ít nhất, họ Ôn cũng công nhận đúng là có các giá trị phổ quát là “Dân chủ, pháp trị, tự do, nhân quyền…” Còn phía nhà nước CS Việt Nam thì luôn luôn bác bỏ tính phổ quát, mà cứ nói rằng hòan cảnh đặc thù mỗi nước mỗi khác - chính phát ngôn nhân Lê Dũng cũng đã nhắc lại lý luận đặc thù về dân chủ này hôm Thứ Năm.
Và cũng trong tuần, bản tin AFP ghi lại bản tin Anh ngữ trên báo Thanh Niên lời Thứ Trưởng Công An, Tướng Nguyễn Văn Hưởng nói rằng tuyệt nhiên không thể có chuyện đa đảng tại Việt Nam, vì Hiến Pháp cấm, và Tướng Hưởng nêu thắc mắc với một nhà ngoại giao Mỹ rằng
Vì sao Mỹ cứ can thiệp vào nội bộ VN, cứ quan tâm về một số những người tù hình sự…” Tù hình sự? Ý ông Hương muốn nói về trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý, LS Nguyễn Văn Đài và LS Lê Thị Công Nhân - ba nhà hoạt động dân chủ vừa bị bắt giam gần đây và tuần sau sẽ bị đưa ra tòa.
Trong khi ông Tướng Công An nói cụ thể như thế, ông Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh lại nói một cách khác, “không để trò chơi dân chủ lồng vào sinh hoạt quốc hội,” trong buổi thảo luận ngày 21/3 ở Hà Nội, liên quan tới báo cáo công tác toàn bộ nhiệm kỳ khoá 11 của Quốc hội Việt Nam. (Đài RFA, ngày 22/3/2007).
Chỗ này cũng nên ghi nhận rằng báo International Herald Tribune viết theo văn phòng công tố tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Linh mục Nguyễn Văn Lý và 4 người hoạtđộng dân chủ cộng tác có thể sẽ lãnh án tù tối đa 20 năm, và phiên tòa xét xử sẽ mở ra ngày 30/3/2007.
Viễn ảnh dân chủ Việt Nam có vẻ không theo tàu lớn ra biển xa rồi, mà cũng chẳng thể cất cánh cho kịp các tốc độ kinh tế. Phải chăng dưới ánh sáng tư tưởng của đồng chí Ôn Gia Bảo vĩ đại, các bước tiến dân chủ VN rồi sẽ tà tà bơi ra biển lớn, chịu khó níu theo chân vịt các tàu hàng thương mại…
Nếu tình hình quê nhà đi chậm như thế, những người hỗ trợ từ hải ngoại nên làm gì để giúp các bước tiến dân chủ? Hay là chúng ta rủ nhau về làm từ thiện, giúp người nghèo? Hay là cứ nín thở qua sông để xin về dự các hội nghị khoa học, văn hóa, tôn giáo thường niên và mỗi năm sẽ đọc một bài tham luận trong các hội nghị này coi như đóng góp cho quê nhà? Hay là giữ gìn hạnh nhẫn nhục, nộp đơn xin vào danh sách Việt Kiều tiên tiến thường niên để dịp Tết được lãnh qùa, và thêm cơ may mua nhà dưỡng già ở bên sông Sài Gòn? Hay là viết bài ca ngợi các lãnh tụ được xem là “cấp tiến” của Đảng CSVN để thúc đẩy sự phân cực giữa bảo thủ và cấp tiến trong nội bộ của họ? Hay là về ngồi nơi hè phố Sài Gòn để làm thơ với bạn bè một thời thơ ấu, hay tìm về một góc núi Long Thành để ngồi thiền cho hết một kiếp…. Chứ không lẽ ngồi hòai ở Little Saigon chờ trái dân chủ chín cây rụng xuống? Thiệt là nhức đầu, nếu phải suy nghĩ.
Vậy rồi tuổi trẻ ở quê nhà suy nghĩ ra sao?
Một bản tin trên đài RFA hôm 21-3-2007 tựa đề “Thực tế Dân chủ tại Việt Nam theo nhận định của giới trẻ” do phóng viên Trà Mi thực hiện, đã cho chúng ta một hướng nhìn từ môt số người trẻ quê nhà, trích như sau:
…..ba người trẻ góp mặt trong chương trình giao lưu hôm nay: Hùng ở Sài Gòn, Tiến và Nguyễn từ Hà Nội...(...)
Trà Mi: Ý kiến của anh Hùng ở Sài Gòn thì sao?
Hùng: Một xã hội tốt cần phải có dân chủ, mà trong xã hội dân chủ không thể tồn tại chế độ độc đảng độc tài. Cần có tối thiểu là 2 đảng hoạt động song song với nhau để kìm chế tính độc đoán của đảng kia, và thúc đẩy quá trình dân chủ. Điều đáng sợ trong xã hội hiện nay là phần đông thanh niên không quan tâm đến chính trị của đất nước, họ không biết đi về đâu, phải làm thế nào. Chính điều đó đã làm cho xã hội kém phát triển đi.
Trà Mi: Thế thì câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để phát triển dân chủ trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, dân chủ áp dụng với tình hình thực tế trong nước nên đựơc phát triển như thế nào cho phù hợp?
Hùng: Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của các tầng lớp thanh niên, phải đựơc tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.
Trà Mi: Nhà nước Việt Nam luôn nói rằng mỗi quốc gia có một điều kiện riêng về kinh tế, chính trị, nên không thể đem dân chủ nước này so sánh với nước kia. Đó là lý do vì sao Trà Mi đặt ra câu hỏi là cần phải dân chủ như thế nào cho thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam ? Ý của anh Tiến ở Hà Nội như thế nào?
Tiến: Đấy là luận điểm nguỵ biện của chính quyền Việt Nam. Họ nói là từng nước khác nhau thì có những chế độ dân chủ khác nhau, thế nhưng nhân quyền của con ngừơi đựơc quy định trong Công ước quốc tế đều giống như nhau.
Cho nên bây giờ chúng ta phải đấu tranh dành cho đựơc những quyền căn bản nhất của con ngừơi như tự do ngôn luận, tự do đi lại. Từ đó, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội dân chủ từ sự tôn trọng nhân quyền của từng cá nhân trong xã hội.
Thế chể dân chủ tất yếu sẽ dẫn đến đa đảng. Con đường duy nhất hiện nay là đấu tranh tạo sức ép lên chế độ cầm quyền hiện nay, buộc họ phải tôn trọng những quyền cơ bản của nhân dân.
Trà Mi: Nhưng thưa anh, phải nói là phần đông giới trẻ ngày nay không nhận ra là những cái quyền đó của mình bị giới hạn?
Tiến: Tôi hiểu ý của chị. Đấy là do họ chưa có đựơc tự do ngôn luận chị ạ. Họ bị tuyên truyền một chiều nên họ như thế, còn nếu cho họ tranh luận thoải mái thì tôi tin rằng có thể thuyết phục họ nhận ra mình đang sống trong một thể chế dân chủ hay mất dân chủ. Đây cũng là một dẫn chứng cho thấy quyền tự do ngôn luận của người dân gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.(...)
Nguyễn: Một trong những giải pháp là tạo ra những diễn đàn cho giới trẻ trao đổi các kiến thức cơ bản về chính trị, giúp họ nhận thức đựơc thực tế cuộc sống, chứ không phải cái gì cũng đảng lãnh đạo toàn bộ. Chúng ta cũng đừng bỏ qua thế hệ 9X, thế hệ đó mới là thế hệ mà chúng ta có thể mong chờ một cái gì đó nổi bật.
Trà Mi: Lập các diễn đàn cho thanh niên có điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau, giải pháp này có khả thi, có thể thực hiện đựơc dễ dàng trước tình hình hiện tại trong nước chăng?
Nguyễn: Thực hiện những diễn đàn này nên dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như diễn đàn thể thao, âm nhạc của sinh viên trong đó lồng ghép các kiến thức dân chủ vào một cách nhẹ nhàng, chứ không nhất thiết phải ngồi lại bàn bạc xung quanh vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Trà Mi: Một khi đụng đến các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, các anh có e rằng sẽ gặp những điều bất lợi?
Nguyễn: Chắc chắn rồi, ngay cả chúng tôi từ thời đi học cấp 3, trong khi Hiến pháp quy định dân chúng đựơc quyền biểu tình thế nhưng khi chúng tôi chỉ đi xin chữ ký để phản đối chiến tranh Kosovo lúc bấy giờ, đã ngay lập tức bị chính quyền ngăn cản, đe doạ đuổi học. Thật sự đó là những quyền cơ bản của con ngừơi mà họ lại không cho thực hiện.
Hùng: Để phát động kiến thức dân chủ trong tầng lớp thanh niên chắc chắn sẽ có nhiều người ủng hộ mình, nhưng ngừơi ta lại không dám vì họ sợ bị trù dập, đàn áp, bắt bớ, khủng bố về tinh thần.
Tiến: Chúng ta thống nhất với nhau là phải đấu tranh đòi hỏi dân chủ chứ không phải xin thì ngừơi ta cho. Đấu tranh có nhiều cách khác nhau chứ không phải cứ trực diện mới là đấu tranh. Ví dụ như ta có thể in một bài báo nào đó nói về dân chủ, mang vào nơi làm việc hay lớp học cùng bạn bè tranh luận xem những điều viết lên đấy đúng hay sai, sai chỗ nào, đúng ra sao. Giới trẻ thừơng thích những điều mới lạ, trái ngược với những gì họ đựơc rao giảng trong nhà trường…"(hết trích)
Đó là tiếng nói của ba người trẻ từ VN chuyển qua làn sóng RFA đó. Họ đã nói lên cùng các ước mơ mà Linh Mục Nguyễn Văn Lý và các nhà dân chủ đã và đang ước mơ: dân chủ đa đảng, tự do báo chí, nhân quyền…
Các bạn trẻ này đã nói lên đúng những điều mà Ôn Gia Bảo nhìn nhận trong tuần qua, rằng dân chủ, tự do và nhân quyền là giá trị chung và thành quả chung của văn minh nhân loại, chứ không phải “mỗi nước khác biệt đặc thù” như nhà nước Hà Nội nói. Nếu nói như Đảng CSVN, có nghĩa là dân chủ đa đảng không phải là thành quả của văn minh nhân loại? Và như thế, Fidel Castro và Kim Jong-Il mới là đỉnh cao trí tuệ, mới là mùa xuân của nhân loại?
--------------------------------------------------------------------------------
Bài do tác giả gởi đến. DCVOnline biên tập
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=3158
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire